16.3.11

"Tôi nói gì khi nói về chạy bộ" (Haruki Murakami)


Haruki Murakami

Haruki Murakami, một trong những nhà văn đương đại thành công nhất Nhật Bản và thế giới, tác giả của những tiểu thuyết thuộc top best-seller quốc tế, được độc giả Việt Nam yêu thích qua các tác phẩm đã xuất bản: Rừng Na Uy, Biên niên ký Chim vặn dây cót, Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời, Kafka bên bờ biển, Người tình Sputnik, Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới, Ngầm

Các tác phẩm sẽ ra mắt trong thời gian tới của Haruki Murakami: Cuộc săn cừu hoang, 1Q84.

Tác phẩm Tôi nói gì khi nói về chạy bộ

“…tôi đã bắt đầu chạy… Ba mươi tuổi là tuổi tôi hồi đấy… Cái tuổi ấy có thể gọi là một kiểu giao lộ trong đời. Đó là cái tuổi tôi bắt đầu cuộc đời người chạy bộ của mình, và đó là điểm xuất phát muộn màng nhưng chân thực của tôi, làm tiểu thuyết gia…”. Điểm chung đầu tiên giữa chạy bộ và viết văn đã được Haruki Murakami diễn giải một cách chân thực, giản dị như thế qua tự truyện Tôi nói gì khi nói về chạy bộ.

Chạy bộ thì có gì hấp dẫn và thú vị? Nếu nó mông lung đến độ chính Murakami, người chạy bộ “chuyên nghiệp” cũng cảm thấy khó hình dung mình sẽ nói gì về nó trong một cuốn sách thì điều gì sẽ giữ độc giả ở lại đến tận trang cuối cùng? Để trả lời cho những câu hỏi ấy, Murakami đã kể chuyện mình và chạy bộ trên quan điểm: viết một cách trung thực những gì mình nghĩ và cảm nhận về chạy bộ và trung thành với phong cách riêng của mình và đó không nằm ngoài những “bí quyết” thành công của một tiểu thuyết gia lừng danh Nhật Bản và thế giới. Những bài học cá nhân tác giả học được qua việc cho cơ thể mình vận động có lẽ sẽ không vô ích với nhiều người, dù cho họ có phải là người viết văn hay không.

Cũng giống như bất kỳ môn thể thao nào khác, chạy bộ cũng đòi hỏi những nguyên tắc nhất định về khối lượng, cường độ chạy, chế độ ăn uống và sự duy trì đều đặn, bền bỉ cũng như đặt ra những đỉnh cao để “chinh phục”… Murakami, dưới góc độ một người chạy “trong suốt một phần tư thế kỷ” đã chia sẻ những chứng nghiệm chân thực dọc suốt hành trình tập luyện của mình: từ những buổi chạy thông thường theo chuẩn chạy nghiêm túc (ba mươi sáu dặm một tuần) cho đến những cuộc marathon không chính thức và chính thức ở Honolulu, Athens, New York, Boston, Hokkaido… Việc lựa chọn chạy bộ trong vô vàn môn thể thao khác cũng phần nào thể hiện tính cách của Murakami: thích được ở một mình và không hợp với việc đánh bại một ai đó. Điều tác giả quan tâm là có đạt được các mục tiêu đã tự đặt ra hay không và với người chạy bình thường, mục tiêu đó là mức thời gian muốn vượt qua.
“Dù không phá được kỷ lục thời gian mong muốn song miễn sao có được cái cảm giác mãn nguyện là đã làm hết sức mình-, và có lẽ, đã có một khám phá có ý nghĩa nào đó về bản thân trong quá trình ấy-thì tự điều ấy đã là một sự hoàn thành, một cảm xúc tích cực y có thể mang theo qua cuộc đua kế tiếp”.

Tinh thần ấy cũng được chuyển tải trong quan niệm về nghề viết tiểu thuyết của Murakami, ở đó ông cho rằng con số sách được bán ra, những giải thưởng hay lời ngợi khen từ phía các nhà phê bình… chỉ là những tiêu chuẩn bên ngoài đối với một thành tựu văn chương… Murakami chỉ ra “cố gắng tối đa trong những giới hạn cá nhân của mình: đó là bản chất của chạy bộ và là một ẩn dụ cho cuộc sống- cho tôi, và cho cả viết lách”. Mối liên hệ mật thiết giữa năng lực sáng tạo, năng lực ghi nhớ và diễn thuyết (những yếu tố hỗ trợ quan trọng đối với một tiểu thuyết gia) và năng lượng thể chất còn được Murakami khái quát, cụ thể hóa qua những dẫn chứng về cạn nguồn văn chương, về học thuộc diễn văn và cách thể hiện nó…

Nếu Somerset Maugham từng viết rằng trong mỗi lần cạo râu đều có một triết lý thì với Haruki Murakami, chạy bộ có nhiều hơn thế. Nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với cuộc sống của nhà văn khi không chỉ giúp ông duy trì và hoàn thiện tình trạng thể chất để tiếp tục viết tiểu thuyết mà còn ông nhận ra “chuẩn mực cá nhân” của riêng mình. Ấp ủ ý tưởng từ những năm 1997, cuối cùng cuốn sách về chạy bộ được Haruki Murakami hoàn thành vào mùa thu năm 2006, đơn giản với mục đích “làm sáng tỏ kiểu đời sống […] đã trải qua, cả như một tiểu thuyết gia và một người bình thường, trong hơn hai mươi lăm năm qua”. Hơn thế, Tôi nói gì khi nói về chạy bộ còn làm sáng tỏ một thế giới nội tâm, có lẽ là lần đầu tiên được chia sẻ chân thực đến vậy, thế giới nội tâm của Haruki Murakami, nhà văn kiêm… người chạy bộ!.

Thông tin sách

- Tựa gốc: Hashiru Koto Ni Tsuite Kataru Toki Ni Boku No Kataru Koto
- Dịch giả: Thiên Nga
- NXB Hội Nhà văn & Nhã Nam, 2011
- Giá bìa: 45.000 đồng

Theo Thông cáo báo chí của Nhã Nam

1 comment:

  1. Đang đọc vài trang đầu của quyển này, cực ổn với mình.

    ReplyDelete