12.5.13

17.3.13

Phạm Quỳnh - Tuyển tập du ký

I. THÔNG SỐ SÁCH
Tên sách: Phạm Quỳnh - Tuyển tập du ký 
Tác giả: Phạm Quỳnh
Sưu tầm & Biên soạn: Nguyễn Hữu Sơn
Khổ sách: 16 x 24 cm
Số trang: 516 trang
Giá bìa: 125.000 VNĐ
Loại bìa: Bìa mềm, tay gập
Năm xuất bản: 2013



II. GIỚI THIỆU SÁCH

1. Về tác giả:

Học giả Phạm Quỳnh (30.I.1893 - 7.IX.1945), còn có các bút danh Thượng Chi, Hoa Đường, Hồng Nhân; sinh tại Hà Nội; quê quán ở làng Lương Ngọc, tổng Ngọc Cục, phủ Bình Giang (nay thuộc xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Tên tuổi nhà văn hóa Phạm Quỳnh đã được khẳng định trong nhiều bộ từ điển danh nhân văn hóa, từ điển văn học, công trình nghiên cứu, chuyên khảo, luận văn; đặc biệt từ giai đoạn Đổi mới (1986) đến nay, nhiều tác phẩm quan trọng của ông đã lần lượt được sưu tập và công bố trở lại: Mười ngày ở Huế (2001), Luận giải văn học và triết học (2003), Pháp du hành trình nhật ký (2004), Du ký Việt Nam - Tạp chí Nam phong (1917-1934), ba tập (2007), Thượng Chi văn tập (2007), Phạm Quỳnh - Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp (2007), Hoa Đường tùy bút và 51 bản dịch thơ Đỗ Phủ (2011), v.v…

2. Về tác phẩm:

Công trình Phạm Quỳnh - Tuyển tập du ký sưu tập các bài viết của học giả Phạm Quỳnh thuộc phạm vi thể tài du ký... Giới hạn phạm vi sưu tập, tuyển chọn là các bài viết của Phạm Quỳnh trên Nam phong Tạp chí qua suốt 17 năm tồn tại (1917-1934)... Trong quá trình thực hiện công trình sưu tập, biên soạn Phạm Quỳnh - Tuyển tập du ký lần này, chúng tôi chọn in 7 tác phẩm tiêu biểu và sắp xếp các mục bài theo trật tự thời gian (Mười ngày ở Huế - Một tháng ở Nam Kỳ - Trảy chùa Hương - Pháp du hành trình nhật ký - Thuật chuyện du lịch ở Paris ­- Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng - Du lịch xứ Lào). Về cơ bản, các tác phẩm đều căn cứ theo nguyên bản đã in trên Nam phong Tạp chí (1917-1934). Với từng mục bài cụ thể, người biên soạn có chỉnh lý lại một số câu chữ, chủ yếu về quy cách ngữ pháp, chính tả, cách ghi tên người, địa danh, trước sau nhằm tạo nên tính thống nhất tương đối cho bộ sách. Trong một số trường hợp, bên cạnh các nguyên chú, chúng tôi có thêm chú dẫn và đều ghi rõ Người biên soạn (NHS chú).

3. Mục lục

Lời giới thiệu
Mười ngày ở Huế
Một tháng ở Nam Kỳ
Trảy chùa Hương
Pháp du hành trình nhật ký
Thuật chuyện du lịch ở Paris
Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng
Du lịch xứ Lào 
                                                                                        
4. Điểm nhấn

“..Phàm cái hình thức gì nó biểu được cái hồn xưa của Tổ quốc, dù phiền phức đến đâu cũng không nên bỏ. Bỏ một cái, bỏ mười cái, là xóa mất cái hình ảnh nước nhà trong con mắt bọn hậu sinh vậy. Tôi thiết tưởng ngày nay có nhiều nhà thiếu niên đọc Nam sử khao khát muốn được trông cái vết tích nước Nam ngày xưa thế nào mà khổ vì không tìm đâu thấy; như thế thì cái cảm tình với nước được bao lâu mà chẳng tiêu mòn đi? Ở cái đời cấp tiến này, người ta chỉ biết lấy cái chủ nghĩa quyền lợi mà đối đãi nhau, nếu thời hồ không có dịp nào để biểu cái nghĩa liên lạc của người dân một nước thì mấy nỗi mà đến quên nhà quên nước vậy!”

(Trích Mười ngày ở Huế, Phạm Quỳnh – Tuyển tập du ký, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm & biên soạn, NXB Tri thức, 2013)