30.3.11

Sách của Kim Định (4)






Sách của Kim Định (3)





Sách của Kim Định (2)





Sách của Kim Định (1)





Kim Định

Giáo sư Kim Định tên đầy đủ là Lương Kim Định (15 tháng 6, 1915 – 25 tháng 3, 1997) là giáo sư, nhà triết học, linh mục Việt Nam. Ông có công lớn trong việc xây dựng nền tảng cho triết học Việt Nam (mà ông gọi là Việt Triết hay Việt Nho).

Kim Định sinh tại Trung Thành thuộc tỉnh Nam Định. Ông tốt nghiệp môn Triết học tại Giáo Hoàng Chủng Viện Sait Albert Le Grand. Năm 1943 đến 1946 ông dạy triết học tại Chủng Viện Bùi Chu. Năm 1947, ông lại sang Pháp nghiên cứu về triết học 10 năm. Ông tốt nghiệp Triết học tại Học viện Công giáo Paris (Institut Catholique de Paris), và tốt nghiệp Nho học tại Học viện Trung Hoa Paris (Institut des Hautes Etudes Chinoises), Paris.

Năm 1958 ông dạy triết học phương Đông tại Học viện Lê Bảo Tịnh, Trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, Viện Đại học Vạn Hạnh và Viện Đại học Đà Lạt. Cùng với Nguyễn Văn Thích và giáo sư Nguyễn Ðăng Thục, ông là người khai mở khoa Triết học Đông phương tại Trường Đại học Văn khoa từ năm 1958 và sau này tại vài trường đại học khác. Từ những năm 1960, ông bắt đầu cho ra mắt một loạt những cuốn sách về minh triết Việt, mở đầu là cuốn Nguyên Nho / Cửa Khổng...

Ông từ trần ngày 25 tháng 3 năm 1997 tại Carthage, Missouri, Hoa Kỳ. Hưởng thọ 82 tuổi. Ông có công lớn trong việc xây dựng nền tảng cho triết học Việt Nam (mà ông gọi là Việt Triết hay Việt Nho). Ngày nay, tổ chức An Vi (An Việt, nghiên cứu triết học Việt Nam) xem ông như tổ sư triết học.

Ông để lại ít nhất 45 cuốn sách, trong số đó những sách sau đây đã được ấn hành:

1.Nguyên Nho / Cửa Khổng, 278 trang, Nxb Ra khơi ấn hành 1965
2.Chữ Thời, 700 trang, Nxb Thanh Bình ấn hành 1967
3.Vũ Trụ Nhân Linh, 230 trang, Nxb Khai Trí phát hành 1969
4.Ðịnh Hướng Văn Học, 237 trang, Ra Khơi 1969
5.Những Dị Biệt Triết Lý Ðông Tây, 222 trang, Ra Khơi 1969
6.Tâm Tư, 348 trang, Khai Trí 1970
7.Việt Lý Tố Nguyên, 430 trang, Nxb An Tiêm 1970
8.Dịch Kinh Linh Thể, 170 trang, Ra Khơi 1970
9.Hiến Chương Giáo Dục, 155 trang, An Tiêm 1970
10.Triết Lý Cái Ðình, 188 trang, Nguồn Sáng 1971
11.Lạc Thư Minh Triết, 149 trang, Nguồn Sáng 1971
12.Cơ cấu Việt Nho, 285 trang, Nguồn Sáng 1972
13.Tinh Hoa Ngũ Ðiển, 192 trang, Nguồn Sáng 1973
14.Loa Thành Ðồ Thuyết, 187 trang, Thanh Bình 1973
15.Vấn Đề Nguồn Gốc Văn Hóa Việt Nam, 139 trang, Nguồn Sáng 1973
16.Vấn Ðề Quốc Học, 157 trang, Nguồn Sáng 1973
17.Triết Lý Giáo Dục, 190 trang, Ca Dao 1975
18.Nhân Chủ (tái bản từ cuốn Nhân Bản), 306 trang, Thanh Niên QG USA
19.Hồn Nước Với Lễ Gia Tiên (tái bản từ cuốn Căn Bản Triết Lý Trong Văn Hóa Việt Nam), 321 trang, Nam Cung USA 1979
20.Hùng Việt Sử Ca, 272 trang, Thằng Mõ San Jose 1984
21.Kinh Hùng Khải Triết, 241 trang, Thanh Niên QG USA
22.Pho Tượng Ðẹp Nhất Của Việt Tộc, 226 trang, HT Kelton USA
23.Sứ Ðiệp Trống Ðồng, 431 trang, Thanh Niên QG USA 1984
24.Văn Lang Vũ Bộ, 251 trang, H.T Kelton USA
25.Hoa Kỳ & Thế Chiến Lược Toàn Cầu, 185 trang, An Việt Úc Châu 1986
26.Ðạo Trường Chung Cho Ðông Á, 111 trang, An Việt Houston 1987
27.Hưng Việt, 125 trang, An Việt Houston 1987
28.Cẩm Nang Triết Việt, 80 trang, An Việt Houston 1987
29.Việt Triết Nhập Môn, 174 trang, An Việt Houston 1988
30.Gốc Rễ Triết Việt, 182 trang, An Việt Houston 1988
31.Thái Bình Minh Triết, 225 trang, Thời Điểm 1997
32.Phong Thái An Vi, 230 trang, An Việt Houston 2000


(theo Wikipedia)

Mấy cuốn Cầu vồng





Anna Karenina

22.3.11

Giáo sư Trần Văn Giàu, nghe Thầy kể chuyện


Mới mua cuốn này trưa qua, đọc qua thích nhất đoạn GS Giàu kể chuyện học bên Nga hồi 1933. Chỉ một đoạn hồi ức ngắn cũng thấy được cách dạy học hiệu quả của những ông thầy của GS. Họ dạy chủ nghĩa xã hội trực tiếp trên văn bản gốc, để người học tự đọc sách kinh điển rồi thảo luận 2, 3 buổi đầu rồi mới kết lại bằng một bài giảng. Cách dạy đó mới có thể tạo nên những con người biết phê phán, biết phản hồi vấn đề, những con người chính trị... Còn cách dạy triết Marx ở ĐH bây giờ chỉ có thể tạo ra những lớp người ngoan ngoãn chấp hành theo một khuôn khổ đã định...

---

Phát hành sách tự kể của GS Trần Văn Giàu

Nhân lễ cúng kỵ 100 ngày mất của giáo sư Trần Văn Giàu (24-3-2011), NXB Tổng Hợp TP.HCM vừa ấn hành tập sách Nghe thầy kể chuyện của giáo sư Nguyễn Phan Quang.

Quyển sách mỏng, chỉ 87 trang, nhưng là một tài liệu quan trọng, bởi đây chính là những gì do giáo sư Trần Văn Giàu tự kể về cuộc đời mình và giáo sư Nguyễn Phan Quang trực tiếp ghi âm lại.

Thời điểm ghi âm vào khoảng giữa năm 1995, lúc này giáo sư Trần Văn Giàu hãy còn rất minh mẫn. Vì là câu chuyện kể cho GS Nguyễn Phan Quang, cũng là một học trò thân thiết, nên nội dung có nhiều đoạn gần như tâm sự.

Ở đó, giáo sư Trần Văn Giàu đã kể về buổi đầu nhận thức về vai trò của người thanh niên trí thức theo tư tưởng của Nguyễn An Ninh thế nào, nguyên do ông đi du học Pháp với ý định “không phải làm quan mà làm trạng sư và nhà báo”. Rồi câu chuyện về việc ông đã bị “tiêm nhiễm” chủ nghĩa cộng sản từ bên Pháp như thế nào, ông tham gia cách mạng ra sao... Cả những vấn đề liên quan đến sử học và nghiên cứu lịch sử dân tộc, các vấn đề về tư tưởng... cũng được giáo sư Trần Văn Giàu trực tiếp thuật lại qua những cuộc ghi âm này.

Tập sách còn có một phụ lục quan trọng, đó là bản khai của giáo sư Trần Văn Giàu tại nha mật thám Nam Kỳ (tháng 5-1935). Bản khai này ký tên Hồ Nam (một trong các bí danh của giáo sư Trần Văn Giàu) được viết sau khi bị bắt 25 ngày, do giáo sư Nguyễn Phan Quang sưu tầm được, qua đó có thể nhận thấy khí tiết của nhà cách mạng Trần Văn Giàu và lời lẽ cũng như cách ứng xử của ông với kẻ thù.

Lam Điền
(Báo Tuổi Trẻ, 23.3.2011)

19.3.11

Phim "Rừng Na Uy"







Vừa xem xong cuốn phim này, vẫn thấy đây thực là một phim hay, đáng xem mặc dù trước đó cũng có nhiều lời phê bình chê nó không đạt khi vừa được trình chiếu tại VN. Tất nhiên là điện ảnh và văn học có những thủ pháp nghệ thuật khác nhau để lôi cuốn người xem, vì vậy không thể đỏi hỏi hơn nữa khi "Rừng Na Uy" của Trần Anh Hùng không phải hoàn toàn là "Rừng Na Uy" của Murakami. Điện ảnh không có được nhiều cách hiểu đa chiều, cách tiếp nhận cá nhân của người đọc như đối với một tác phẩm văn học. Sự tưởng tượng của người xem điện ảnh đâu thể bằng sự tưởng tượng, đặt mình vào bối cảnh của tác phẩm văn học. Ví dụ như ở phần kết, nụ cười của Midori trong phim giúp người xem dễ dàng hình dung được ý đồ của đạo diễn khi đóng lại bộ phim này, trong khi trong truyện thì nụ cười ấy chỉ có thể có trong tưởng tượng của người đọc, hoặc là cũng có thể không có và cái kết ấy thì không được xác định rõ...

KENICHI MATSUYAMA - trong vai Watanabe Toru: Nam diễn viên trẻ tuổi sinh năm 1985, tại Aomori, Nhật Bản. Anh được biết đến qua các vai diễn "khác thường", cá tính đặc biệt. Tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ nhưng Matsuyama đã giành được nhiều giải thưởng danh giá: giải thưởng Nam diễn viên mới xuất sắc nhất của Viện Hàn lâm Nhật Bản (2005), Giải thưởng Hochi Film và Yokohama của liên hoan phim trong nước, đặc biệt là giải thưởng nam diễn viên xuất sắc tại liên hoan phim Châu Á năm 2009 trong bộ phim Detroit Metal City.Vào vai chàng trai Watanabe với đời sống nội tâm phức tạp, nhiều mâu thuẫn giằng xé là một trải nghiệm vai diễn mới của diễn viên trẻ Matsuyama. Trong bài trả lời phỏng vấn, Matsuyama chia sẻ: “Đây là vai diễn có sức nặng rất lớn bởi Watanabe bị kéo theo hai hướng ngược nhau: giữa sự sống và cái chết, giữa quá khứ và tương lai. Để nhập được vào vai diễn này, trong những cảnh quay của tôi và nhân vật Naoko, tôi cảm thấy rõ nét nỗi khổ đau, trong những cảnh quay với Midori, tôi có thể cảm thấy trái tim Watanabe được thổi đầy niềm vui với cô ấy. Sự chia sẻ của đạo diễn cũng đã giúp tôi hoàn thành tốt vai diễn của mình”.

RINKO KIKUCHI - trong vai Naoko: Sinh năm 1981 tại Kanagawa, Kikuchi tham gia vai diễn đầu tiên trong phim Will to live (1999). Năm 2006, trong vai nữ sinh trung học khiếm thính trong bộ phim Babel, của đạo diễn Alejandro González Iñárritu, cô đã được đề cử vào giải thưởng Oscar lần thứ 79 cho hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Cô cũng giành được đề cử cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Quả cầu vàng và là Người phụ nữ của năm 2006. Nhân vật Naoko trong bộ phim Rừng Na Uy là một vai diễn khó, đầy thử thách với Kikuchi. Naoko yêu Kizuki tận đáy lòng mà không thể đón nhận người tình. Với Watanabe, cô mong mỏi Watanabe có thể là điểm tựa để níu giữ cô ở lại với cuộc đời mà thất bại. Nhân vật này đi qua nhiều trường cảm xúc đan xen: yêu mãnh liệt trong vô vọng, khấp khởi hy vọng và tuyệt vọng. “Tôi tự cảm thấy phải làm tròn vai diễn này. Tôi đã nhập vai hết sức có thể, tạo ra những cảm xúc vô cùng mạnh mẽ sâu trong trái tim. Sự mất mát mà Naoko phải chịu đựng quá lớn như đã tràn sang cả cho tôi. Lần đầu tiên, tôi đã dành nhiều thời gian cho vai diễn cảm xúc này như thế”.

KIKO MIZUHARA - trong vai Midori: Sinh năm 1990 tại Texas, Hoa Kỳ, và lớn lên tại Kobe - Nhật Bản, Mizuhara gia nhập làng giải trí khi mới 13 tuổi làm người mẫu chụp hình cho tạp chí “Seventeen”. Từng nhận vương miện Miss Seventeen năm 2003 và xuất hiện thường xuyên trên sàn diễn thời trang Tokyo Girls Collection, thu hút hơn 30.000 người hâm mộ, nhưng vai diễn Midori trong phim Rừng Na Uy là vai diễn đầu tiên của cô. Sự lựa chọn Mizuhara cho vai diễn Midori sống động, cá tính, đạo diễn Trần Anh Hùng nhận xét: “Những gì mà mọi người cảm nhận khi gặp cô ấy là một cảm giác ấm áp tuyệt vời - đây là điểm quan trọng làm nên sức sống của nhân vật Midori. Chính vì thế tôi đã chọn cô ấy”.

16.3.11

"Tôi nói gì khi nói về chạy bộ" (Haruki Murakami)


Haruki Murakami

Haruki Murakami, một trong những nhà văn đương đại thành công nhất Nhật Bản và thế giới, tác giả của những tiểu thuyết thuộc top best-seller quốc tế, được độc giả Việt Nam yêu thích qua các tác phẩm đã xuất bản: Rừng Na Uy, Biên niên ký Chim vặn dây cót, Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời, Kafka bên bờ biển, Người tình Sputnik, Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới, Ngầm

Các tác phẩm sẽ ra mắt trong thời gian tới của Haruki Murakami: Cuộc săn cừu hoang, 1Q84.

Tác phẩm Tôi nói gì khi nói về chạy bộ

“…tôi đã bắt đầu chạy… Ba mươi tuổi là tuổi tôi hồi đấy… Cái tuổi ấy có thể gọi là một kiểu giao lộ trong đời. Đó là cái tuổi tôi bắt đầu cuộc đời người chạy bộ của mình, và đó là điểm xuất phát muộn màng nhưng chân thực của tôi, làm tiểu thuyết gia…”. Điểm chung đầu tiên giữa chạy bộ và viết văn đã được Haruki Murakami diễn giải một cách chân thực, giản dị như thế qua tự truyện Tôi nói gì khi nói về chạy bộ.

Chạy bộ thì có gì hấp dẫn và thú vị? Nếu nó mông lung đến độ chính Murakami, người chạy bộ “chuyên nghiệp” cũng cảm thấy khó hình dung mình sẽ nói gì về nó trong một cuốn sách thì điều gì sẽ giữ độc giả ở lại đến tận trang cuối cùng? Để trả lời cho những câu hỏi ấy, Murakami đã kể chuyện mình và chạy bộ trên quan điểm: viết một cách trung thực những gì mình nghĩ và cảm nhận về chạy bộ và trung thành với phong cách riêng của mình và đó không nằm ngoài những “bí quyết” thành công của một tiểu thuyết gia lừng danh Nhật Bản và thế giới. Những bài học cá nhân tác giả học được qua việc cho cơ thể mình vận động có lẽ sẽ không vô ích với nhiều người, dù cho họ có phải là người viết văn hay không.

Cũng giống như bất kỳ môn thể thao nào khác, chạy bộ cũng đòi hỏi những nguyên tắc nhất định về khối lượng, cường độ chạy, chế độ ăn uống và sự duy trì đều đặn, bền bỉ cũng như đặt ra những đỉnh cao để “chinh phục”… Murakami, dưới góc độ một người chạy “trong suốt một phần tư thế kỷ” đã chia sẻ những chứng nghiệm chân thực dọc suốt hành trình tập luyện của mình: từ những buổi chạy thông thường theo chuẩn chạy nghiêm túc (ba mươi sáu dặm một tuần) cho đến những cuộc marathon không chính thức và chính thức ở Honolulu, Athens, New York, Boston, Hokkaido… Việc lựa chọn chạy bộ trong vô vàn môn thể thao khác cũng phần nào thể hiện tính cách của Murakami: thích được ở một mình và không hợp với việc đánh bại một ai đó. Điều tác giả quan tâm là có đạt được các mục tiêu đã tự đặt ra hay không và với người chạy bình thường, mục tiêu đó là mức thời gian muốn vượt qua.
“Dù không phá được kỷ lục thời gian mong muốn song miễn sao có được cái cảm giác mãn nguyện là đã làm hết sức mình-, và có lẽ, đã có một khám phá có ý nghĩa nào đó về bản thân trong quá trình ấy-thì tự điều ấy đã là một sự hoàn thành, một cảm xúc tích cực y có thể mang theo qua cuộc đua kế tiếp”.

Tinh thần ấy cũng được chuyển tải trong quan niệm về nghề viết tiểu thuyết của Murakami, ở đó ông cho rằng con số sách được bán ra, những giải thưởng hay lời ngợi khen từ phía các nhà phê bình… chỉ là những tiêu chuẩn bên ngoài đối với một thành tựu văn chương… Murakami chỉ ra “cố gắng tối đa trong những giới hạn cá nhân của mình: đó là bản chất của chạy bộ và là một ẩn dụ cho cuộc sống- cho tôi, và cho cả viết lách”. Mối liên hệ mật thiết giữa năng lực sáng tạo, năng lực ghi nhớ và diễn thuyết (những yếu tố hỗ trợ quan trọng đối với một tiểu thuyết gia) và năng lượng thể chất còn được Murakami khái quát, cụ thể hóa qua những dẫn chứng về cạn nguồn văn chương, về học thuộc diễn văn và cách thể hiện nó…

Nếu Somerset Maugham từng viết rằng trong mỗi lần cạo râu đều có một triết lý thì với Haruki Murakami, chạy bộ có nhiều hơn thế. Nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với cuộc sống của nhà văn khi không chỉ giúp ông duy trì và hoàn thiện tình trạng thể chất để tiếp tục viết tiểu thuyết mà còn ông nhận ra “chuẩn mực cá nhân” của riêng mình. Ấp ủ ý tưởng từ những năm 1997, cuối cùng cuốn sách về chạy bộ được Haruki Murakami hoàn thành vào mùa thu năm 2006, đơn giản với mục đích “làm sáng tỏ kiểu đời sống […] đã trải qua, cả như một tiểu thuyết gia và một người bình thường, trong hơn hai mươi lăm năm qua”. Hơn thế, Tôi nói gì khi nói về chạy bộ còn làm sáng tỏ một thế giới nội tâm, có lẽ là lần đầu tiên được chia sẻ chân thực đến vậy, thế giới nội tâm của Haruki Murakami, nhà văn kiêm… người chạy bộ!.

Thông tin sách

- Tựa gốc: Hashiru Koto Ni Tsuite Kataru Toki Ni Boku No Kataru Koto
- Dịch giả: Thiên Nga
- NXB Hội Nhà văn & Nhã Nam, 2011
- Giá bìa: 45.000 đồng

Theo Thông cáo báo chí của Nhã Nam

Cao Tự Thanh, dịch giả “tự cao"


Những gì tôi biết về ông trước khi gặp mặt rất ít ỏi, nổi bật nhất chỉ là cái tên Cao Tự Thanh - "Thanh tự cao" và đôi lần thấy ông đi dự hội thảo khoa học nào đó, từ xa nhiều người chỉ trỏ bảo "Thanh tự cao" đó.

Quan sát thấy ông cứ nghênh ngang thế nào, nghĩ bụng chắc ông này khó gần và tự cao quá nên người ta mới đặt lời như thế. Vậy nhưng khi gặp, rồi nói chuyện với ông hơn hai giờ đồng hồ thì thấy mình suy diễn không chính xác cho lắm…

Mười năm thuê bảy chỗ ở

Nhà ông nằm trong con hẻm nhỏ ở quận 12, TP HCM. Tiếp tôi, ông vẫn cởi trần theo thói quen như nhiều người biết. Mới nhìn bề ngoài của ông, tôi hơi ái ngại với thân hình khá gầy, hai má hóp lại, mái tóc bạc trắng, hai hàm răng trắng không đều, hàm trên răng giả nên trắng bóng, còn hàm dưới răng thật thì xỉn vàng vì khói thuốc ám lâu năm. Ông bảo, mỗi ngày ông hút tới hai gói thuốc.

Ngôi nhà rộng rãi, sạch sẽ, ngăn nắp và nhìn quanh chỉ toàn sách, được xếp trên giá rất gọn ghẽ. Phượng, bạn tôi, là thư ký của ông, nói với tôi, đây là nhà ông thuê, vừa để ở, vừa để có chỗ làm việc. Mỗi khi ông bị đòi nhà, là cả ông và Phượng lại xấc bấc xang bang kiếm nhà mới để mướn.

"Nghề của tôi cần ổn định nhưng sống với thị trường thì lúc nào cũng phải có phương án dự phòng, nên chuyện thuê nhà, tôi quyết nhanh lắm. Ở đây tôi còn có chú Bình "tổng quản", cô Phượng thư ký. Nói trả nhà là cô Phượng lo mua thùng dọn sách, chú Bình lo tìm nhà thuê xe, xong là đi thôi", ông vừa cười, vừa bộc bạch. Cũng theo lời ông thì từ năm 1999, ông đã chuyển qua sáu, bảy chỗ ở từ Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình và giờ thì lùi ra tít quận 12.

Hỏi ông tại sao không lo một chỗ ở cho ổn định, ông trầm giọng: "Tôi không có tích lũy thì muốn mua nhà phải vay mượn, nhưng như thế phải mất ít nhất hai ba năm cày cuốc trả nợ. Mà tôi già rồi, lại không con cái, để hai ba năm ấy đọc sách, uống rượu lại không nhàn nhã hơn à? Ăn thua là đừng để đám ma của mình thiếu kinh phí làm khó bạn bè, thế thôi".

Ông cũng nói thêm: "Thật ra, tôi cũng cần ở rộng, vì phải có chỗ để giá sách, đặt máy tính mới làm việc được, mà nếu chẳng may có khách nước ngoài ghé chơi, họ nhìn tới nhà cửa thấy mình cũng còn giống… con người".

Nhắc lại chuyện xưa, vì tôi vẫn thắc mắc về quyết định bỏ học giữa chừng của ông năm 1975. Hỏi ông có hối hận vì quyết định đó không, ông đáp: "Không bao giờ, mà với nghề nghiệp về sau của tôi có khi đó còn là cái duyên. Tôi quyết định về Nam do sự xốc nổi nhất thời, nhưng khi về Nam, tôi lại được tiếp xúc với nhiều sách vở báo chí. Ví dụ như sách về hoạt động đối ngoại của chính quyền Sài Gòn trước giải phóng, trong đó có Ủy ban sông Mê Kông chẳng hạn. Hay những sách mà miền Bắc chưa dịch như Đạo đức kinh, Nam Hoa kinh cùng một số tác phẩm thơ văn tiền chiến. Chính nhờ đọc những sách vở báo chí ấy mà tôi hiểu biết nhiều hơn. Còn bạn hỏi vì sao tôi làm dịch giả à? Đơn giản là vì… tôi đói. Đói thì đầu gối phải bò. Hồi năm 90, tôi nghỉ việc Nhà nước, vất vả mấy năm, khó khăn nên phải tìm cách kiếm tiền. Và dịch, dịch miết, giờ thành dịch giả chuyên nghiệp".

"Tôi biết tôi rất quan trọng…"

Ông có kiểu nói chuyện cực kỳ cuốn hút, hài hước mà thẳng thắn với ánh mắt nhìn người đối diện rất sắc, với những lần lên giọng, xuống giọng và cả những cái đập bàn theo nội dung câu chuyện. Thế nên cuộc nói chuyện với ông lúc nào cũng giống như một cuộc diễn thuyết đầy ấn tượng.

Tôi hỏi ông, phải chăng cái tên "Thanh tự cao" xuất phát từ tính cách của ông? Ông cười nhẹ: "Tôi chẳng tự cao gì, tôi biết tôi rất quan trọng nhưng chỉ là đối với tôi, còn đối với thiên hạ, tôi có quan trọng hay không còn phụ thuộc vào hai điều: một là có thể làm lợi cho họ tới mức nào; hai là, có thể làm hại họ tới mức nào. Nói thế cho nó sòng phẳng. Chứ tôi có giỏi thì bất quá cũng chỉ đọc sách kiếm cơm, đáng cái gì mà lên mặt. Có điều là, tôi chỉ nói cái gì tôi biết, nhưng có vài người cứ lên mặt nói những cái họ không biết, đôi khi ngứa mồm, tôi cũng bình phẩm vài câu nên họ ghét, bảo tôi tự cao thôi".

Uống một hớp rượu, ông trầm ngâm: "Người ta nên có khí cốt kiêu ngạo chứ đừng nên có thái độ kiêu ngạo. Người có tài luôn kiêu ngạo, nhưng cái đó khác với khoác lác. Người thật sự giỏi luôn biết mình giỏi tới mức nào, với lại người giỏi luôn thừa nhận cái giỏi của người khác, chỉ những kẻ chưa giỏi đủ mức cần thiết mới không chấp nhận được chuyện người khác cũng giỏi thôi".

Khẳng định như thế nhưng ông cũng tự nhận rằng mình còn may mắn: "Nhiều người ở cái tuổi như tôi, tàn tật như tôi không được học hành đầy đủ, tôi được thế này là may lắm rồi. Còn tôi có giỏi cũng là chuyện bình thường, người ta phải làm để sống, mà muốn làm thì phải học, nếu may mà giỏi thì dễ sống hơn một chút, thế thôi".

Hàng ngày dù làm gì, ăn chơi gì, dù sớm dù trễ, ông cũng luôn dành ít nhất 10 tiếng đồng hồ để làm việc. Và theo ông thì bất cứ sách gì không thuộc mảng khoa học kỹ thuật ông dịch tối thiểu cũng được 4 trang bản gốc/giờ, có khi nhanh hơn thì 6 - 8 trang/giờ. Ông nói dịch như thế mới kiếm ăn được để còn nghiên cứu.

Bao nhiêu năm viết, dịch rất nhiều quyển sách và được đánh giá là một trong những dịch giả tiếng Hán - Hoa uy tín nhất hiện nay, ông bao sân khá nhiều mảng: sách lịch sử, triết học, y học, văn học cổ, truyện võ hiệp, truyện thiếu nhi…

Đến nay ông đã có khoảng 60 quyển sách dịch như Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh (trọn bộ), Quan trường hiện hình ký của Lý Bảo Gia, Thẩm Thăng Y truyền kỳ hệ liệt của Hoàng Ưng, Anh hùng xạ điêu, Lộc Đỉnh ký của Kim Dung, Đại Đường du hiệp ký của Lương Vũ Sinh, Huyết anh vũ, Lưu tinh hồ điệp kiếm của Cổ Long, Lịch sử lưu manh, Lịch sử ăn mày, Lịch sử cờ bạc, Lịch sử kỹ nữ, Ẩn sĩ Trung Hoa, Tăng nhân Trung Quốc thời cổ, Đạo sĩ Trung Quốc thời cổ… của nhiều tác giả khác.

Về sách nghiên cứu, ông cũng có gần 20 công trình như Nho giáo ở Gia Định, Văn học Hán Nôm ở Gia Định, Văn học Đàng Trong, Đại Nam Liệt truyện Tiền biên, Quốc triều Hương khoa lục, Giai thoại thơ Đường, Thơ văn Nguyễn Thông, Thơ Trần Thiện Chánh…, hay tham gia chủ biên bộ "Một trăm câu hỏi đáp về Gia Định - Sài Gòn - Thành phố HCM

Dịch và viết nhiều như thế nhưng ông chẳng tích lũy được gì về vật chất. "Tôi chỉ làm được đủ ăn chứ không đủ sống vì muốn đủ sống phải có tích lũy. Có hai lý do chính. Một là, thị trường sách vở nói chung ở Việt Nam hiện nay chưa phải là thị trường thật sự, thị trường sách dịch lại càng bát nháo, ngay trong những người dịch đáng mặt gọi là chuyên nghiệp cũng chưa chắc đã có được bao nhiêu người sống nổi với nghề dịch. Hai là, có lẽ vì tôi chi tiêu cũng khác người ta. Có tiền thì tôi chi tiêu rộng hơn một chút, sao chụp tư liệu nhiều hơn một chút. Tôi không làm Nhà nước nên muốn có tư liệu thì phải bỏ tiền túi ra. Ví dụ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cán bộ ở viện cần thì có thể mượn sách về nhà, chứ tôi muốn có sách ở đó thì phải chụp, 2.000 đồng/trang cũng không ít tiền đâu. Mà phải có đầu tư nhất định về tư liệu thì tôi mới đứng vững được trong nghề nghiệp của mình…", ông lý giải.

"Nếu tôi dịch sai dịch gian dịch bậy, độc giả mới được chửi"

Hiện nay mỗi quyển sách in ra ông được trả nhuận bút khoảng 12 - 15% giá bìa trên số lượng in (dĩ nhiên phải đóng thuế), nhưng số lượng thực tế in ra và tái bản thì những người dịch như ông không bao giờ biết được chính xác. Nhưng ít khi ông mặc cả, trả giá với các nhà xuất bản và nhất là các công ty sách tư nhân.

Ông kể có lần một nhà xuất bản đưa tới hơn 4.000 trang nhờ dịch, ông xem qua rồi nói giá, nghe xong họ bỏ sách chạy lấy người luôn, mà đó chỉ là giá phổ biến hiện hành. "Tôi thường không mặc cả, kẹt thì bán chữ chứ không cò kè với các doanh nhân buôn sách, thích sách thì dịch, thấy được thì làm. Nhưng tôi nghĩ tôi có đủ tư cách để ra giá".

Hỏi ông vậy lâu nay độc giả mua sách Cao Tự Thanh dịch vì cái gì? "Trước hết, người ta vì người ta, tôi muốn kiếm cơm thì phải cố dịch cái gì mà người ta thích và cần xem. Còn xem xong chê khen là quyền của họ, tôi làm khoa học nên quen nói chuyện đúng sai, chứ chuyện hay dở thì năm người mười ý, ai mà làm vừa lòng tất cả người thiên hạ được. Về phần mình, tôi chỉ cố dịch thật đúng, đúng thì tự nhiên có chỗ hay, còn nếu tác phẩm không dở, dịch phẩm không sai mà thấy là dở là sai thì còn phải xem lại học vấn độ lượng của độc giả. Ví dụ bài Trầm giang khúc trong Lộc Đỉnh ký là từ khúc, trước đây Hàn Giang Nhạn dịch ra thơ mà còn dịch sai, tôi dịch ra từ khúc theo đúng nguyên bản thì có người lên mạng chê bai chửi bới, lãnh giáo loại người ít học cạn nghĩ mà hay chửi bậy nói càn ấy thì mệt lắm. Nếu tôi dịch sai dịch gian dịch bậy, độc giả mới được chửi chứ", ông thẳng thắn nói.

Quả thật, đúng như lời ông nói và những gì tôi biết được về ông, nhiều người thương mến và nể trọng ông vì cách làm việc rất nghiêm túc, có trách nhiệm với tác phẩm và dịch phẩm của mình cũng như cách xử sự tôn trọng người khác và tự trọng thân phận của ông. Nhưng có lẽ quan niệm người có tài luôn kiêu ngạo của ông đã khiến nhiều người gán cho ông cái tên "Thanh tự cao" chăng?

---

Dịch giả Cao Tự Thanh (tên thật là Cao Văn Dũng) sinh năm 1955, tốt nghiệp ngành Hán Nôm khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1977. Hiện ông đang dịch hai bộ Đại Nam Thực lục cuối cùng của triều Nguyễn, tức Thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên viết về hai đời Thành Thái - Duy Tân và Thực lục chính biên đệ thất kỷ viết về đời Khải Định. Văn bản gốc của hai bộ này ở Pháp, ông phải nhờ chụp lại gởi về để dịch, vì ở Việt Nam mới dịch tới bộ Thực lục chính biên đệ lục kỷ viết về đời Đồng Khánh. Ông nói nếu hai bộ sách này được in ra thì nhiều người sẽ có thêm cứ liệu mà đổi mới tư duy, đột phá nhận thức về triều Nguyễn nói riêng và lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX nói chung. "Đổi mới đột phá thật sự bằng công trình bài viết chứ không phải leo lẻo đổi mới, rêu rao đột phá bằng cái mồm", ông cười nhẹ. Tôi hỏi ông đã liên hệ với nhà xuất bản nào để in hai bộ sách này chưa, ông nói: "Chưa. Nhưng nếu có người cần đọc thì sẽ có nơi thích bán, ai muốn bán thì phải mua, mà hiện nay ai dịch nổi hai bộ sách ấy thì sợ gì không bán được cho các doanh nhân buôn sách!".

Phạm Phú Lữ
(An ninh thế giới cuối tháng)