Hai bộ sử biên niên lớn nhất trong các loại sử thư Trung Hoa lần đầu được dịch, chú giải toàn bộ những điều mục liên quan đến lịch sử Việt Nam và cuộc chiến chống quân Thanh. Nguồn sử liệu này dẫu phong phú song cần được tiếp cận cẩn trọng vì có không ít chỗ sai lạc.
Minh Thực Lục: quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV-XVII
Tham khảo tư liệu từ Minh thực lục vào việc biên soạn hoặc nghiên cứu sử Việt Nam sớm nhất là vào khoảng năm 1950, qua công trình An Nam sử nghiên cứu của học giả Nhật Bản Yamamoto Tatsuro với hình thức sao y nguyên bản. Đến những năm 1955-1956, học giả Đào Duy Anh bắt đầu tham khảo An Nam sử nghiên cứu I để bổ sung cho quyển Lịch sử Việt Nam (1955), tư liệu Minh thực lục đã giúp tác giả bổ sung nhiều sự kiện, tình tiết và số liệu quan trọng thời thuộc Minh và kháng chiến chống quân Minh.
Trước đây trong một số chuyên đề về lịch sử cuộc kháng chiến của nghĩa quân Lam Sơn, một số ít tư liệu Minh thực lục đã được khai thác, những dữ liệu về quân số, nhân vật tham chiến, tình tiết về nội tình quân Minh đã làm sinh động hơn việc phục dựng các chiến trường cách nay gần 600 năm. Tuy nhiên khi tham khảo trực tiếp tất cả văn bản liên quan cuộc chiến chống quân Minh, nhiều chi tiết khá đắt giá khác hẳn đã được khai thác.
Thí dụ trong văn bản ngày 26-12 năm Tuyên Đức thứ nhất [23-1-1427], một sắc lệnh của hoàng đế Tuyên Đức điều động quân lực cả hai kinh Nam, Bắc, các đô ty của 13 hành tỉnh toàn quốc, cả Trung đô Lưu thủ ty [Lâm Hào, An Huy] vốn là đội quân bảo vệ lăng... cả thảy gom được 7 vạn giao cho Liễu Thăng và Mộc Thạnh. Số phận của đạo quân này chúng ta đều đã biết, nhưng đằng sau thông tin của văn bản ấy và một vài văn bản liên quan đã bộc lộ sự mòn mỏi sức dân, sự kiệt quệ kinh tế và cũng là niềm hi vọng cuối cùng của Minh triều nhằm duy trì sự đô hộ An Nam.
Bắt đầu từ học giả Đào Duy Anh khoảng năm 1956 đến năm 2007 trong Lịch sử Việt Nam III, lượng tư liệu có quan hệ đến sử Việt trong Minh thực lục ước chừng chỉ mới sử dụng gần phân nửa. Bởi đây là những văn bản được dịch thẳng từ sử liệu đời Minh nên độc giả cần lưu ý nội dung mà nó mang tải là nhãn quan của sử gia đời Minh nhìn vào sự kiện, nhìn vào một thuộc quốc lân cận, những ngôn từ khiếm nhã được sử dụng không chỉ riêng khi viết về An Nam, mà đối với Miến Điện, Nhật Bản, Thái Lan, Chiêm Thành... cũng đều chung một cách thức giọng điệu ấy.
Đối chiếu Minh thực lục: quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV-XVII với Đại Việt sử ký toàn thư ta thấy có nhiều nội dung sự kiện cùng được hai sách ghi chép, tuy nhiên các tình tiết có nhiều dị biệt, có rất nhiều sự kiện Minh thực lục chép rộng hơn Toàn thư và đây là điểm có thể lợi dụng để bổ sung cho thông sử.
Chẳng hạn về giai đoạn nhà Hồ, những văn bản liên quan sắc tộc Thái ở vùng tây bắc Đại Việt nơi giáp giới đất Miến Điện, Lão Qua, nhân vật thời hậu Trần, các thủ lĩnh địa phương khởi nghĩa trước Lê Lợi và nhiều nhân vật, sự kiện không thấy chép trong Toàn thư mặt khác cũng giúp độc giả chuyên sâu có cái nhìn từ nhiều phía đối với sự kiện.
Thanh thực lục: Quan hệ Thanh - Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX”
Đối với việc nghiên cứu chuyên sâu về đề tài chiến tranh Thanh - Tây Sơn trong thời Càn Long, hoặc sự bang giao giữa Thanh và Nguyễn Tây Sơn - Nguyễn Gia Long trong thời Gia Khánh thì sưu tập này cung cấp nhiều sử liệu quan trọng. Độc giả cũng có thể bắt gặp một chân dung Càn Long được biểu hiện qua những lời sắc, dụ và phê duyệt, những tình tiết được ghi chép tỉ mẩn về sự chỉ đạo từ xa của vị hoàng đế này đến mặt trận đôi khi lẫn lộn giữa vai trò một hoàng đế với một tướng lĩnh...
Thanh thực lục là nguồn sử liệu phong phú và gần như liên tục trong quan hệ bang giao Đại Thanh - Đại Nam, đặc biệt là đối với Cao Tông thực lục, các chi tiết về những sự kiện quan hệ trong [trước và sau] cuộc chiến 1789 tuy phong phú nhưng những điều sai lạc cũng chiếm phần đáng kể. Những nghiên cứu về văn bản của các học giả Nhật Bản cho thấy Thanh thực lục có nhiều bộ được sửa đổi nhiều lần, vài nơi còn biểu lộ sự mâu thuẫn.
Thực lục triều Càn Long cũng không ngoài các vấn đề đã nêu, lịch sử về cuộc xâm lược của nhà Thanh và thắng lợi của vua Quang Trung qua Cao Tông thực lục sẽ có thêm nhiều tư liệu cụ thể, nhiều chi tiết phía sau chiến trường. Tuy nhiên người đọc sử và nhà làm sử hẳn sẽ tiếp nhận chúng một cách chọn lọc để có thể đưa ra những phân tích, nhận định khách quan.
Hai tập sử liệu này được ghi chép bởi các sử quan dưới chế độ quân chủ Trung Hoa, có những lúc nhằm vào những triều vua được thời đắc chí bậc nhất trong lịch sử cai trị, như Chu Nguyên Chương nhà Minh và Hoằng Lịch (Càn Long) nhà Thanh, vai trò của thiên tử và vị thế của vương triều được khuếch đại quá mức cũng là điều bình thường. Nhu cầu sử liệu trong nghiên cứu thường không giới hạn, hai công trình này dừng ở mục tiêu sưu tập có hệ thống các sự kiện trong một giai đoạn lịch sử.
Việc chọn lựa, phân tích để sử dụng chúng vào các vấn đề có lợi cho lịch sử nước nhà, cho mục tiêu phát triển học thuật thuộc về công việc sắp tới của số đông các nhà nghiên cứu và quý độc giả quan tâm.
---
Minh thực lục được giới sử học Trung Quốc hiện đại định tính là “biên niên thể sử liệu trường biên” (sử biên niên liên tục của triều đại), tập hợp sử liệu từ một nguồn, được biên soạn trong suốt 13 triều vua nhà Minh, từ Thái Tổ đến Hy Tông, tổng cộng 3.053 quyển.
Thanh thực lục (còn có tên Đại Thanh lịch triều thực lục) chép việc 11 đời vua từ Thái Tổ nhà Thanh Nỗ Nhĩ Cáp Xích [niên hiệu Thiên Mệnh] đến vua Đức Tông Tải Điềm [niên hiệu Quang Tự], riêng triều Thái Tổ có thêm Mãn Châu thực lục, phụ thêm Tuyên thống chính kỷ, tổng cộng có 13 bộ, 4.433 quyển.
Minh thực lục: quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV-XVII (3 tập) là bản dịch tập hợp hầu hết các sử liệu Minh thực lục liên quan trực tiếp và gián tiếp đến lịch sử Việt Nam.
Thanh thực lục: quan hệ Thanh - Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX (1 tập) là bản dịch từ một sưu tập sử liệu được trích lục từ một nguồn Thanh thực lục, gồm hầu hết những ghi chép liên quan lịch sử quan hệ Trung Hoa - Việt Nam trong khoảng 15 năm (1788-1803). Cả bốn cuốn đều do Hồ Bạch Thảo, một nhà nghiên cứu gốc Việt dịch và chú giải, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân hiệu đính.
Phạm Hoàng Quân
(Theo Tuổi trẻ chủ nhật)
(Theo Tuổi trẻ chủ nhật)
No comments:
Post a Comment