30.11.10

Desmond Morris và "Vượn trần trụi"


Sinh năm 1928 tại Wiltshire (Anh), Desmond Morris là nhà động vật học, nhà phong tục học đồng thời là một họa sĩ theo trường phái siêu thực, một người dẫn chương trình truyền hình và tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Birmingham chuyên ngành động vật học, ông đạt được học vị tiến sĩ tại Đại học Oxford. Năm 1959, ông trở thành người phụ trách bộ phận động vật có vú tại Vườn thú London và giữ chức vụ này trong tám năm. Ông là tác giả của khoảng năm mươi bài báo khoa học và bảy cuốn sách trước khi hoàn thành cuốn Vượn trần trụi năm 1967, bán được hơn 10 triệu bản khắp thế giới và được dịch sang rất nhiều thứ tiếng. Trước đó, ông đã được công chúng biết đến từ những năm 50 của thế kỷ trước trong vai trò người dẫn dắt chương trình Zoo Time của kênh ITV và trở thành một trong số những người dẫn chương trình về lịch sử tự nhiên được biết đến nhiều nhất trên thế giới. Sau này ông thực hiện nhiều chương trình truyền hình và phim về tập tính của người và động vật.

Cách tiếp cận thân thiện, dễ hiểu khiến ông trở thành nổi tiếng với cả người lớn và trẻ em. Trong số loạt tác phẩm quen thuộc của ông có Theo dõi người, Theo dõi cơ thể, Theo dõi động vậtTheo dõi trẻ con… Ngoài ra, Desmond Morris còn là một họa sĩ tài ba với các tác phẩm Sinh học của nghệ thuật, Nghệ thuật Síp cổ đạiNgười theo chủ nghĩa siêu thực bí mật và nhiều triển lãm cá nhân được tổ chức ở nhiều thành phố lớn của nước Anh và nước ngoài.

Desmond dành nhiều thời gian du lịch vòng quanh thế giới để nghiên cứu, tìm hiểu về sách và các chương trình truyền hình. Hiện “gia tài” của Desmond Morris bao gồm 70 đầu sách được xuất bản, trong đó đa phần là sách nghiên cứu; hàng trăm bài báo đăng tải liên tục từ năm 1962 cho đến nay, hàng chục kịch bản chương trình truyền hình cho các kênh nổi tiếng như BBC, Granada TV, CBS Network và các giải thưởng truyền hình lớn vào các năm 1990 và 1995.

---

Vượn trần trụi là tên chung bộ ba tác phẩm của Desmond Morris với mục đích rõ ràng: nghiên cứu dưới góc độ động vật học về con vật người.

Con người với tư cách là loài thống lĩnh Trái đất từ xưa đã có xu hướng thần thánh hóa nguồn gốc bản thân. Ngay cả khi đã chấp nhận loài người do loài vượn tiến hóa mà thành thì việc nhìn thẳng và phân tích mổ xẻ vấn đề này một cách “trần trụi” vẫn không dễ chấp nhận. Vào thời điểm ra đời năm 1967, cuốn sách đã tạo nên một cú sốc lớn nhưng từ đó đến nay đã có hơn 10 triệu bản Vượn trần trụi được bán trên toàn thế giới. Quãng thời gian hơn 40 năm có thể khiến chúng ta bớt rụt rè hơn khi đề cập đến bản tính sinh vật của mình, nhưng không có nghĩa là bản tính đó đã thay đổi chút nào.

Vượn trần trụi là một bảng tổng kết khái quát, nhưng cũng chi tiết đến tận cùng, khi so sánh song song con vượn và con người. Thực tế, vượn trần trụi vẫn là loài vượn, đã sống và phát triển trên Trái đất cùng với các sinh vật khác, dù đã trở nên thông minh hơn cả và xây dựng được lớp vỏ bọc tinh vi hơn cả, nó vẫn được thúc đẩy bởi các tham vọng và nỗi sợ hãi từ cổ xưa. Những điểm mà chúng ta tự hào như làn da, khuôn mặt, tiếng nói hay dáng người đều xuất hiện vì sự sinh tồn. Sự biến mất của bộ lông cũng liên quan mật thiết đến sinh tồn: vệ sinh, sưởi ấm, kích thích tình dục… Thậm chí con người đã bỏ đi những ưu điểm của loài vượn để tiến hóa nhanh hơn. Sự trả giá cũng là phần thưởng, và khó khăn sẽ dẫn tới những tiến bộ vượt bậc.

Không hề bị sao lãng bởi sự lãng mạn hóa khi nhìn nhận về con vượn trần trụi, Desmond Morris chỉ ra rằng các hành vi kết đôi, giao phối, nuôi nấng con cái, khám phá, tranh đấu… về cơ bản không khác về mục đích và cách tiến hành so với loài vượn thông thường. Ngay cả tiếng khóc, tiếng cười, những âm thanh, tín hiệu cơ bản nhất, chuyển động cơ bản nhất cũng như những mục tiêu lớn nhất của đời sống đều không thay đổi quá nhiều qua suốt hàng triệu năm. Các dạng thức văn minh đều bắt đầu từ những xung động nguyên thủy: tinh tinh xoa dịu tình hình bằng cách chìa tay về phía đối phương, còn con người đã phát triển hành động này thành cái bắt tay thân thiện; các phường hội, nghiệp đoàn, câu lạc bộ thể thao, hội kín, các băng nhóm thiếu niên… đều xuất phát từ nhu cầu của đàn ông cần tụ tập thành nhóm để đi săn khi vượn chuyển dần thành động vật ăn thịt…

Việc so sánh song song con người và con vượn làm nổi bật những nét thú vị và bất ngờ. Chúng ta thường tò mò trước những thứ bất thường, nhưng điều bình thường nhất là cơ thể là thói quen sinh hoạt của chính chúng ta lại tạo ra sự ngạc nhiên to lớn, nếu nhìn nhận một cách thấu đáo. Tập tính xã hội và văn hóa phức tạp có thể che đậy trên bề mặt chứ không che đậy được bản chất. Vô số biểu tượng, thói quen trong đời sống của con người chỉ có thể hiểu được nếu truy nguyên về nguồn gốc động vật. Những cử chỉ như gõ ngón tay, gãi đầu, đỏ mặt khi tức giận… cứ tự động xuất hiện khi ta không để ý, cho thấy sự gần gũi với các loài linh trưởng. Trong những hoàn cảnh căng thẳng hay nguy hiểm, để bảo vệ, khám phá hoặc tranh đoạt, chúng ta không khác gì những con tinh tinh đang giận dữ. Khi một bà vợ đập tan cái bình thì tất nhiên cái bình tượng trưng cho cái đầu chồng bà ta bị vỡ thành từng mảnh nhỏ, vì tinh tinh và gôrila cũng thường xuyên nhổ bật, đập và ném lung tung các cành cây, để tạo ấn tượng thị giác khi chuyển hướng các hành động gây hấn, và “các trí thức điềm đạm nhất cũng thường xuyên trở nên hung hăng hơn hẳn khi thảo luận về nhu cầu cấp thiết phải ngăn chặn sự hung hãn”.

Mặc dù là nghiên cứu khoa học, nhưng Vượn trần trụi không hề khô khan, nặng nề, khó hiểu. Thông qua một loạt các ví dụ hài hước và xác đáng, Desmond Morris tạo nên một cuốn sách dành cho mọi tầng lớp và lứa tuổi. Những sự thật hiển nhiên và lối tiếp cận bình đẳng giữa con vượn và con người cho thấy không có gì cao quý vượt bậc trong những thành tựu mà con người tự hào: lập gia đình, đấu tranh để vươn lên, làm nghệ thuật, sáng tạo khoa học… Tất cả chỉ là để thỏa mãn các xung động nguyên thủy của loài vượn. Tuy nhiên, cũng không có gì giống với sự hạ thấp trong cách tiếp cận đó. Con người cần hiểu rõ bản thân mình, như một loài vượn trần trụi dũng cảm, không có yếu tố thần thánh và không có mục đích siêu nhiên, rời bỏ những khu rừng địa đàng của loài vượn để lựa chọn chinh phục mặt đất, xây dựng nên những gì chúng ta đang có ngày nay.

“Và thế là vượn trần trụi vươn mình đứng dậy, một loài Vượn trần trụi đứng thẳng, đi săn, mang vũ khí, chiếm giữ lãnh thổ, kéo dài tình trạng thơ ấu, có trí óc, một linh trưởng theo nguồn gốc tổ tông và một động vật ăn thịt theo sự tự chọn, đã sẵn sàng chinh phục thế giới” - đó đơn giản là lời đánh giá trân trọng dành cho loài người, với tư cách là những đứa con của Trái đất.

Theo Thông cáo báo chí của Nhã Nam

No comments:

Post a Comment