19.12.10

Giải thưởng Trần Văn Giàu: Tâm huyết cuối đời của một nhà khoa học

Ảnh: Diệp Đức Minh
GS Trần Văn Giàu vừa vĩnh biệt chúng ta, vượt qua ngưỡng cửa tuổi 100 và để lại hơn 150 công trình nghiên cứu về triết học, tư tưởng, lịch sử và văn học...

Trước ngày GS Trần Văn Giàu đi xa, một số nhà nghiên cứu đã sơ bộ tổng kết các tác phẩm của ông và nêu lên 3 công trình triết học đáng chú ý là: Biện chứng pháp (1955), Vũ trụ quan (1956), Duy vật lịch sử (1957) và 2 công trình về lịch sử tư tưởng quan trọng: Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ 19 đến Cách mạng tháng Tám (1993, dày hơn 1.000 trang), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam (1993). Ông chủ biên bộ Lịch sử cận đại Việt Nam (1963) và đồng chủ biên (với nhiều tác giả) bộ Địa chí văn hóa TP.HCM (1998)... Theo PGS Trần Hữu Tá “thành tựu của ông trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử đa dạng và phong phú hơn cả; trong hoạt động nghiên cứu văn học, ông đã khảo sát toàn bộ nền văn học dân tộc, từ văn học dân gian đến văn học hiện đại. Ông không dựng những bức tranh toàn cảnh, hệ thống của văn học lịch sử Việt Nam mà đi sâu, đột phá vào một số trọng điểm như thần thoại, truyền thuyết”.

Các nghiên cứu về ông chắc chắn sẽ còn tiếp tục. Phần chúng tôi, nhớ lại cách đây đã lâu, trong một dịp đến nhà chúc mừng sinh nhật giáo sư, đã nghe ông phát biểu về mình như sau: “Tôi nói ngay rằng tôi không phải là một nhà văn, cũng không phải là nhà nghiên cứu văn học. Tôi là một thầy giáo về sử, mong muốn tìm hiểu lịch sử tư tưởng Việt Nam mà văn học là kho chứa đựng nhiều tư liệu có liên quan. Vì vậy khi nghiên cứu văn học, tôi chú ý đến vấn đề tư tưởng hơn là những vấn đề khác. Những bài viết đăng báo trong mấy chục năm được tôi chọn đưa vào tập Trong dòng chủ lưu của văn học Việt Nam: tư tưởng yêu nước. Tôi đề cập đến tư tưởng chủ yếu của người Việt thời cổ qua những chuyện đứng đầu trong thần thoại và truyền thống; cuộc đấu tranh giữa thần bí và duy lý trong Phật giáo Giao Châu thế kỷ V; mấy đặc điểm trong nội dung tư tưởng của thơ văn đời Lý: Lý Thường Kiệt với Lộ bố đánh TốngNam quốc sơn hà; Trần Quốc Tuấn với Hịch tướng sĩ; về Nguyễn Trãi, người đứng đầu một văn phái yêu nước, thương dân, có tư tưởng cao cả; về Nguyễn Đình Chiểu với Đạo làm người; về Phan Bội Châu: chính khách, nhà văn, nhà tư tưởng; về chữ quốc ngữ La-tinh: từ vũ khí xâm lược của thực dân trở thành vũ khí đấu tranh giải phóng dân tộc; về chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa cộng sản…”.

Những khẳng định ấy đăng trên Báo Thanh Niên trước đây, được giáo sư đọc và xác nhận. Nay tuy vĩnh biệt chúng ta, song sự nghiệp của giáo sư vẫn còn đó, xúc động và hiển nhiên như tồn tại của Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu do giáo sư sáng lập và hiến tặng 1.000 lượng vàng lấy từ tiền bán nhà của mình để làm quỹ ban đầu cho giải thưởng.

Giải được trao theo tâm nguyện của giáo sư cho 2 lĩnh vực mà cả đời giáo sư đã nghiên cứu và giảng dạy, đó là lịch sử và lịch sử tư tưởng. Theo ông Tô Bửu Giám, hiện là Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu, thì điều giáo sư mong mỏi là các thế hệ tiếp nối sự nghiệp của giáo sư, nhất là những nhà khoa học trẻ, sẽ tiếp tục đi sâu nghiên cứu và sáng tạo trên hai lĩnh vực này trên vùng đất phía nam của Tổ quốc (Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ - B2 thời kháng chiến).

Mỗi năm có hai giải, giá trị như nhau: một cho lĩnh vực sử học, một cho lĩnh vực tư tưởng; yêu cầu của mỗi lĩnh vực là những phát hiện có tính sáng tạo, những gì mới, có nghĩa là những vấn đề chưa được nghiên cứu hay đã nghiên cứu nhưng chưa sâu, chưa có luận cứ khoa học giải thích vững chắc, chưa in thành sách hoặc đã in thành sách thì không quá hai năm kể từ ngày in và phát hành. Ủy ban giải thưởng nêu rõ: “Cái MỚI hoàn toàn không có nghĩa xuất phát từ số không mà có sự tiếp nối kế thừa nhưng có điểm khám phá mới – ví như cuốn Óc Eo, vấn đề đã đặt ra do bác sĩ Gore từ 1879 và L.Malleret (1937-1941), Óc Eo được khai quật đầu tiên năm 1943. Đề tài nghiên cứu đa dạng, phong phú, không cứ chỉ là đề tài bác học mà còn cả về những vấn đề ta đã tiếp xúc trong cuộc sống hàng ngày, nhưng chưa đi sâu lý giải như tên một tỉnh, một vùng đất, một nhân vật, một tập quán, một đạo giáo, một phong tục riêng của vùng đất B2. Người tham gia bất kể là sống ở vùng miền nào, người Việt tại nước ngoài đều có thể dự giải”.

Ngoài những điểm nêu trên, cũng theo ông Tô Bửu Giám, điều quan trọng theo nguyện vọng của giáo sư là phát hiện, nghiên cứu, lý giải những gì MỚI để làm giàu cho đời sống văn hóa xã hội của một vùng đất mới chỉ khoảng 500 năm (nếu kể từ ngày Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam chính thức đưa vùng đất này vào cương vị lãnh thổ Việt Nam thì chỉ hơn 300 năm), một thời gian rất ngắn so với lịch sử trên 4.000 năm của Tổ quốc chúng ta:

“Cái MỚI như trên đã nói là cái khó nhất. Tâm tư, nguyện vọng của giáo sư, người suốt đời nghiên cứu, viết sách, dạy sử Việt Nam, là muốn trong giáo trình giảng dạy, nghiên cứu có thêm những tài liệu, sử liệu tiêu biểu cũng như lịch sử khai phá, xây dựng của vùng đất này để không chỉ cho nhân dân miền Nam mà cả nước cùng biết, cùng thêm yêu quý Tổ quốc hùng vĩ, giang sơn gấm vóc Việt Nam, để cùng chung sức bảo vệ, xây dựng cả trong hiện tại và ngàn đời về sau”. Tuy có quy định mỗi năm phát giải một lần, nhưng trong 8 năm qua, kể từ khi giải thưởng bắt đầu hoạt động vào tháng 7.2002, mặc dù rất cố gắng, chỉ mới trao được 5 giải, chưa đáp ứng được kỳ vọng của người sáng lập ra giải. Vì thế Ủy ban giải thưởng nhận thấy chỉ có một giải cho mỗi lĩnh vực lịch sử và lịch sử tư tưởng mà không có giải 2, giải 3 và giải khuyến khích là thiếu hấp dẫn cho người nghiên cứu muốn dự giải vì rất khó mà đạt giải (dù giá trị mỗi giải khá cao - khoảng 100.000.000đ đến 250.000.000đ/mỗi giải). Ủy ban giải thưởng cũng có nhiều lần đề nghị với giáo sư thêm giải 2, 3, giải khuyến khích và chia tiền thưởng của một giải này làm 2, 3 giải, nhưng giáo sư đều không đồng ý vì cho rằng 1 giải với giá trị giải thưởng cao để động viên người nghiên cứu tìm hiểu và phát hiện ra vấn đề mới. Trước ngày GS Trần Văn Giàu qua đời khoảng một năm, Ủy ban giải thưởng đã gợi ý các đề tài dưới đây:

1. Về lịch sử vùng đất, con người thì Nam Bộ rất phong phú. Chỉ riêng quá trình hình thành vùng đất Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ... đã có nhiều điểm cần nghiên cứu. Lịch sử hình thành thôn xóm Nam Bộ, lịch sử đấu tranh với thiên nhiên trong khai hoang lập đất, đấu tranh để bảo vệ vùng đất trong mối quan hệ giữa các nước láng giềng, trong nội bộ miền đất mới này... cũng đặt ra nhiều vấn đề cần đi sâu, giải thích cặn kẽ để hiểu đúng. Về các nhân vật lịch sử gắn với vùng đất B2 cũ rất nhiều và mỗi nhân vật đều có những nét riêng rất tiêu biểu.

2. Về lịch sử tư tưởng thì các lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt chỉ có riêng trong Nam như đạo Cao Đài, Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, các đạo như: đạo thờ cúng ông bà, đạo Dừa, đạo Ông Trần, lịch sử, ý nghĩa các lễ thờ cúng Ông Bổn, bà Thiên Hậu, các lễ Nghinh Ông, thờ Nam Hải Ngạc Thần cùng các tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào Chăm, gốc Khmer, gốc Hoa như đạo Bà La Môn, Ấn giáo, Phật giáo Đại thừa, Tiểu thừa... rất cần được đi sâu tìm hiểu. Về đạo đức ảnh hưởng của Lão giáo, Khổng giáo biến dạng ở Nam Bộ như thế nào? Các phong tục tập quán, các lễ hội ở B2 rất đa dạng: các Tết Nguyên tiêu, Tết Dolta, Tết Chol Xờ Nam Thmây, Tết Rơ mư wan (của dân tộc Chăm), ngày hội Diên Trì, lễ Vu lan, lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang), núi Bà Đen (Tây Ninh)... đều rất đông người đến dự, các dân tộc đều coi như ngày hội của mình... Tất cả đều cần nghiên cứu kỹ nguồn gốc truy tầm lịch sử tư tưởng, ý nghĩa tâm linh của nó.

*** Quỹ ban đầu do giáo sư đưa ra là 1.000 lượng vàng SJC vẫn còn nguyên vẹn, được bổ sung thêm 800 triệu đồng do có các năm không phát giải thưởng nên nhập vào theo quy định của điều lệ. Sổ sách và chứng từ chi xuất đều minh bạch rõ ràng. Tài chính thu chi hằng năm của quỹ này làm đúng theo luật pháp. (Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu)
Giao Hưởng (Báo Thanh Niên ngày 19.12.2010)

***

Vĩnh biệt giáo sư Trần Văn Giàu

Giáo sư, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Trần Văn Giàu, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ đã từ trần lúc 17 giờ 20 phút ngày 16.12, tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM.

Nhà cách mạng lão thành, người thầy của nhiều thế hệ người thầy, cây đại thụ của giới khoa học, sử học Việt Nam ra đi ở độ tuổi 100, để lại niềm thương tiếc trong lòng đồng chí, đồng nghiệp, học trò, độc giả và người dân cả nước.

Cùng với sự nghiệp cách mạng, giáo sư còn có một sự nghiệp đồ sộ và vẻ vang không kém trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu, đặc biệt là về sử học và triết học. Ông từng công tác, giảng dạy tại khoa Lịch sử - Đại học Tổng hợp Hà Nội từ khi thành lập trường năm 1956. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, các tác phẩm về lịch sử Việt Nam, lịch sử vùng đất Nam Bộ, Sài Gòn - TP.HCM, lịch sử tư tưởng của Việt Nam trong thế kỷ 19 và 20. Giáo sư cũng là người đã có công đào tạo nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học đầu ngành của Việt Nam.

Với những cống hiến to lớn cho cách mạng, cho đất nước, giáo sư Trần Văn Giàu đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý: Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng, Huân chương Hồ Chí Minh, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Nhà giáo Nhân dân, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996) và nhiều phần thưởng cao quý khác. Những năm cuối đời, giáo sư Trần Văn Giàu đứng ra sáng lập và tặng 1.000 lượng vàng của mình để làm quỹ ban đầu cho Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu, với từ 150 triệu đến 200 triệu đồng mỗi giải. Đến nay, sau hơn 8 năm hoạt động (kể từ tháng 7.2002), quỹ đã trao được 5 giải, lần trao gần nhất vào đúng ngày mừng thọ giáo sư 100 tuổi vào 6.9 năm nay. Theo tâm nguyện của giáo sư, giải thưởng khoa học này trao hằng năm cho hai lĩnh vực mà cả đời giáo sư nghiên cứu và giảng dạy, đó là lịch sử và lịch sử tư tưởng...

Sigmund Freud - Nghiên cứu Phân tâm học

Nguyễn Đăng Thục - Thiền học Việt Nam

16.12.10

Bốn tượng đài âm nhạc


Erich Maria Remarque

Di cảo của Bùi Giáng











Từ hôm nay, xin trở lại với tác giả yêu thích Bùi Giáng với các tác phẩm của ông. Đầu tiên là các tập di cảo. Di cảo của Bùi Giáng đã ra tập thứ 9 (trong năm 2010).

Martin Heidegger

3.12.10

Tủ sách Đường mòn lịch sử



Tủ sách này của Nxb Tri Thức cùng Viện Viễn Đông bác cổ, Hội Khoa học lịch sử VN, Viện Khoa học xã hội VN thực hiện, đã ra được hai cuốn:

1. Đường tới Bờ Rạ, Andrew Hardy, 2008, 122 trang
2. Chuyện Thăng Long - Hà Nội qua một đường phố, Đặng Phong, 192 trang

2.12.10

Đọc lại Tam Quốc Chí

Tam Quốc Chí, Phan Kế Bính dịch, Khai Trí, Sài Gòn, 1972
Ảnh trên sachxua.net của Aikidoka

Trong cuộc đời có nhiều chuyện trùng hợp lạ kỳ, nhiều cái ngẫu nhiên tương phùng bỡ ngỡ. Trong chuyện mua sách, đọc sách cũng vậy. Có những lúc thuận đường bất chợt ghé ngang tiệm sách nào đó, bỗng dưng bắt được cuốn sách mà bao năm tìm kiếm mãi không ra.

Hay cả tuần liền ngày nào cũng có mặt tại tiệm sách quen thuộc mà không có được cuốn nào giá trị, đến bữa bận chuyện không tới thì có sách về. Hoặc một cuốn sách có đến được với mình hay không chỉ trước sau vài phút. Nhiều lúc nếu chỉ cần đến sớm hơn một chút là cuốn sách quý giá đó đã thuộc về mình rồi... Sau những khi ấy thì cũng tự an ủi rằng đó là "duyên".

Mấy ngày nay giở ra đọc lại Tam Quốc Chí do Phan Kế Bính dịch. Sáng qua đã đọc được đến đoạn Khổng Minh ra Kỳ Sơn lần thứ sáu. Đọc Tam Quốc Chí không biết bao nhiêu lần rồi mà hễ cứ đọc là say mê không muốn bỏ sách xuống, nhưng chuyện công việc thì không thể chậm trễ được, thôi thì dừng lại ở đoạn này rồi đợi đọc tiếp vào ngày khác. Thế là ngày Khổng Minh tuyệt mệnh đành phải để dời lại, để mà ra soạn lại mấy cuốn sách rồi chuẩn bị đi làm.

Sắp xếp chồng sách thế nào mà cuối cùng thuận tay giở cuốn Tản Đà vận văn ra, thì lại đúng ngay vào trang có bài hát nói Nhớ ông Gia Cát sáu lần ra Kỳ Sơn. Vậy cũng là một sự trùng hợp thú vị của người đọc sách...

Nhớ ông Gia Cát sáu lần ra Kỳ Sơn

Mưỡu

Ngồi buồn nhớ chuyện ngày xưa.
Nhớ ông Gia Cát bây giờ nơi nao?
Sáu phen bắc phạt họ Tào,
Kỳ Sơn chí khí anh hào nghìn thu.

Nói

Lục xuất Kỳ Sơn Gia cát Lượng,
Tấm trung tình treo sáng cõi nhân hoàn.

Biểu xuất sư hòa lệ chứa chan,
Bao xiết nghĩ giang san cùng ấu chúa.
Thành bại, hưng vong nguyên hữu số,
Tranh hùng cát cứ khả do nhân
.
Cuộc trần ai còn có sức kinh luân.
Sao đã chịu tam phân hình đỉnh túc.
Anh hùng tự cổ nan tri túc,
Kể làm chi vinh nhục nghĩa hư vô.
Diệt Tào rồi sẽ thôn Ngô...

Tản Đà

30.11.10

Desmond Morris và "Vượn trần trụi"


Sinh năm 1928 tại Wiltshire (Anh), Desmond Morris là nhà động vật học, nhà phong tục học đồng thời là một họa sĩ theo trường phái siêu thực, một người dẫn chương trình truyền hình và tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Birmingham chuyên ngành động vật học, ông đạt được học vị tiến sĩ tại Đại học Oxford. Năm 1959, ông trở thành người phụ trách bộ phận động vật có vú tại Vườn thú London và giữ chức vụ này trong tám năm. Ông là tác giả của khoảng năm mươi bài báo khoa học và bảy cuốn sách trước khi hoàn thành cuốn Vượn trần trụi năm 1967, bán được hơn 10 triệu bản khắp thế giới và được dịch sang rất nhiều thứ tiếng. Trước đó, ông đã được công chúng biết đến từ những năm 50 của thế kỷ trước trong vai trò người dẫn dắt chương trình Zoo Time của kênh ITV và trở thành một trong số những người dẫn chương trình về lịch sử tự nhiên được biết đến nhiều nhất trên thế giới. Sau này ông thực hiện nhiều chương trình truyền hình và phim về tập tính của người và động vật.

Cách tiếp cận thân thiện, dễ hiểu khiến ông trở thành nổi tiếng với cả người lớn và trẻ em. Trong số loạt tác phẩm quen thuộc của ông có Theo dõi người, Theo dõi cơ thể, Theo dõi động vậtTheo dõi trẻ con… Ngoài ra, Desmond Morris còn là một họa sĩ tài ba với các tác phẩm Sinh học của nghệ thuật, Nghệ thuật Síp cổ đạiNgười theo chủ nghĩa siêu thực bí mật và nhiều triển lãm cá nhân được tổ chức ở nhiều thành phố lớn của nước Anh và nước ngoài.

Desmond dành nhiều thời gian du lịch vòng quanh thế giới để nghiên cứu, tìm hiểu về sách và các chương trình truyền hình. Hiện “gia tài” của Desmond Morris bao gồm 70 đầu sách được xuất bản, trong đó đa phần là sách nghiên cứu; hàng trăm bài báo đăng tải liên tục từ năm 1962 cho đến nay, hàng chục kịch bản chương trình truyền hình cho các kênh nổi tiếng như BBC, Granada TV, CBS Network và các giải thưởng truyền hình lớn vào các năm 1990 và 1995.

---

Vượn trần trụi là tên chung bộ ba tác phẩm của Desmond Morris với mục đích rõ ràng: nghiên cứu dưới góc độ động vật học về con vật người.

Con người với tư cách là loài thống lĩnh Trái đất từ xưa đã có xu hướng thần thánh hóa nguồn gốc bản thân. Ngay cả khi đã chấp nhận loài người do loài vượn tiến hóa mà thành thì việc nhìn thẳng và phân tích mổ xẻ vấn đề này một cách “trần trụi” vẫn không dễ chấp nhận. Vào thời điểm ra đời năm 1967, cuốn sách đã tạo nên một cú sốc lớn nhưng từ đó đến nay đã có hơn 10 triệu bản Vượn trần trụi được bán trên toàn thế giới. Quãng thời gian hơn 40 năm có thể khiến chúng ta bớt rụt rè hơn khi đề cập đến bản tính sinh vật của mình, nhưng không có nghĩa là bản tính đó đã thay đổi chút nào.

Vượn trần trụi là một bảng tổng kết khái quát, nhưng cũng chi tiết đến tận cùng, khi so sánh song song con vượn và con người. Thực tế, vượn trần trụi vẫn là loài vượn, đã sống và phát triển trên Trái đất cùng với các sinh vật khác, dù đã trở nên thông minh hơn cả và xây dựng được lớp vỏ bọc tinh vi hơn cả, nó vẫn được thúc đẩy bởi các tham vọng và nỗi sợ hãi từ cổ xưa. Những điểm mà chúng ta tự hào như làn da, khuôn mặt, tiếng nói hay dáng người đều xuất hiện vì sự sinh tồn. Sự biến mất của bộ lông cũng liên quan mật thiết đến sinh tồn: vệ sinh, sưởi ấm, kích thích tình dục… Thậm chí con người đã bỏ đi những ưu điểm của loài vượn để tiến hóa nhanh hơn. Sự trả giá cũng là phần thưởng, và khó khăn sẽ dẫn tới những tiến bộ vượt bậc.

Không hề bị sao lãng bởi sự lãng mạn hóa khi nhìn nhận về con vượn trần trụi, Desmond Morris chỉ ra rằng các hành vi kết đôi, giao phối, nuôi nấng con cái, khám phá, tranh đấu… về cơ bản không khác về mục đích và cách tiến hành so với loài vượn thông thường. Ngay cả tiếng khóc, tiếng cười, những âm thanh, tín hiệu cơ bản nhất, chuyển động cơ bản nhất cũng như những mục tiêu lớn nhất của đời sống đều không thay đổi quá nhiều qua suốt hàng triệu năm. Các dạng thức văn minh đều bắt đầu từ những xung động nguyên thủy: tinh tinh xoa dịu tình hình bằng cách chìa tay về phía đối phương, còn con người đã phát triển hành động này thành cái bắt tay thân thiện; các phường hội, nghiệp đoàn, câu lạc bộ thể thao, hội kín, các băng nhóm thiếu niên… đều xuất phát từ nhu cầu của đàn ông cần tụ tập thành nhóm để đi săn khi vượn chuyển dần thành động vật ăn thịt…

Việc so sánh song song con người và con vượn làm nổi bật những nét thú vị và bất ngờ. Chúng ta thường tò mò trước những thứ bất thường, nhưng điều bình thường nhất là cơ thể là thói quen sinh hoạt của chính chúng ta lại tạo ra sự ngạc nhiên to lớn, nếu nhìn nhận một cách thấu đáo. Tập tính xã hội và văn hóa phức tạp có thể che đậy trên bề mặt chứ không che đậy được bản chất. Vô số biểu tượng, thói quen trong đời sống của con người chỉ có thể hiểu được nếu truy nguyên về nguồn gốc động vật. Những cử chỉ như gõ ngón tay, gãi đầu, đỏ mặt khi tức giận… cứ tự động xuất hiện khi ta không để ý, cho thấy sự gần gũi với các loài linh trưởng. Trong những hoàn cảnh căng thẳng hay nguy hiểm, để bảo vệ, khám phá hoặc tranh đoạt, chúng ta không khác gì những con tinh tinh đang giận dữ. Khi một bà vợ đập tan cái bình thì tất nhiên cái bình tượng trưng cho cái đầu chồng bà ta bị vỡ thành từng mảnh nhỏ, vì tinh tinh và gôrila cũng thường xuyên nhổ bật, đập và ném lung tung các cành cây, để tạo ấn tượng thị giác khi chuyển hướng các hành động gây hấn, và “các trí thức điềm đạm nhất cũng thường xuyên trở nên hung hăng hơn hẳn khi thảo luận về nhu cầu cấp thiết phải ngăn chặn sự hung hãn”.

Mặc dù là nghiên cứu khoa học, nhưng Vượn trần trụi không hề khô khan, nặng nề, khó hiểu. Thông qua một loạt các ví dụ hài hước và xác đáng, Desmond Morris tạo nên một cuốn sách dành cho mọi tầng lớp và lứa tuổi. Những sự thật hiển nhiên và lối tiếp cận bình đẳng giữa con vượn và con người cho thấy không có gì cao quý vượt bậc trong những thành tựu mà con người tự hào: lập gia đình, đấu tranh để vươn lên, làm nghệ thuật, sáng tạo khoa học… Tất cả chỉ là để thỏa mãn các xung động nguyên thủy của loài vượn. Tuy nhiên, cũng không có gì giống với sự hạ thấp trong cách tiếp cận đó. Con người cần hiểu rõ bản thân mình, như một loài vượn trần trụi dũng cảm, không có yếu tố thần thánh và không có mục đích siêu nhiên, rời bỏ những khu rừng địa đàng của loài vượn để lựa chọn chinh phục mặt đất, xây dựng nên những gì chúng ta đang có ngày nay.

“Và thế là vượn trần trụi vươn mình đứng dậy, một loài Vượn trần trụi đứng thẳng, đi săn, mang vũ khí, chiếm giữ lãnh thổ, kéo dài tình trạng thơ ấu, có trí óc, một linh trưởng theo nguồn gốc tổ tông và một động vật ăn thịt theo sự tự chọn, đã sẵn sàng chinh phục thế giới” - đó đơn giản là lời đánh giá trân trọng dành cho loài người, với tư cách là những đứa con của Trái đất.

Theo Thông cáo báo chí của Nhã Nam

100 năm ngày mất của Lev Tolstoi (3)

28.11.10

Quan hệ Việt - Trung trong Minh thực lục và Thanh thực lục


Hai bộ sử biên niên lớn nhất trong các loại sử thư Trung Hoa lần đầu được dịch, chú giải toàn bộ những điều mục liên quan đến lịch sử Việt Nam và cuộc chiến chống quân Thanh. Nguồn sử liệu này dẫu phong phú song cần được tiếp cận cẩn trọng vì có không ít chỗ sai lạc.

Minh Thực Lục: quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV-XVII

Tham khảo tư liệu từ Minh thực lục vào việc biên soạn hoặc nghiên cứu sử Việt Nam sớm nhất là vào khoảng năm 1950, qua công trình An Nam sử nghiên cứu của học giả Nhật Bản Yamamoto Tatsuro với hình thức sao y nguyên bản. Đến những năm 1955-1956, học giả Đào Duy Anh bắt đầu tham khảo An Nam sử nghiên cứu I để bổ sung cho quyển Lịch sử Việt Nam (1955), tư liệu Minh thực lục đã giúp tác giả bổ sung nhiều sự kiện, tình tiết và số liệu quan trọng thời thuộc Minh và kháng chiến chống quân Minh.

Trước đây trong một số chuyên đề về lịch sử cuộc kháng chiến của nghĩa quân Lam Sơn, một số ít tư liệu Minh thực lục đã được khai thác, những dữ liệu về quân số, nhân vật tham chiến, tình tiết về nội tình quân Minh đã làm sinh động hơn việc phục dựng các chiến trường cách nay gần 600 năm. Tuy nhiên khi tham khảo trực tiếp tất cả văn bản liên quan cuộc chiến chống quân Minh, nhiều chi tiết khá đắt giá khác hẳn đã được khai thác.

Thí dụ trong văn bản ngày 26-12 năm Tuyên Đức thứ nhất [23-1-1427], một sắc lệnh của hoàng đế Tuyên Đức điều động quân lực cả hai kinh Nam, Bắc, các đô ty của 13 hành tỉnh toàn quốc, cả Trung đô Lưu thủ ty [Lâm Hào, An Huy] vốn là đội quân bảo vệ lăng... cả thảy gom được 7 vạn giao cho Liễu Thăng và Mộc Thạnh. Số phận của đạo quân này chúng ta đều đã biết, nhưng đằng sau thông tin của văn bản ấy và một vài văn bản liên quan đã bộc lộ sự mòn mỏi sức dân, sự kiệt quệ kinh tế và cũng là niềm hi vọng cuối cùng của Minh triều nhằm duy trì sự đô hộ An Nam.

Bắt đầu từ học giả Đào Duy Anh khoảng năm 1956 đến năm 2007 trong Lịch sử Việt Nam III, lượng tư liệu có quan hệ đến sử Việt trong Minh thực lục ước chừng chỉ mới sử dụng gần phân nửa. Bởi đây là những văn bản được dịch thẳng từ sử liệu đời Minh nên độc giả cần lưu ý nội dung mà nó mang tải là nhãn quan của sử gia đời Minh nhìn vào sự kiện, nhìn vào một thuộc quốc lân cận, những ngôn từ khiếm nhã được sử dụng không chỉ riêng khi viết về An Nam, mà đối với Miến Điện, Nhật Bản, Thái Lan, Chiêm Thành... cũng đều chung một cách thức giọng điệu ấy.

Đối chiếu Minh thực lục: quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV-XVII với Đại Việt sử ký toàn thư ta thấy có nhiều nội dung sự kiện cùng được hai sách ghi chép, tuy nhiên các tình tiết có nhiều dị biệt, có rất nhiều sự kiện Minh thực lục chép rộng hơn Toàn thư và đây là điểm có thể lợi dụng để bổ sung cho thông sử.

Chẳng hạn về giai đoạn nhà Hồ, những văn bản liên quan sắc tộc Thái ở vùng tây bắc Đại Việt nơi giáp giới đất Miến Điện, Lão Qua, nhân vật thời hậu Trần, các thủ lĩnh địa phương khởi nghĩa trước Lê Lợi và nhiều nhân vật, sự kiện không thấy chép trong Toàn thư mặt khác cũng giúp độc giả chuyên sâu có cái nhìn từ nhiều phía đối với sự kiện.

Thanh thực lục: Quan hệ Thanh - Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX”

Đối với việc nghiên cứu chuyên sâu về đề tài chiến tranh Thanh - Tây Sơn trong thời Càn Long, hoặc sự bang giao giữa Thanh và Nguyễn Tây Sơn - Nguyễn Gia Long trong thời Gia Khánh thì sưu tập này cung cấp nhiều sử liệu quan trọng. Độc giả cũng có thể bắt gặp một chân dung Càn Long được biểu hiện qua những lời sắc, dụ và phê duyệt, những tình tiết được ghi chép tỉ mẩn về sự chỉ đạo từ xa của vị hoàng đế này đến mặt trận đôi khi lẫn lộn giữa vai trò một hoàng đế với một tướng lĩnh...

Thanh thực lục là nguồn sử liệu phong phú và gần như liên tục trong quan hệ bang giao Đại Thanh - Đại Nam, đặc biệt là đối với Cao Tông thực lục, các chi tiết về những sự kiện quan hệ trong [trước và sau] cuộc chiến 1789 tuy phong phú nhưng những điều sai lạc cũng chiếm phần đáng kể. Những nghiên cứu về văn bản của các học giả Nhật Bản cho thấy Thanh thực lục có nhiều bộ được sửa đổi nhiều lần, vài nơi còn biểu lộ sự mâu thuẫn.

Thực lục triều Càn Long cũng không ngoài các vấn đề đã nêu, lịch sử về cuộc xâm lược của nhà Thanh và thắng lợi của vua Quang Trung qua Cao Tông thực lục sẽ có thêm nhiều tư liệu cụ thể, nhiều chi tiết phía sau chiến trường. Tuy nhiên người đọc sử và nhà làm sử hẳn sẽ tiếp nhận chúng một cách chọn lọc để có thể đưa ra những phân tích, nhận định khách quan.

Hai tập sử liệu này được ghi chép bởi các sử quan dưới chế độ quân chủ Trung Hoa, có những lúc nhằm vào những triều vua được thời đắc chí bậc nhất trong lịch sử cai trị, như Chu Nguyên Chương nhà Minh và Hoằng Lịch (Càn Long) nhà Thanh, vai trò của thiên tử và vị thế của vương triều được khuếch đại quá mức cũng là điều bình thường. Nhu cầu sử liệu trong nghiên cứu thường không giới hạn, hai công trình này dừng ở mục tiêu sưu tập có hệ thống các sự kiện trong một giai đoạn lịch sử.

Việc chọn lựa, phân tích để sử dụng chúng vào các vấn đề có lợi cho lịch sử nước nhà, cho mục tiêu phát triển học thuật thuộc về công việc sắp tới của số đông các nhà nghiên cứu và quý độc giả quan tâm.

---

Minh thực lục được giới sử học Trung Quốc hiện đại định tính là “biên niên thể sử liệu trường biên” (sử biên niên liên tục của triều đại), tập hợp sử liệu từ một nguồn, được biên soạn trong suốt 13 triều vua nhà Minh, từ Thái Tổ đến Hy Tông, tổng cộng 3.053 quyển.

Thanh thực lục (còn có tên Đại Thanh lịch triều thực lục) chép việc 11 đời vua từ Thái Tổ nhà Thanh Nỗ Nhĩ Cáp Xích [niên hiệu Thiên Mệnh] đến vua Đức Tông Tải Điềm [niên hiệu Quang Tự], riêng triều Thái Tổ có thêm Mãn Châu thực lục, phụ thêm Tuyên thống chính kỷ, tổng cộng có 13 bộ, 4.433 quyển.

Minh thực lục: quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV-XVII (3 tập) là bản dịch tập hợp hầu hết các sử liệu Minh thực lục liên quan trực tiếp và gián tiếp đến lịch sử Việt Nam.

Thanh thực lục: quan hệ Thanh - Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX (1 tập) là bản dịch từ một sưu tập sử liệu được trích lục từ một nguồn Thanh thực lục, gồm hầu hết những ghi chép liên quan lịch sử quan hệ Trung Hoa - Việt Nam trong khoảng 15 năm (1788-1803). Cả bốn cuốn đều do Hồ Bạch Thảo, một nhà nghiên cứu gốc Việt dịch và chú giải, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân hiệu đính.
Phạm Hoàng Quân
(Theo Tuổi trẻ chủ nhật)

25.11.10

100 năm ngày mất của Lev Tolstoi


Đúng 100 năm trước, cây đại thụ của nền văn học Nga Lev Tolstoi (9.9.1828 - 20.11.1910) đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà ga Astapovo giữa mùa đông băng giá ở tuổi 82, trong hành trình tìm kiếm cuối cùng của cuộc đời.

100 năm đã qua, cái bóng vĩ đại của ông vẫn bao trùm trên văn đàn thế giới, đi vào lòng bao thế hệ người đọc với các tác phẩm lừng danh như Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina, Phục sinh...

Để kỷ niệm ngày mất của ông, tôi xin gom góp mấy cuốn sách về ông, mấy tác phẩm của ông đã được dịch sang tiếng Việt đưa lên đây để ai quan tâm có dịp chiêm ngưỡng...

24.11.10

Tan nát tủ sách cụ Vương


Vậy là tủ sách quý báu của cụ Vương Hồng Sển đã "tan đàn xẻ nghé". Công lao sưu tầm, tích cóp suốt cả cuộc đời đam mê của cụ với những bản sách quý giá ngày nay phải được xếp vào loại "cực hiếm", đã bị người thân cụ bán "xô" làm tản mát khắp mọi nơi.

Nghe nói cuối đời, cụ cống hiến hết những bộ sưu tập tâm huyết một đời của mình như các món đồ cổ, sách vở và cả ngôi nhà của cụ cho Nhà nước để bảo tồn, phát huy các giá trị của nó, thế mà giờ đây, những món đồ quý báu trên đã bị đổ tháo đến thế nào.

Mấy tháng nay, chữ ký của cụ Vương Hồng Sển đã trở nên "mất giá". Ngày trước tay chơi sách nào có được chữ ký của cụ thì hí hửng gìn giữ cẩn thận lắm, rồi thì nếu có bán cũng hét giá trên trời dưới đất. Còn giờ đây, sách có chữ kỹ và cả dấu mộc hình thoi của cụ đã đầy rẫy ra đấy.

Đ. - người tự nhận là Sài Thành hậu học - tay chơi "trúng đậm" tủ sách của cụ Vương đã có được dịp may hiếm có gom hàng loạt sách quý báu từ bộ sưu tập của ông già Sóc Trăng. Nào là Gia Định báo, sách Nguyễn Văn Vĩnh, Trương Vĩnh Ký... không biết cơ man nào mà kể. Tay V.H.T, một người sưu tầm sách quý nổi danh Sài Gòn, trong một lần gặp gỡ có nói, chắc cụ Vương linh thiêng chọn lựa Đ. để trao lại một phần số sách của mình, do trước đó, Đ. tỏ ra rất tâm đắt với những tác phẩm của cụ...

Nhưng có dù thế nào thì việc tủ sách cụ Vương bị phân tán cũng là một sự đau lòng!

11.11.10

Sắp có sách mới của Trần Đức Thảo

Sắp xuất bản cuốn: Danh mục di sản của Giáo sư Triết học Trần Đức Thảo

Nhưng chưa biết khi nào!

Chỉ biết là cuốn này do TS triết học Cù Huy Chử, em nhà thơ Huy Cận, chú của luật sư Cù Huy Hà Vũ đang bị bắt..., thực hiện. Ông Cù Huy Chử là người đang giữ hầu như trọn vẹn, và có hệ thống về các tác phẩm của triết gia Trần Đức Thảo...

5.11.10

Nghệ thuật Huế (L’art à Húe) - quyển sách cổ tuyệt đẹp gần trăm năm trước


bài trên blog của bác saigon61


Có dăm câu chuyện chung quanh cuốn Nghệ thuật Huế (L’art à Húe) nổi tiếng này dù không phải ai trong giới chơi sách cũng biết. Được xuất bản chính thức 2 lần năm 1919 và 1930 (Tân bản - Nouvelle Edition), quyển sách Nghệ thuật Huế là một trong những đặc san chuyên khảo nằm trong bộ Tập san Đô thành Hiếu cổ (BULLETIN DES AMIS DU VIEUX HUẾ) (*).

Quyển sách này đến nay vẫn được giới chơi sách săn lùng cùng với quyển Musée Khai Dinh (Bảo tàng Khải Định) là một sách chuyên khảo khác cùng nơi xuất bản.

Trong quyển Thú chơi sách, Vương Hồng Sển kể lại một câu chuyện mà ông cảm thấy đau lòng. Ông có đủ các quyển Đặc san của bộ báo là hai quyển nói trên cùng quyển Khảo về nha phiến (L’ Opium). Do rất thích chúng nên ông đóng bìa đỏ có mạ vàng cẩn thận. Đến năm loạn lạc 1945, khi ông chạy vào làng Hòa Tú ở Sóc Trăng, lính Tây bắn phá khiến cả nhà lại chạy vào rừng. Đến khi quay trở về, tủ sách của ông bị lục phá tơi bời, sách bị nông dân xé lấy giấy để hút thuốc. Ông khổ tâm nhất là thấy mấy thanh niên tá điền mang theo túi da còn rành rành tựa ba cuốn sách mà ông cưng nhất nói trên.

Dù sao, khác với bộ Kỹ thuật của người Annam xưa của Henri Oger in trên giấy dó vô cùng hiếm hoi vừa được in lại, bộ Nghệ thuật Huế không đến nỗi hiếm. Nó có mặt trong một số tủ sách nổi tiếng ở Huế, Sài Gòn v.v…

Quyển xuất bản đầu tiên năm 1919 khó tìm trong nước nhưng vẫn có thể tìm ở các nhà buôn sách hiếm nổi tiếng trên thế giới, nhất là ở Pháp. Quyển Tân bản xuất bản năm 1930 trên Internet ghi giá hơn 1000 USD. Có một bản in thứ ba, trên một diễn đàn bán sách xưa trong nước có người rao bán chỉ vài trăm nghìn đồng. Bản này là sách copy. So với bản 1930, nó giống một tám một mười, in đẹp, hình ảnh rõ ràng. Thông tin từ giới chơi sách cho biết bản này do ông L.T.T, chủ một nhà sách nổi tiếng thập niên 60 thế kỷ trước, thực hiện tại Việt Nam cách nay chỉ dăm năm. Anh bạn tôi mua qua Internet một quyển giống y chang từ Bỉ (Hiệu sách Librairie Yves Deprins) với giá hơn trăm USD một chút. Quyển này ắt xuất phát từ Việt Nam.

Đọc bản dịch sang tiếng Việt của quyển Nghệ thuật Huế ( Nhà xuất bản Thuận Hóa), chúng ta bắt gặp bài thơ của V. Muraire khá cảm xúc, có những câu:

Giữa các màu xanh cổ, cẩn xà cừ ngà voi
Một ông quan thất vận đọc lại pho sách cũ
Ông ngâm nga thời qua, thời oanh liệt ngày trước…

Bài thơ mở đầu thật cuốn hút, báo trước nội dung hấp dẫn của quyển sách. Quả thật, nó có nhiều bài viết hay về nghệ thuật Huế và tranh vẽ khiến người xem mê mẩn. Hầu hết bài viết đều của Linh mục Léopold Cadière và có duy nhất một bài do một người Pháp khác tên là Edmond Gras viết. Bản 1930 có 222 phụ bản (có một số là hình màu) rất đẹp, rất có ích cho ai nghiên cứu hay muốn tìm hiểu về mỹ thuật Huế trong kiến trúc và mỹ thuật đầu thế kỷ 20, và 167 trang viết (Bản 1919 chỉ có 157 trang viết).

Đầu trang sách là lời đề tặng cựu Toàn Quyền Đông Dương lúc đó đang là Bộ Trưởng Bộ Thuộc Địa là Albert Sarraut, Vua Khải Định và cho M.J.E. Charles, cựu Công Sứ ở Trung Kỳ. Về nội dung, mở đầu là bài Mỹ thuật ở Huế nêu cái nhìn tổng quan của L.M Cadìere. Sau đó là bài về Thành phố, nhà cửa, bàn ghế, hàng thêu… của E. Gras.

Sau bài đó là các bài của ông Cadìere bao gồm: Các mô típ trang trí có tích hình học, Mẫu chữ Hán, Tĩnh vật, Hoa và lá, cành và quả, Động vật, Điêu khắc và Phong cảnh. Các hình được vẽ tỉ mỉ, màu sắc từng bức tranh màu quá đẹp được thể hiện dù từ hơn chín mươi năm qua vẫn đủ hấp dẫn người xem, tạo được ấn tượng mạnh mẽ về sự tinh tế của nghệ thuật chạm khắc, hội họa thời nhà Nguyễn qua bàn tay nghệ nhân xứ Huế và cả nước tập trung về kinh đô đầu thế kỷ 20.

Hình ảnh kèm theo bài chụp từ ấn bản L’Art à Húe in năm 1930. So với bản copy được làm sau này, giấy của bản gốc dày hơn, cứng cáp hơn và đương nhiên in ấn hình ảnh sắc sảo hơn. Sách được đóng bìa cứng, gáy đóng bằng da trừu mịn màng theo kiểu xưa. Phía trong bìa sau còn dán tờ hóa đơn màu hồng của Nhà Morin Frères d’ Annam rất nổi tiếng (kinh doanh chính là khách sạn ở Huế và Đà Nẵng đầu thế kỷ 20). Hóa đơn ghi rõ bán tại Huế 20 tháng 1 năm 1942 theo chi phiếu số 153 của người mua với giá 5,5 đồng bạc Đông Dương. Bên cạnh hóa đơn có dán nhãn tên nhà đóng sách Nguyen - Van - Chau, ở số 159 phố Douaumont Saigon (nay là đường Cô Giang, quận I) cùng một địa chỉ khác ở Pnom Pênh.

Quyển sách được xuất bản ở Huế, trôi dạt sang Pháp và cuối cùng đã trở về chính quán của mình, sau nửa thế kỷ tha hương có lẽ.

Đăng trên tạp chí Nội Thất (bút danh Đăng Thuyên)

(*) Tập san Đô thành Hiếu cổ do một số quan cai trị người Pháp, các giáo sĩ và các giáo sư, cả Pháp lẫn Việt viết . Chủ đề các bài trong Tập xoay quanh Cố đô Huế xưa và về Triều đình nhà Nguyễn và bộ tập san này cũng nổi tiếng trên thế giới. Tập san ra được đúng 31 năm, từ 1914 tới 1944 và trở thành tài liệu nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới. Nhà xuất bản Thuận Hóa những năm gần đây đã dịch sang tiếng Việt một số tập.

>> L'art à Hué

26.10.10

Sách của Trần Đức Thảo

Triết gia lữ hàng Trần Đức Thảo, Nhiều tác giả, Nxb ĐH QG HN, 2006

Sự hình thành con người, Trần Đức Thảo, Nxb ĐH QG HN, 2004 (bản bìa mềm)


Sự hình thành con người, Trần Đức Thảo, Nxb ĐH QG HN, 2004 (bìa cứng)
Hiện tượng học và Chủ nghĩa Duy vật biện chứng, Trần Đức Thảo, Nxb ĐH QG HN, 2004 (bìa mềm)


Hiện tượng học và Chủ nghĩa Duy vật biện chứng, Trần Đức Thảo, Nxb ĐH QG HN, 2004 (bìa cứng)

Vấn đề con người và Chủ nghĩa "lý luận không có con người", Trần Đức Thảo, Nxb TP.HCM, 2001 - bản in lại theo bản in lần đầu (cũng ghi là in lần thứ hai)

Vấn đề con người và Chủ nghĩa "lý luận không có con người", Trần Đức Thảo, Nxb TP.HCM, 1989 - bản in lần thứ hai có viết thêm


Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức, Trần Đức Thảo, Nxb Khoa học xã hội, 2003


Tìm cội nguồn ngôn ngữ và ý thức, Trần Đức Thảo, Nxb VH-TT, 1996
Triết lý đã đi đến đâu, Trần Đức Thảo, Ban đại diện SVPK Văn học và KHVN ấn hành tại Sài Gòn, 1971


Triết lý đã đi đến đâu?, Trần Đức Thảo, Nxb Minh Tân, Paris, 1950


Triết lý đã đi đến đâu? của Trần Đức Thảo, Nxb Minh Tân in tại Paris năm 1950, sau mấy năm tìm kiếm cuối cùng cũng có. Anh bạn chơi sách nổi danh Sài Gòn H.M sở hữu nó phải mất một ngày bóp trán mới quyết định chuyển nó đi, anh ta có nói là loại này không thuộc gu nhưng mà chắc cũng đắn đo nhiều. Tập sách mỏng chỉ hơn 60 trang mà để có nó cũng mất biết bao công sức. Trước đây, cũng dùng bao cách gạ gẫm nhằm đổi, mua được cuốn này của một tay chơi sách ở Bình Thạnh mà cũng chẳng được. Tay chơi sách triết "hoành tráng" có biệt danh "thiền sư" này cuối cùng cũng chỉ chuyển nhượng cuốn in lại tại Sài Gòn. Chính vì vậy, khi có được cuốn này thì mới thấy là niềm vui mừng lớn biết bao. Chẳng là cuốn này nếu về giá trị vật chất thì cũng không cao quá như giá mình mua, nhưng về sở thích cá nhân thì để có nó thì thật là bây giờ khó kiếm, không biết lùng ra ở đâu.