29.10.12

Tri thức khách quan - Một cách tiếp cận dưới góc độ tiến hóa

I. THÔNG SỐ SÁCH
Tên sách: Tri thức khách quan - Một cách tiếp cận dưới góc độ tiến hóa
Tác giả: Karl R. Popper
Dịch giả: Chu Lan Đình
Hiệu đính: Bùi Văn Nam Sơn
Tủ sách: Tinh hoa
Khổ sách: 12 x 20 cm
Số trang: 480 trang
Giá bìa: 120.000 VNĐ
Loại bìa: Bìa mềm, tay gập
Năm xuất bản: 2012


II. GIỚI THIỆU SÁCH
1. Tác giả:
Karl R. Popper (1902-1994) là một nhà triết học, xã hội học, logic học người Áo. Ông được coi là một trong những triết gia vĩ đại nhất thế kỉ XX. Ban đầu, Karl R. Popper chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa thực chứng logic, song ông cũng là một trong những người đầu tiên phê phán trường phái đó, và xây dựng trường phái triết học của riêng mình – chủ nghĩa duy lí phê phán.
Các tác phẩm chính của ông, gồm có: Xã hội mở và kẻ thù của nó (1945), Sự nghèo nàn của thuyết sử luận (1957), Logic của sự khám phá khoa học (1959), Tri thức khách quan – một cách tiếp cận dưới góc độ tiến hóa (1972)…
2. Tác phẩm:
Cuốn sách là tập hợp chín bài viết và tham luận quan trọng của Karl R. Popper do chính ông chủ biên và xuất bản lần đầu tại Oxford University Press, 1972 với nhan đề Objective Knowledge; 3 chương đầu được dịch sang tiếng Pháp, xuất bản dưới nhan đề La Connaissance Objective, Nxb Complexe, 1978. Theo ông, vấn đề cơ bản của triết học khoa học là vấn đề phân ranh – phân biệt giữa đâu là khoa học và phi khoa học – và vấn đề tính khả kiểm sai hay tính có thể bác bỏ được.
3. Mục lục
Lời nhà xuất bản
Đôi nét về tác giả
I.Tri thức phỏng định:
Cách Giải quyết vấn đề Quy nạp của tôi
I.Hai vế của Lương năng Thông thường:
Một Luận cứ Biện hộ cho Chủ thuyết Duy thực của Lương năng Thông thường và chống lại Lí thuyết Lương năng Thông thường về Tri thức
III. Tri thức luận không gồm chủ thể đang nhận thức
IV. Bàn về Lí thuyết Tâm trí Khách quan
I.Mục đích của Khoa học
VI. Những đám Mây và những chiếc Đồng hồ
I.Sự Tiến hóa của cây Tri thức
II.Một quan niệm duy thực về Logic học, Vật lí học và Lịch sử
IX. Những Bình luận Triết học về Lí thuyết Chân lí của Tarski
Phụ lục
Cái Xô và ngọn Đèn pha: Hai lí thuyết về Tri thức
4. Bình luận sách
“Con người, như một vài triết gia hiện đại nhận định, là kẻ lạc loài [bị tha hóa - N.D] trong thế giới của mình: y là một người dưng, run rẩy trong cái thế giới chưa bao giờ do y tạo ra. Có lẽ y là kẻ lạc loài thật; thế nhưng muôn thú và thậm chí cây cỏ cũng chẳng khác gì y. Chúng cũng được sinh ra từ thuở hồng hoang trong một thế giới lí-hóa, một thế giới chưa bao giờ do chúng tạo ra. Nhưng dù không tự tạo ra thế giới của mình, những sinh linh này đã cải biến nó tới mức không còn nhận ra được nữa, và đúng là chúng đã tái tạo cái góc trời nhỏ bé của vũ trụ nơi mình sinh ra.

Chúng ta không hề tạo dựng thế giới của mình. Thậm chí cho đến giờ, ta cũng chẳng cải tạo được nó bao nhiêu so với những gì động vật biển và cây cỏ đã làm được. Tuy thế chúng ta đã tạo ra được một loại sản phẩm hay chế phẩm mới, có cơ với thời gian sẽ góp phần mang lại những biến đổi lớn cho góc trời của chúng ta, những thành quả vĩ đại không kém gì những thành quả của các bậc tiền bối, của đám cây cỏ, những nhà sản xuất oxy và của lũ san hô, những người xây đảo. Những sản phẩm mới đó chính do tự chúng ta tạo ra, chúng là những huyền thoại, những ý niệm, và nhất là những lí thuyết khoa học: những lí thuyết về thế giới ta đang sống.”
(Trích Tri thức khách quan, Karl Popper, Chu Lan Đình dịch, NXB Tri thức, 2012)

No comments:

Post a Comment