18.4.11

Người "lội bộ" suốt 5 thế kỷ

Bên cạnh công việc làm báo, nhà văn Hồ Trung Tú còn say sưa các đề tài về văn hóa, lịch sử. Tìm hiểu những bản sắc văn hóa Quảng Nam qua góc nhìn “phân kỳ lịch sử” là đề tài đã thu hút trí lực của anh trong nhiều năm.

Cuốn sách Có 500 năm như thế dày 260 trang của Hồ Trung Tú do NXB Thời Đại và Công ty Phương Nam ấn hành. Bằng cái nhìn "phân kỳ lịch sử", tác giả đã phân tích bản sắc văn hóa của vùng đất Quảng Nam (và Đàng Trong) theo cách rất riêng. Nhiều đồng nghiệp của anh như Tạ Duy Anh và Inrasara đã nhận xét đây là một công trình "điều tra đầy mạo hiểm" hoặc "vừa dũng cảm vừa khoa học"... để lý giải lịch sử với một tình yêu lớn lao của tác giả cùng di sản dân tộc...

Bìa sách là họa phẩm Một nhóm người xứ Đàng Trong năm 1792-1793 khá đặc sắc của học giả người Anh John Barrow. Đây là một dẫn chứng quý giá về sự chung đụng của người Đại Việt và Chămpa kéo dài trong nhiều thế kỷ qua nhưng ít có những nghiên cứu thấu đáo. Chừng đó cũng đủ thấy ý đồ của tác giả muốn minh chứng rằng trong gốc gác, giọng nói, các di sản văn hóa và tính cách của người Quảng, người Đàng Trong có một phần của người Chămpa mà nhiều năm qua anh đã cố công tìm hiểu qua nhiều tài liệu nghiên cứu, nhiều gia phả và các điền dã.

Tại sao nhiều gia phả tộc họ được ghi tiền hiền của họ vào Nam theo chân cuộc Nam tiến của Lê Thánh Tông, mà con cháu đến nay chỉ mới 17-18 đời? Mất đi cả vài trăm năm nếu tính từ năm 1471! Đặt ra câu hỏi đó sau những cuộc điền dã và đối chiếu sử liệu, Hồ Trung Tú đã tìm được câu trả lời: Tiền hiền các tộc họ đó vào sớm hơn nhưng đã lưu lại ở đâu đó, có thể là những vùng đất đai không màu mỡ, giao thông khó khăn vì những nơi trù phú vẫn còn các làng người Chăm đang sinh sống. Sau đó một thời gian dài, các tộc họ trên mới dần đến định cư ở làng Chăm, lấy vợ Chăm cho đến ngày nay. Đây là một vấn đề khá độc đáo trong lịch sử mà tác giả đã mạnh dạn nêu ra với nhiều chứng lý, kể cả tư liệu của chính tộc họ mình...

Các hình ảnh như ông Ba Bị, cái quần "trật bù lương", chiếc khăn quấn đầu của những nông dân nghèo ở Quảng Nam nay không còn nữa, nhiều làn điệu dân ca hay cách phát âm riêng biệt của những vùng đất, cách tính các đời, thế hệ của mỗi tộc họ người Việt, lý do vì sao nhiều người mẹ ở lớp tiền hiền, hậu hiền không thấy có tên trong nhiều gia phả, sự hình thành giọng nói của từng vùng... đã được tác giả nghiên cứu, ghi nhận, đối chiếu và soi rọi qua lăng kính riêng để chứng minh cho luận điểm của mình. Bàng bạc trong nhiều chương sách, ta lại thấy Hồ Trung Tú nêu ra những câu, những cụm từ đại loại như: Phải chăng?; Chưa có bằng chứng khảo cổ; Khó mà có thể khẳng định được điều gì; Cũng là nghi án của lịch sử; Giả định rằng; Suy ra... với một thái độ khá thận trọng trước những tồn nghi chưa có giải đáp trước đó. Có thể nhiều bạn đọc sẽ cho rằng tác giả chủ quan trước những vấn đề lịch sử, khoa học. Nhưng theo tôi, đó cũng là một đức tính cần thiết của một người nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội, nhân văn ở xứ ta, bởi lẽ cứ liệu, các điều tra cơ bản trong những lĩnh vực này thường rất hiếm vì nhiều nguyên nhân. Hồ Trung Tú cũng thừa nhận khó khăn này ngay trong lời mở đầu cuốn sách và mong rằng sự mạnh dạn của anh sẽ "đẩy cuộc nghiên cứu sau này thoát khỏi cuộc xuất phát...".

Có cảm giác rằng cuốn sách sẽ đón nhận nhiều ý kiến tranh biện thú vị. Nhưng nếu không có sự "mạo hiểm" và "dũng cảm", liệu có được sự tiến bộ? Hỏi cũng đồng thời đã trả lời. Và Hồ Trung Tú đã làm được việc có ý nghĩa, như người một mình tự “lội bộ” trong chiều dài suốt 500 năm lịch sử để tìm giải đáp cho những vấn đề mà lâu nay anh đăm đắm trong lòng.

Trương Điện Thắng (Báo Thanh Niên, 17.4.2011)

No comments:

Post a Comment