25.2.11

GS-NGND Nguyễn Tài Cẩn tạ thế


Gia đình cho biết, vào lúc 19 giờ 10 phút (giờ Hà Nội) ngày 25 tháng 2 năm 2011, Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Tài Cẩn đã từ trần tại nhà riêng ở Maxcơva sau một thời gian lâm bệnh, được gia đình và bác sĩ tận tình chăm sóc, cứu chữa.

GS Nguyễn Tài Cẩn sinh ngày 2-5-1926 tại làng Thượng Thọ (nay thuộc xã Thanh Văn), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An trong một gia đình Nho học có truyền thống yêu nước. Thời niên thiếu, GS theo học Quốc học Vinh và Quốc học Huế.

Sau Cách mạng tháng Tám, GS tham gia công tác kháng chiến tại Nghệ An, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1949. Năm 1949, GS bắt đầu dạy học. Năm 1952, GS được bổ nhiệm Trợ lí đại học lớp đại học đầu tiên ở Liên khu Bốn. Năm 1953 - 1954 là Trưởng phòng chuyên môn Khu giáo dục Liên khu Bốn. Trong những năm 1955 - 1960, GS được Bộ Giáo dục VN cử làm chuyên gia Việt ngữ học đầu tiên tai Liên Xô (làm việc tại Đại học tổng hơp Leningrad). Năm 1960, GS bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ ngữ văn đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô về ngành Ngôn ngữ học với đề tài “Từ loại danh từ tiếng Việt”.

Từ năm 1961-1971, GS làm Chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ học tại khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1980, được phong hàm Giáo sư. Trong các năm 1982, 1988-1990 là giáo sư thỉnh giảng tai Đại học Paris 7 (Pháp) và 1991 tại Đại học Cornell (Hoa kì).

Năm 2000, GS được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về cụm 3 công trình

Ngữ pháp tiếng Việt - Từ ghép, đoản ngữ.
Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt.
Nguồn gốc và quá trình cách đọc Hán - Việt.

Năm 2008, GS được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Cuộc đời GS.NGND. Nguyễn Tài Cẩn là tấm gương sáng của một trí thức yêu nước và cách mạng, là mẫu hình một con người lao động trí tuệ cật lực và không biết mệt mỏi. Sự nghiệp đào tạo của GS để lại nhiều nhân tài cho đất nước trong lĩnh vực Ngôn ngữ học. Những tác phẩm khoa học của GS đưa đến những tri thức khoa học cơ bản cho xã hội và gợi mở nhiều hướng tiếp cận cho các thế hệ hôm nay.
Cho tới tận cuối cuộc đời, từ nước Nga xa xôi, những bài viết của GS vẫn đều đặn gửi về cho các tạp chí khoa học trong nước. Khoa Ngôn ngữ, khoa Văn Học, trường Đại học Tổng hợp trước đây và trường Đại học Khoa hoc Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội hôm nay mãi mãi là mái nhà thân thương thứ hai của Giáo sư.


Khoa Văn học - trường ĐH KHXH-NV HN

No comments:

Post a Comment