19.3.11

Phim "Rừng Na Uy"







Vừa xem xong cuốn phim này, vẫn thấy đây thực là một phim hay, đáng xem mặc dù trước đó cũng có nhiều lời phê bình chê nó không đạt khi vừa được trình chiếu tại VN. Tất nhiên là điện ảnh và văn học có những thủ pháp nghệ thuật khác nhau để lôi cuốn người xem, vì vậy không thể đỏi hỏi hơn nữa khi "Rừng Na Uy" của Trần Anh Hùng không phải hoàn toàn là "Rừng Na Uy" của Murakami. Điện ảnh không có được nhiều cách hiểu đa chiều, cách tiếp nhận cá nhân của người đọc như đối với một tác phẩm văn học. Sự tưởng tượng của người xem điện ảnh đâu thể bằng sự tưởng tượng, đặt mình vào bối cảnh của tác phẩm văn học. Ví dụ như ở phần kết, nụ cười của Midori trong phim giúp người xem dễ dàng hình dung được ý đồ của đạo diễn khi đóng lại bộ phim này, trong khi trong truyện thì nụ cười ấy chỉ có thể có trong tưởng tượng của người đọc, hoặc là cũng có thể không có và cái kết ấy thì không được xác định rõ...

KENICHI MATSUYAMA - trong vai Watanabe Toru: Nam diễn viên trẻ tuổi sinh năm 1985, tại Aomori, Nhật Bản. Anh được biết đến qua các vai diễn "khác thường", cá tính đặc biệt. Tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ nhưng Matsuyama đã giành được nhiều giải thưởng danh giá: giải thưởng Nam diễn viên mới xuất sắc nhất của Viện Hàn lâm Nhật Bản (2005), Giải thưởng Hochi Film và Yokohama của liên hoan phim trong nước, đặc biệt là giải thưởng nam diễn viên xuất sắc tại liên hoan phim Châu Á năm 2009 trong bộ phim Detroit Metal City.Vào vai chàng trai Watanabe với đời sống nội tâm phức tạp, nhiều mâu thuẫn giằng xé là một trải nghiệm vai diễn mới của diễn viên trẻ Matsuyama. Trong bài trả lời phỏng vấn, Matsuyama chia sẻ: “Đây là vai diễn có sức nặng rất lớn bởi Watanabe bị kéo theo hai hướng ngược nhau: giữa sự sống và cái chết, giữa quá khứ và tương lai. Để nhập được vào vai diễn này, trong những cảnh quay của tôi và nhân vật Naoko, tôi cảm thấy rõ nét nỗi khổ đau, trong những cảnh quay với Midori, tôi có thể cảm thấy trái tim Watanabe được thổi đầy niềm vui với cô ấy. Sự chia sẻ của đạo diễn cũng đã giúp tôi hoàn thành tốt vai diễn của mình”.

RINKO KIKUCHI - trong vai Naoko: Sinh năm 1981 tại Kanagawa, Kikuchi tham gia vai diễn đầu tiên trong phim Will to live (1999). Năm 2006, trong vai nữ sinh trung học khiếm thính trong bộ phim Babel, của đạo diễn Alejandro González Iñárritu, cô đã được đề cử vào giải thưởng Oscar lần thứ 79 cho hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Cô cũng giành được đề cử cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Quả cầu vàng và là Người phụ nữ của năm 2006. Nhân vật Naoko trong bộ phim Rừng Na Uy là một vai diễn khó, đầy thử thách với Kikuchi. Naoko yêu Kizuki tận đáy lòng mà không thể đón nhận người tình. Với Watanabe, cô mong mỏi Watanabe có thể là điểm tựa để níu giữ cô ở lại với cuộc đời mà thất bại. Nhân vật này đi qua nhiều trường cảm xúc đan xen: yêu mãnh liệt trong vô vọng, khấp khởi hy vọng và tuyệt vọng. “Tôi tự cảm thấy phải làm tròn vai diễn này. Tôi đã nhập vai hết sức có thể, tạo ra những cảm xúc vô cùng mạnh mẽ sâu trong trái tim. Sự mất mát mà Naoko phải chịu đựng quá lớn như đã tràn sang cả cho tôi. Lần đầu tiên, tôi đã dành nhiều thời gian cho vai diễn cảm xúc này như thế”.

KIKO MIZUHARA - trong vai Midori: Sinh năm 1990 tại Texas, Hoa Kỳ, và lớn lên tại Kobe - Nhật Bản, Mizuhara gia nhập làng giải trí khi mới 13 tuổi làm người mẫu chụp hình cho tạp chí “Seventeen”. Từng nhận vương miện Miss Seventeen năm 2003 và xuất hiện thường xuyên trên sàn diễn thời trang Tokyo Girls Collection, thu hút hơn 30.000 người hâm mộ, nhưng vai diễn Midori trong phim Rừng Na Uy là vai diễn đầu tiên của cô. Sự lựa chọn Mizuhara cho vai diễn Midori sống động, cá tính, đạo diễn Trần Anh Hùng nhận xét: “Những gì mà mọi người cảm nhận khi gặp cô ấy là một cảm giác ấm áp tuyệt vời - đây là điểm quan trọng làm nên sức sống của nhân vật Midori. Chính vì thế tôi đã chọn cô ấy”.

1 comment:

  1. Rất tiếc đến giờ vẫn chưa xem bộ phim. Thật chẳng hiểu nỗi mình tại sao lại để việc này xảy ra. Vốn dĩ đã chờ đợi nó từ lúc bắt đầu khởi quay.

    ReplyDelete