16.3.11

Cao Tự Thanh, dịch giả “tự cao"


Những gì tôi biết về ông trước khi gặp mặt rất ít ỏi, nổi bật nhất chỉ là cái tên Cao Tự Thanh - "Thanh tự cao" và đôi lần thấy ông đi dự hội thảo khoa học nào đó, từ xa nhiều người chỉ trỏ bảo "Thanh tự cao" đó.

Quan sát thấy ông cứ nghênh ngang thế nào, nghĩ bụng chắc ông này khó gần và tự cao quá nên người ta mới đặt lời như thế. Vậy nhưng khi gặp, rồi nói chuyện với ông hơn hai giờ đồng hồ thì thấy mình suy diễn không chính xác cho lắm…

Mười năm thuê bảy chỗ ở

Nhà ông nằm trong con hẻm nhỏ ở quận 12, TP HCM. Tiếp tôi, ông vẫn cởi trần theo thói quen như nhiều người biết. Mới nhìn bề ngoài của ông, tôi hơi ái ngại với thân hình khá gầy, hai má hóp lại, mái tóc bạc trắng, hai hàm răng trắng không đều, hàm trên răng giả nên trắng bóng, còn hàm dưới răng thật thì xỉn vàng vì khói thuốc ám lâu năm. Ông bảo, mỗi ngày ông hút tới hai gói thuốc.

Ngôi nhà rộng rãi, sạch sẽ, ngăn nắp và nhìn quanh chỉ toàn sách, được xếp trên giá rất gọn ghẽ. Phượng, bạn tôi, là thư ký của ông, nói với tôi, đây là nhà ông thuê, vừa để ở, vừa để có chỗ làm việc. Mỗi khi ông bị đòi nhà, là cả ông và Phượng lại xấc bấc xang bang kiếm nhà mới để mướn.

"Nghề của tôi cần ổn định nhưng sống với thị trường thì lúc nào cũng phải có phương án dự phòng, nên chuyện thuê nhà, tôi quyết nhanh lắm. Ở đây tôi còn có chú Bình "tổng quản", cô Phượng thư ký. Nói trả nhà là cô Phượng lo mua thùng dọn sách, chú Bình lo tìm nhà thuê xe, xong là đi thôi", ông vừa cười, vừa bộc bạch. Cũng theo lời ông thì từ năm 1999, ông đã chuyển qua sáu, bảy chỗ ở từ Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình và giờ thì lùi ra tít quận 12.

Hỏi ông tại sao không lo một chỗ ở cho ổn định, ông trầm giọng: "Tôi không có tích lũy thì muốn mua nhà phải vay mượn, nhưng như thế phải mất ít nhất hai ba năm cày cuốc trả nợ. Mà tôi già rồi, lại không con cái, để hai ba năm ấy đọc sách, uống rượu lại không nhàn nhã hơn à? Ăn thua là đừng để đám ma của mình thiếu kinh phí làm khó bạn bè, thế thôi".

Ông cũng nói thêm: "Thật ra, tôi cũng cần ở rộng, vì phải có chỗ để giá sách, đặt máy tính mới làm việc được, mà nếu chẳng may có khách nước ngoài ghé chơi, họ nhìn tới nhà cửa thấy mình cũng còn giống… con người".

Nhắc lại chuyện xưa, vì tôi vẫn thắc mắc về quyết định bỏ học giữa chừng của ông năm 1975. Hỏi ông có hối hận vì quyết định đó không, ông đáp: "Không bao giờ, mà với nghề nghiệp về sau của tôi có khi đó còn là cái duyên. Tôi quyết định về Nam do sự xốc nổi nhất thời, nhưng khi về Nam, tôi lại được tiếp xúc với nhiều sách vở báo chí. Ví dụ như sách về hoạt động đối ngoại của chính quyền Sài Gòn trước giải phóng, trong đó có Ủy ban sông Mê Kông chẳng hạn. Hay những sách mà miền Bắc chưa dịch như Đạo đức kinh, Nam Hoa kinh cùng một số tác phẩm thơ văn tiền chiến. Chính nhờ đọc những sách vở báo chí ấy mà tôi hiểu biết nhiều hơn. Còn bạn hỏi vì sao tôi làm dịch giả à? Đơn giản là vì… tôi đói. Đói thì đầu gối phải bò. Hồi năm 90, tôi nghỉ việc Nhà nước, vất vả mấy năm, khó khăn nên phải tìm cách kiếm tiền. Và dịch, dịch miết, giờ thành dịch giả chuyên nghiệp".

"Tôi biết tôi rất quan trọng…"

Ông có kiểu nói chuyện cực kỳ cuốn hút, hài hước mà thẳng thắn với ánh mắt nhìn người đối diện rất sắc, với những lần lên giọng, xuống giọng và cả những cái đập bàn theo nội dung câu chuyện. Thế nên cuộc nói chuyện với ông lúc nào cũng giống như một cuộc diễn thuyết đầy ấn tượng.

Tôi hỏi ông, phải chăng cái tên "Thanh tự cao" xuất phát từ tính cách của ông? Ông cười nhẹ: "Tôi chẳng tự cao gì, tôi biết tôi rất quan trọng nhưng chỉ là đối với tôi, còn đối với thiên hạ, tôi có quan trọng hay không còn phụ thuộc vào hai điều: một là có thể làm lợi cho họ tới mức nào; hai là, có thể làm hại họ tới mức nào. Nói thế cho nó sòng phẳng. Chứ tôi có giỏi thì bất quá cũng chỉ đọc sách kiếm cơm, đáng cái gì mà lên mặt. Có điều là, tôi chỉ nói cái gì tôi biết, nhưng có vài người cứ lên mặt nói những cái họ không biết, đôi khi ngứa mồm, tôi cũng bình phẩm vài câu nên họ ghét, bảo tôi tự cao thôi".

Uống một hớp rượu, ông trầm ngâm: "Người ta nên có khí cốt kiêu ngạo chứ đừng nên có thái độ kiêu ngạo. Người có tài luôn kiêu ngạo, nhưng cái đó khác với khoác lác. Người thật sự giỏi luôn biết mình giỏi tới mức nào, với lại người giỏi luôn thừa nhận cái giỏi của người khác, chỉ những kẻ chưa giỏi đủ mức cần thiết mới không chấp nhận được chuyện người khác cũng giỏi thôi".

Khẳng định như thế nhưng ông cũng tự nhận rằng mình còn may mắn: "Nhiều người ở cái tuổi như tôi, tàn tật như tôi không được học hành đầy đủ, tôi được thế này là may lắm rồi. Còn tôi có giỏi cũng là chuyện bình thường, người ta phải làm để sống, mà muốn làm thì phải học, nếu may mà giỏi thì dễ sống hơn một chút, thế thôi".

Hàng ngày dù làm gì, ăn chơi gì, dù sớm dù trễ, ông cũng luôn dành ít nhất 10 tiếng đồng hồ để làm việc. Và theo ông thì bất cứ sách gì không thuộc mảng khoa học kỹ thuật ông dịch tối thiểu cũng được 4 trang bản gốc/giờ, có khi nhanh hơn thì 6 - 8 trang/giờ. Ông nói dịch như thế mới kiếm ăn được để còn nghiên cứu.

Bao nhiêu năm viết, dịch rất nhiều quyển sách và được đánh giá là một trong những dịch giả tiếng Hán - Hoa uy tín nhất hiện nay, ông bao sân khá nhiều mảng: sách lịch sử, triết học, y học, văn học cổ, truyện võ hiệp, truyện thiếu nhi…

Đến nay ông đã có khoảng 60 quyển sách dịch như Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh (trọn bộ), Quan trường hiện hình ký của Lý Bảo Gia, Thẩm Thăng Y truyền kỳ hệ liệt của Hoàng Ưng, Anh hùng xạ điêu, Lộc Đỉnh ký của Kim Dung, Đại Đường du hiệp ký của Lương Vũ Sinh, Huyết anh vũ, Lưu tinh hồ điệp kiếm của Cổ Long, Lịch sử lưu manh, Lịch sử ăn mày, Lịch sử cờ bạc, Lịch sử kỹ nữ, Ẩn sĩ Trung Hoa, Tăng nhân Trung Quốc thời cổ, Đạo sĩ Trung Quốc thời cổ… của nhiều tác giả khác.

Về sách nghiên cứu, ông cũng có gần 20 công trình như Nho giáo ở Gia Định, Văn học Hán Nôm ở Gia Định, Văn học Đàng Trong, Đại Nam Liệt truyện Tiền biên, Quốc triều Hương khoa lục, Giai thoại thơ Đường, Thơ văn Nguyễn Thông, Thơ Trần Thiện Chánh…, hay tham gia chủ biên bộ "Một trăm câu hỏi đáp về Gia Định - Sài Gòn - Thành phố HCM

Dịch và viết nhiều như thế nhưng ông chẳng tích lũy được gì về vật chất. "Tôi chỉ làm được đủ ăn chứ không đủ sống vì muốn đủ sống phải có tích lũy. Có hai lý do chính. Một là, thị trường sách vở nói chung ở Việt Nam hiện nay chưa phải là thị trường thật sự, thị trường sách dịch lại càng bát nháo, ngay trong những người dịch đáng mặt gọi là chuyên nghiệp cũng chưa chắc đã có được bao nhiêu người sống nổi với nghề dịch. Hai là, có lẽ vì tôi chi tiêu cũng khác người ta. Có tiền thì tôi chi tiêu rộng hơn một chút, sao chụp tư liệu nhiều hơn một chút. Tôi không làm Nhà nước nên muốn có tư liệu thì phải bỏ tiền túi ra. Ví dụ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cán bộ ở viện cần thì có thể mượn sách về nhà, chứ tôi muốn có sách ở đó thì phải chụp, 2.000 đồng/trang cũng không ít tiền đâu. Mà phải có đầu tư nhất định về tư liệu thì tôi mới đứng vững được trong nghề nghiệp của mình…", ông lý giải.

"Nếu tôi dịch sai dịch gian dịch bậy, độc giả mới được chửi"

Hiện nay mỗi quyển sách in ra ông được trả nhuận bút khoảng 12 - 15% giá bìa trên số lượng in (dĩ nhiên phải đóng thuế), nhưng số lượng thực tế in ra và tái bản thì những người dịch như ông không bao giờ biết được chính xác. Nhưng ít khi ông mặc cả, trả giá với các nhà xuất bản và nhất là các công ty sách tư nhân.

Ông kể có lần một nhà xuất bản đưa tới hơn 4.000 trang nhờ dịch, ông xem qua rồi nói giá, nghe xong họ bỏ sách chạy lấy người luôn, mà đó chỉ là giá phổ biến hiện hành. "Tôi thường không mặc cả, kẹt thì bán chữ chứ không cò kè với các doanh nhân buôn sách, thích sách thì dịch, thấy được thì làm. Nhưng tôi nghĩ tôi có đủ tư cách để ra giá".

Hỏi ông vậy lâu nay độc giả mua sách Cao Tự Thanh dịch vì cái gì? "Trước hết, người ta vì người ta, tôi muốn kiếm cơm thì phải cố dịch cái gì mà người ta thích và cần xem. Còn xem xong chê khen là quyền của họ, tôi làm khoa học nên quen nói chuyện đúng sai, chứ chuyện hay dở thì năm người mười ý, ai mà làm vừa lòng tất cả người thiên hạ được. Về phần mình, tôi chỉ cố dịch thật đúng, đúng thì tự nhiên có chỗ hay, còn nếu tác phẩm không dở, dịch phẩm không sai mà thấy là dở là sai thì còn phải xem lại học vấn độ lượng của độc giả. Ví dụ bài Trầm giang khúc trong Lộc Đỉnh ký là từ khúc, trước đây Hàn Giang Nhạn dịch ra thơ mà còn dịch sai, tôi dịch ra từ khúc theo đúng nguyên bản thì có người lên mạng chê bai chửi bới, lãnh giáo loại người ít học cạn nghĩ mà hay chửi bậy nói càn ấy thì mệt lắm. Nếu tôi dịch sai dịch gian dịch bậy, độc giả mới được chửi chứ", ông thẳng thắn nói.

Quả thật, đúng như lời ông nói và những gì tôi biết được về ông, nhiều người thương mến và nể trọng ông vì cách làm việc rất nghiêm túc, có trách nhiệm với tác phẩm và dịch phẩm của mình cũng như cách xử sự tôn trọng người khác và tự trọng thân phận của ông. Nhưng có lẽ quan niệm người có tài luôn kiêu ngạo của ông đã khiến nhiều người gán cho ông cái tên "Thanh tự cao" chăng?

---

Dịch giả Cao Tự Thanh (tên thật là Cao Văn Dũng) sinh năm 1955, tốt nghiệp ngành Hán Nôm khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1977. Hiện ông đang dịch hai bộ Đại Nam Thực lục cuối cùng của triều Nguyễn, tức Thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên viết về hai đời Thành Thái - Duy Tân và Thực lục chính biên đệ thất kỷ viết về đời Khải Định. Văn bản gốc của hai bộ này ở Pháp, ông phải nhờ chụp lại gởi về để dịch, vì ở Việt Nam mới dịch tới bộ Thực lục chính biên đệ lục kỷ viết về đời Đồng Khánh. Ông nói nếu hai bộ sách này được in ra thì nhiều người sẽ có thêm cứ liệu mà đổi mới tư duy, đột phá nhận thức về triều Nguyễn nói riêng và lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX nói chung. "Đổi mới đột phá thật sự bằng công trình bài viết chứ không phải leo lẻo đổi mới, rêu rao đột phá bằng cái mồm", ông cười nhẹ. Tôi hỏi ông đã liên hệ với nhà xuất bản nào để in hai bộ sách này chưa, ông nói: "Chưa. Nhưng nếu có người cần đọc thì sẽ có nơi thích bán, ai muốn bán thì phải mua, mà hiện nay ai dịch nổi hai bộ sách ấy thì sợ gì không bán được cho các doanh nhân buôn sách!".

Phạm Phú Lữ
(An ninh thế giới cuối tháng)

No comments:

Post a Comment