21.10.09

Bộ sách Nhóc Nicolas


Bộ sách Nhóc Nicolas của Goscinny/Sempé (NXB Hội nhà văn và Nhã Nam ấn hành)

1. Nhóc Nicolas: Những chuyện chưa kể 1 (436 trang, năm 2007, giá 60.000 đồng)
2. Nhóc Nicolas: Những chuyện chưa kể 2 (316 trang, năm 2008, giá 50.000 đồng)
3. Nhóc Nicolas: Những chuyện chưa kể 3 (452 trang, năm 2009, giá 72.000 đồng)
4. Nhóc Nicolas (184 trang, năm 2009, giá 60.000 đồng)
5. Nhóc Nicolas và các bạn (164 trang, năm 2009, giá 27.000 đồng)
6. Những kỳ nghỉ của nhóc Nicolas (192 trang, năm 2009, giá 32.000 đồng)

Các cuốn chưa in:

7. Những giờ giải lao của nhóc Nicolas
8. Nhóc Nicolas và những phiền muộn

Vòng xoáy chết


Phần tiếp theo của Ring, siêu phẩm đã đưa tên tuổi Suzuki Koji vượt ra khỏi ranh giới Nhật Bản để đứng vào hàng ngũ những nhà văn viết truyện kinh dị bậc thầy thế giới - lại một lần nữa khiến cho độc giả phải rùng mình trước những tình tiết gây bất ngờ khiếp đảm, đồng thời mang đến một nỗi ám ảnh dài lâu.

Nếu như ở Ring (được xuất bản tại Việt Nam năm 2007 với tựa Ring - vòng tròn ác nghiệt), người đọc bị hút theo một cuộc truy tìm hãi hùng và cuộc chạy đua căng thẳng với thời gian để nhằm cứu vớt sự sống của tay phóng viên Kazuyuki Asakawa cùng vợ và con gái anh ta sau khi cả ba xem phải cuốn băng ẩn chứa thông điệp chết người được tạo bằng ý chí siêu nhiên chứa đầy hận thù của cô gái Sadako Yamamura bị hãm hiếp và đẩy xuống một cái giếng hoang hơn hai mươi lăm năm trước; thì ở Vòng xoáy chết, câu chuyện lại tiếp diễn theo một lối kể chuyện dẫn dụ lạnh lùng, chậm rãi đi từ những tra vấn này đến những tra vấn khác cùng với các lời giải đáp kinh hoàng gây toát mồ hôi lạnh.

Có một sự tương đồng giữa hai phần của câu chuyện về virus Ring là nhân vật chính của chúng đều là những người chồng, người cha đang chìm trong nỗi lo lắng tột độ về gia đình mình và đồng hành trong cuộc khám phá kinh hãi với họ là những người bạn thân thiết. Asakawa của Ring đứng trước mối lo ngại về sự tuyệt vong của vợ con đã cùng người bạn thời trung học Ryuji Takayama dấn thân vào hành trình né tránh cái chết; còn bác sĩ giải phẫu Mitsuo Ando của Vòng xoáy chết thì đang chìm đắm trong nỗi đớn đau, tuyệt vọng vì cái chết của đứa con trai Takanori yêu quý và mong ước hàn gắn với vợ, bất ngờ nhận được tín hiệu lạ lùng từ Ryuji - người bạn thời đại học, người mà Ando phải mổ tử thi để rồi sau đó cùng với đồng nghiệp Miyashita dấn bước vào các cuộc giải mã khó ngờ để truy tìm sự thật.

Vòng xoáy chết, một lần nữa Suzuki Koji “chứng tỏ khả năng kỳ diệu trong việc biến cái bình thường trở nên đáng kinh sợ” (Rue Morgue). Đồng thời bằng những sự kết hợp mang đầy tính khoa học như về cấu trúc di truyền, về sự phối hợp giữa ADN người và virus bệnh đậu mùa để tạo nên virus gây chết người Ring, cũng như những am hiểu về bệnh lý học..., Koji đã làm cho câu chuyện kinh dị của ông trở nên cực kỳ thuyết phục và sống động. Đặt trong bối cảnh của cuộc sống hằng ngày, các nhân vật của Koji đều được miêu tả như là những con người rất đỗi gần gũi mà ta có thể đối diện ở ngay bên. Và chính từ đó, Vòng xoáy chết của Koji trở thành một câu chuyện gần với người đọc hơn bao giờ hết, để nỗi sợ hãi mà tác phẩm gây ra như là một sự trở lại của những ám ảnh sâu xa mang bản tính người.

Vòng xoáy chết của Suzuki Koji, Võ Hồng Long dịch, NXB Văn học và Nhã Nam đồng ấn hành.

Suzuki Koji sinh năm 1957 tại thành phố Hamamatsu, tỉnh Shizuoka (Nhật Bản). Ông tốt nghiệp trường Đại học Keio chuyên ngành Văn học Pháp. Suzuki Koji bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình với tiểu thuyết đầu tay Rakuen (Thiên đường) vào năm 1990 và giành giải thưởng Japan Fantasy Novel Award. Tiếp sau đó, bộ ba tác phẩm Ring (1991), Spiral (1996) và Loop (1998) đã đưa ông lên đến đỉnh cao của thể loại tiểu thuyết kinh dị Nhật Bản và khoa học giả tưởng. Ngoài ra ông còn có các tác phẩm kinh dị khác như Dark Water, BirthdayEdge City cùng một số tản văn, sách cho thiếu nhi...

Tại Việt Nam, ngoài hai cuốn Ring - vòng tròn ác nghiệt và cuốn Vòng xoáy chết (Spiral), còn có cuốn Vùng nước hắc ám (Dark Water) - tuyển tập truyện ngắn của ông ra mắt đầu năm 2009.

1.9.09

Hai cuốn sách mới của Nothomb



Sau hai cuốn Sững sờ và run rẩyHồi ức kẻ sát nhân, nữ văn sĩ nổi tiếng lập dị người Bỉ Amélie Nothomb tiếp tục đến với độc giả Việt Nam qua cuốn tiểu thuyết đặc sắc khác của cô, Nhật ký Chim Én. Vẫn với lối kể chuyện lạnh lùng nhưng cực kỳ sắc sảo, những đoạn hội thoại tinh tế và đầy chất hài hước, Amélie Nothomb một lần nữa cho thấy tài năng và sự nhạy bén của cô trước một xã hội nghẹt thở, bất an. Đó là một xã hội chất chứa nhiều hiểm họa như những khối thuốc nổ hẹn giờ bởi các chiều kích ứng xử phi lý của những con người rỗng không, thiếu hụt cảm giác.

Câu chuyện được kể bởi một gã chạy việc vặt rơi vào tình trạng bị "cắt bỏ mọi cảm xúc" sau một cú sốc ái tình. Bắt đầu cuộc sống mới sau khi bị đuổi việc bằng một cái tên giả - Urbain, gã ta tìm tới những khoái cảm lệch lạc bằng việc trở thành một tay giết thuê máu lạnh. Bất kể là ai, từ trẻ con đến người lớn, từ đàn ông cho đến đàn bà; hay bất kể nghề nghiệp từ một tay trùm tư bản, tay nhà báo, công chứng viên cho đến người nữ tu dòng Carmel... gã đều thẳng tay với một niềm hưng phấn lạ kỳ. Để rồi đến một ngày, sau ánh mắt mạnh mẽ trước cái chết cùng cuốn nhật ký bí hiểm để lại của một cô gái vừa tròn mười tám tuổi mà gã gọi tên là Chim Én - nạn nhân cuối cùng của gã đã khiến cho những giác quan từ lâu bị chôn vùi bất ngờ vụt dậy. Để từ đó mùi hương cây đoạn tràn ngập tâm hồn gã, vẻ rực rỡ của những bông mẫu đơn khiến mắt gã được mở lớn, gió tháng Năm vuốt ve làm da thịt gã rộn ràng, tiếng chim hót làm trái tim gã xao xuyến...

Với Nhật ký Chim Én, nhà văn vừa mừng sinh nhật lần thứ 42 (ngày 13.8) Amélie Nothomb, người chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi nền văn hóa Nhật Bản, nơi cô chào đời, tiếp tục sự nghiệp văn chương đầy thành công của mình với những vấn đề về bản chất và sự tồn tại của con người trong mối quan hệ xã hội hiện đại, nơi chứa dựng những sự kiện khó ngờ tựa như những cái chết phi lý gây ra bởi một cơn đột quỵ. Con người hiện đại chìm trong một thế giới mà những mối dây liên kết giữa người với người dần bị nới lỏng, thay vào đó là những tương tác trong không gian ảo nơi con người bị tước bỏ tất cả những “cảm giác người” để tìm tới những hành trình giết chóc tựa như trong các trò chơi. Amélie Nothomb thông qua việc đặt con người trong những khía cạnh tàn bạo nhất, đã lại thành công trong việc hướng độc giả tới "cái nhìn hết sức độc đáo về xã hội thời nay" (evene.fr).

Cùng phát hành với cuốn Nhật ký Chim Én là cuốn Axit Sunfuric cũng của Amélie Nothomb. Được đánh giá là một tác phẩm tuyệt vời "vì nó khiến độc giả phải dừng lại và ngẫm xem ngày nay, trong quan hệ giữa người với người, liệu người này còn thực sự đóng vai trò quan trọng với người khác và liệu chúng ta có thể giúp một người xấu trở nên tốt đẹp hay không” (e-litterature.net), Axit Sunfuric kể về một chương trình truyền hình thực tế mới có tên Trại tập trung, ở đó, khán giả của sẽ được xem cảnh tra tấn các nạn nhân đầy cam chịu. Chỉ có một nạn nhân chống cự và thái độ ấy đưa cô cùng các bạn đồng hành cũng như khán giả đi từ cú sốc này đến cú sốc khác…

Con gái của đại sứ và nhà văn Bỉ Patrick Nothomb, Amélie Nothomb sinh tại thành phố Kobe của Nhật, ngày 13.8.1967. Cô chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Nhật. Rời Nhật, Amélie tiếp tục theo cha qua Trung Quốc, Mỹ rồi các nước Đông Nam Á. Năm 17 tuổi, Amélie trở về Bỉ và bắt đầu khám phá nền văn hóa, lối sống phương Tây. Năm 1992, đã có trong tay khoảng 20 bản thảo, Amélie Nothomb quyết định gầy dựng tên tuổi và xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình, Hygiène de l'assassin (Hồi ức kẻ sát nhân). Cuốn tiểu thuyết này đánh dấu thành công đầu tiên của cô. Từ đó đến nay, đều đặn mỗi năm cô xuất bản một cuốn.

Sững sờ và run rẩy (1999) đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp của nữ nhà văn trẻ. Cuốn sách đã bán được 500.000 bản, thành công lớn nhất cho đến nay của tác giả, ngoài ra, nó còn nhận Giải thưởng Lớn của Viện Hàn lâm Pháp cho thể loại tiểu thuyết và được chuyển thể thành phim (2003).

"Phương pháp luận" của Descarters


Nguyên tác "Discours de la méthode" của René Descarters. Bản Việt ngữ do Trần Thái Đỉnh phiên dịch, nhập đề và chú giải. Nam Chi Tùng Thư xuất bản lần thứ nhất năm 1973.

28.8.09

Thăm dò tiềm thức


Thăm dò tiềm thức của Carl Gustav Jung, Vũ Đình Lưu dịch, Hoàng Đông Phương xuất bản tại Sài Gòn năm 1967.

Lời người dịch:

Carl Gustav Jung là nhà tâm phân học Thụy Sĩ có uy tín không kém gì Freud và được thế giới cho là người có công khoáng triển học thuyết của ông thầy.

Cuốn Thăm Dò Tiềm Thức (Essai d'exploration de l'inconscient) được Jung viết ra vài tháng trước khi ông từ trần. Trong cuốn sách nhỏ ấy nhà bác học tóm tắt tất cả học thuyết của ông, nó có giá trị một tờ chức thư để lại cho hậu thế.

Jung đã bỏ hẳn ngôn từ và lý luận chuyên môn, ông dùng một thể văn bình dị dễ hiểu để trình bày một học thuyết hết sức khúc mắc, bấy nay chỉ có một số chuyên gia hiểu được mà thôi. Với sự trình bày sáng sủa và giản dị của ông, đại chúng có thể biết được những nét đại cương về tâm phân học; và cũng nhờ sự hiểu biết ấy người thường sẽ có một ý niệm về bản chất thâm sâu của mình, họ có thể tự xét lại thái độ tâm tình, khả năng lý trí để nhận định lấy một đường lối phát triển nội tâm thích hợp, phong phú và có quân bình.

Tiểu sử tác giả

C. Gustav Jung đã viết rằng đời ông rất ít việc xảy ra cho cuộc sống bên ngoài. Ông thấy mình không thể nói gì về những chuyện ấy vì ông thấy chúng nghèo nàn tình tiết. Ông nói rằng ông chỉ tự hiểu ông nhờ những biến cố nội tâm đem lại cho ông chút ánh sáng. Theo ông thì đó chính là vẻ riêng biệt của đời sống ông. Những biến cố nội tâm không thuận tiện cho việc chép sử, độc giả muốn biết nên đọc thứ tự truyện của chính Jung đã viết dưới nhan đề Erinnerungen, Traume, Gedanken, đã dịch ra tiếng Anh (Memories, Dreams, Reflections, 1963).

Carl Gustav Jung sinh ngày 26 tháng 7-1875 tại Kesswil, tổng Thurgovie nước Thụy Sĩ. Tuy nhiên ông cho rằng mình không hẳn là người Thụy Sĩ vì gia đình ông mới nhập quốc tịch ấy được độ 100 năm mà thôi. Dư luận cho rằng ông là giòng giõi Goethe, nhưng trong thiên ký ức của ông, ông có thái độ ngờ vực đối với lời đồn đại ấy và ông cũng thấy hay hay. Đã từ mấy thế kỷ rồi tổ tiên của ông trong giới trí thức có tư tưởng rộng rãi phóng khoáng. Còn thân phụ ông là một nhà truyền giáo, bởi vậy đã có ảnh hưởng tinh thần đến tác phẩm của ông.

Là công dân thành phố Bâle, ông học y khoa ở đấy và chuyên về các bịnh thần kinh. Ông sang tu nghiệp ở ngoại quốc, có qua Ba-Lê, ở đây ông là học trò của Pierre Janet. Năm 1900, ông làm giảng sư ở trường đại học Zurich. Ông cùng với thầy học là Giáo Sư Bleuler huấn luyện cho các sinh viên thực tập. Như vậy, mặt tương lai rực rỡ đang chào đón ông trong ngành dạy học. Nhưng ông không theo con đường ấy, để dành hết thì giờ cho khách hàng và những công cuộc khảo sát tâm lý học, thần thoại học và ngôn ngữ học. Sau này ông lại nhận một vài hoạt động giảng sư, người ta dành cho ông nhiều chỗ ở trường Bách Khoa Zurich, phân khoa Y Khoa Bâle. Trong cuộc Đệ Nhị Thế Chiến ông giảng về tâm lý y khoa của phân khoa đó. Năm 1948 ông sáng lập viện C. Jung ở Zurich chuyên về phân tâm học theo phương pháp của ông. Một viện khác tương tự được thiết lập ở Los Angeles, Hiệp Chúng Quốc.

Trong những năm 1904-1905, ông thiết lập tại Zurich một phòng thí nghiệp tâm lý bệnh lý thực nghiệm. Tại đây ông thực hiện những cuộc khảo sát về phương pháp hội ý và hiện tượng tâm lý điện kích (psychogalvanique). Những cuộc khảo sát ấy làm ông nổi danh hoàn cầu. Trong thời gian ấy ông có thiện cảm với học thuyết của Freud, ông chỉ để ý đến những công việc khảo cứu của Freud về bệnh thác loạn thần kinh và giấc mơ. Hai người chơi thân với nhau đến nỗi Freud muốn chọn ông làm người kế nghiệp. Nhưng Jung ngờ vực thuyết của Freud về dục tình, về môn cận tâm lý học (parapsychologie) và khoa thần thoại học so sánh (mythologie comparée) cho nên hai người chia rẽ nhau.

Từ đầu thế kỷ, Jung xuất bản thêm nhiều sách, độ 30 tác phẩm và hơn trăm thiên bình luận, đề, tựa v.v... Trước khi viết một phần lớn những tác phẩm có dùng phương pháp so sánh ông đã sang Bắc Phi Châu, các nước Ả rập (1920), xứ Da Đỏ Pueblos, xứ Kenya và Uganda (1925), nước Ấn Độ (1938), nhờ vậy ông hiểu nhiều về tâm trạng người Cổ sơ và các nền văn minh khác với văn minh Âu Châu.

Ông có gia đình và sinh được 5 người con. Về già ông lui về Bollingen vùng cao nguyên hồ Zurich. Ông dựng lên một căn nhà nhỏ gọi là cái "Tháp", ông quan niệm là một cách ghi tạc vào đá quan niệm có tính cách biểu tượng của ông về người và cuộc đời.

Du khách từ khắp nơi trên hoàn cầu đến viếng thăm ông như một nhà hiền triết và ông mệnh chung tại đó tháng sáu năm 1961, hưởng thọ 86 tuổi. Trong tập Ký Ức của ông, ông ghi lại những câu: "Người ta bảo rằng tôi là hiền triết, nhưng tôi không dám nhận... Có khi tôi ngạc nhiên, có khi tôi cụt hứng, có khi tôi tự mãn, có khi tôi thất vọng chán nản, có khi tôi phấn chấn; tôi là tất cả những tâm tình ấy nhưng không thể cộng cả lại với nhau... Tôi không cho cái gì là chắc chắn cả. Lão Tử đã nói: "Ai ai cũng có điều tin chắc, chỉ có mình tôi thấy tối tăm". Lúc trở về già tôi mới thấm thía ý nghĩa câu nói ấy. Con người sinh ra trong một thế giới ác nghiệt và tàn nhẫn nhưng cũng là một thế giới đẹp đẽ thần tiên. Đời sống có ý nghĩa gì chăng hay là vô nghĩa? Cũng như tất cả các vấn đề siêu hình có lẽ cho là vô nghĩa hay có nghĩa đều đúng cả. Nhưng tôi vuốt ve hy vọng rằng cuộc đời có một ý nghĩa, đứng trước hư không người ta phải chấp nhận cuộc đời và người ta phải chiến thắng".

26.8.09

Hai cuốn sách của Henry Miller



- Ác quỉ trên thiên đàng, bản dịch Tâm Nguyễn, Kinh thi xuất bản năm 1971, 236 trang.

- Nụ cười dưới chân thang, bản dịch Lương Dinh, An Tiêm xuất bản năm 1974, 64 trang.

Đường đi trong rừng


Đường đi trong rừng của Bùi Giáng, Lá Hoa Cồn xuất bản tại Sài Gòn năm 1972. Ngẫu hứng về Martin Heidegger, Hoelderlin, Rilke, Đường thi và Nguyễn Du...

21.8.09

Trên tất cả đỉnh cao là lặng im


Lời mở đầu của Phạm Công Thiện

... Một đêm, tôi nằm chiêm bao thấy Goethe hiện về, bảo tôi hãy nhớ lại câu thơ ngắn của ông và gợi ý gián tiếp cho nhan đề tập thơ này:

Ueber allen Gipfeln
Ist Ruh

(Trên Tất Cả Những Đỉnh Cao
Là Bình Yên)

Một ngày xa xưa nào đó trong trí nhớ loài người, Goethe đã viết câu trên nơi khung cửa sổ túp lều gỗ vùng núi cao Kickelhaln ở Ilmenau vào một buổi chiều ngày 6 tháng 9 năm 1780; trên năm chục năm sau, trở về thăm lại chốn cũ, tình cờ Goethe nhìn thấy lại những câu thơ mình đã viết bằng bút chì nơi khung cửa ấy, dù trên nửa thế kỷ đã trôi qua và đã xóa đi tất cả mọi sự. Ngày 4 tháng 9 năm ấy, năm 1831, viết thư cho Zelter sau lần thăm chốn xưa, Goethe đã ghi nhận đôi lời hàm súc:

"sau bao nhiêu năm mình mới trông thấy:
những gì vẫn còn lại và những gì bị xóa mất"

Tôi đã bỏ quên đâu mất rất nhiều bài thơ của mình trên 35 năm lang thang lưu lạc khắp thế giới; tập thơ này chỉ còn lại những gì vẫn còn lại với sự Lặng Im hiu hắt nào đó trên cao...

Pham Công Thiện
Long Beach Califernia
Tháng 7 năm 2000


Trích vài bài thơ trong tập này:

Anh sẽ hiện

Anh sẽ hiện ồ anh sẽ hiện
Cả rừng cây không ai lên tiếng
Bóng tối tràn vũ trụ tan hoang
Tiếng thơ kêu trên đầu con kiến

Kiến lửa ngày xưa đốt mộng mơ
Nằm nghe con ngựa nhảy qua bờ
Em về bên ấy quên đi nhé
Anh chẳng bao giờ biết đến thơ

Một hàng áo trắng phất trong sương
Vũ trụ chiều nay sao quá buồn
Tôi đắp kín mền trong gác lạnh
Nghe mùa xuân dậy ở đông phương

Đông phương xanh lửa dậy tung hoành
Đông phương vàng dẫy chết chim oanh
Trời Paris chiều nay nhân loại ngủ
Em đi đi và nhớ quên anh

Đời anh buồn trần gian đi chợ
Mặt anh buồn như chim không thở
Cả sông này cả đời này nứt vỡ thành thơ
Rừng thơ hiện Đông phương im tiếng

Anh về rồi mây mọc bên hiên
Ồ em ơi trời đất chìm rồi
Đông phương lặng bướm ngày tan biến.

Mộng

Mộng ở đầu cây mơ lá cây
Giòng sông ngừng chảy đợi mây bay
Kêu nhau nhỏ nhẹ sầu năm ấy
Chim hải hồ bay trắng tháng ngày

Tình nhỏ quên rồi em ở đâu
Mây bỏ trời đi tìm sông sâu
Em về lồng lộng như sương trắng
Hồn chết trôi về thương hải châu

12.8.09

Chúng tôi ăn rừng



- Cuốn bút ký Chúng tôi ăn rừng của Georges Condominas, NXB Thế Giới, quý IV.2008.

- Cuốn "Chúng tôi ăn rừng..." Georges Condominas ở Việt Nam, NXB Thế Giới, quý IV.2007. Cuốn này được xuất bản nhân trưng bày "Chúng tôi ăn rừng..." Georges Condominas ở Sar Luk từ ngày 11.12.2007 đến 16.3.2008 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Người Mnông Gar, cũng như phần lớn những người miền núi Tiền - Đông Dương, "ăn rừng", theo cách nói của họ, nghĩa là họ canh tác bằng cách đốt rẫy. Georges Condominas đã đến với dân làng Sar Luk ở Tây Nguyên chia sẻ cuộc sống cùng họ trong suốt một năm tương đương ứng với một chu kỳ nông nghiệp trọn vẹn và đã mô tả lại trải nghiệm đó của ông trong cuốn sách này. Từ cuộc hiến tế trâu trong đám tang của Taang-Jieng-Còng, đám cưới của Jaang, vụ tự tử của anh chàng Tieng đẹp trai, đến Lễ Đất lớn, ta cùng sống với ông cho đến khi kết thúc năm Đá-Thần Gôo...

Khi cuốn sách này ra đời, nhà dân tộc học nổi tiếng Claude-Lévi Strauss đã nồng nhiệt chào mừng: "Chúng tôi ăn rừng đã đánh dấu sự đăng quang trong nền văn học dân tộc học của một thể loại hoàn toàn mới, nổi bật vì sự gắn bó và hiện thực bản địa, sâu sắc hơn tất cả những gì đã từng có trước nay".

Đặc biệt, ngoài tác phẩm bút ký hấp dẫn này, những tư liệu của tác giả trong thời gian sống ở làng Sar Luk gồm sổ ghi chép, ký họa, từ vựng, ảnh chụp và hơn 500 hiện vật về sinh hoạt thường ngày của đồng bào Mnông Gar đã được lưu giữ ở Bảo tàng Quai Branly (Paris). Cuối năm 2007, những tư liệu quý giá đó đã quay trở lại Việt Nam trong cuộc trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội), để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem và thôi thúc nhiều người tìm đọc lại tác phẩm nổi tiếng Chúng tôi ăn rừng. Sách đã được dịch ra tiếng Việt, Ý, Nga, Đức, Anh, Nhật, Hung và tái bản nhiều lần tiếng Pháp.

Georges Condominas sinh năm 1921 tại Hải Phòng, tiến sĩ văn học và khoa học nhân văn. Giám đốc Trung tâm tư liệu và nghiên cứu Đông Nam Á và khu vực Nam Đảo, Chủ tịch Ban Nhân học, Dân tộc học, Tiền sử học của Ủy ban quốc gia nghiên cứu khoa học - Phó Chủ tịch của Liên hiệp quốc tế các khoa học Nhân học và dân tộc học. Giáo sư thỉnh giảng tại một số trường ĐH ở Mỹ, Úc, Nhật Bản...

Đề tài nghiên cứu chính: dân tộc học và từ vựng học những nhóm Nam Á thuộc Tây Đông Dương, đặc biệt người Mnông Gar ở Trung Bộ, Xã hội học về tôn giáo dân gian Lào, Dân tộc học về Madagascar. Tác phẩm: Chúng tôi ăn rừng Đá - Thần Gôo (1957); Fokon'olona và những tập thể nông thôn ở Imerina (1960); Cái lạ là cái hàng ngày (1965); Không gian xã hội (1980); Đạo Phật ở làng (1998)...

11.8.09

Nam tước trên cây


Nam tước trên cây, một cuốn tiểu thuyết khác lạ trong văn chương đương đại, vuột ra khỏi mọi định nghĩa chính xác như chính tác giả của nó - nhà văn Ý Italo Calvino tự nhìn nhận, được viết những năm 1956-1957 khi ông 33 tuổi.

Lấy bối cảnh thời kỳ Khai sáng châu Âu cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX tại một xứ sở tưởng tượng có tên Bóng râm, ở đâu đó của vùng Liguria bờ biển miền tây bắc nước Ý trong ký ức thời niên thiếu của tác giả, cuốn truyện viết về cuộc đời ly kỳ của Nam tước Cosimo MưaGiông xứ Rondo khi lên 12 tuổi, phản kháng lại những đề nén của những lề thói gia đình mà đỉnh điểm là món ốc sên trên bàn ăn nhà mình, đã thoắt một cái trèo lên cây để từ đó ở lỳ cho đến hết cuộc đời, mặc cho bao phương cách đưa chàng xuống đất của cha mẹ, người thân và trước những biến động bão táp chấn động bởi cuộc Cách mạng Pháp năm 1789...

Câu chuyện được kể qua lời của Biagio - cậu em của Cosimo trong nỗi niềm tiếc nuối và khâm phục người anh trai của mình, đã dẫn dắt người đọc vượt qua bao nhiêu là cành nhánh, từ những cây ôliu khúc khuỷu, cây sồi xanh vạm vỡ để đến những cây đào với các cành lá mềm mại, rồi là những cây sung, cây mộc lan, cây minh quyết... Cứ thế, cuộc đời hơn 53 năm sống trên cây của Cosimo dần dần được tái hiện với những sự kiện lạ lùng như đối mặt với cướp biển Thổ Nhĩ Kỳ, làm bạn với tên cướp khét tiếng Gian ChùmThạchThảo, chiến đấu cho lý tưởng dân chủ, gia nhập hội Tam điểm hay đối thoại với Napoléon... và đặc biệt là mối tình say nồng thuở ấu thời với nàng Violante nhà láng giềng.

Với Cosimo, tuy luôn ở trên cây nhưng anh không bao giờ cắt đứt với cuộc sống của mọi người xung quanh. Và chính những khi treo mình dưới các tán lá xanh mướp trong ánh nắng lấp lánh, chàng Nam tước độc đáo này có được một cái nhìn tự do, khoáng đạt, khác với cái nhìn thường thấy của con người, mà đặc biệt là với những tầng lớp quý tộc mà anh từng thuộc về để hướng tấm lòng đến những người dân nghèo khổ bằng các cách thức riêng. Đó cũng là niềm khao khát của con người trong những xã hội bao vây của các bổn phận, qui ước, đúng như lời của Biagio khi nói: "Tôi ganh với Cosimo, kẻ sống những ngày, những đêm của mình, nương náu nơi bưng biền, trong chốn rừng xanh nào ai biết"…

Về tác phẩm này, Italo Calvino viết: "Một cậu bé trèo lên một ngọn cây, đu bám trên cành, chuyền từ cây này sang cây kia, quyết định không xuống nữa. Tác giả quyển truyện không làm gì khác hơn là khai triển hình ảnh giản dị này và đẩy nó đến một hệ quả tối cực: nhân vật sống cả đời trên cây, một cuộc đời không hề đơn điệu, thật vậy: sôi nổi phiêu lưu; không hề ẩn dật, song luôn duy trì một khoảng cách giữa mình và đồng loại: tối thiểu mà không thể vi phạm". Với Nam tước trên cây, nhà văn hậu hiện đại xuất sắc nước Ý thế kỷ XX Calvino tiếp tục trở lại với những chủ đề căn bản của tư tưởng thời Khai sáng trong việc khẳng định sự hiện hữu của cái tôi. Đó là những con người như chàng Nam tước Cosimo sẽ đi đến tận cùng khát vọng giải phóng trong sự gắn chặt với thiên nhiên với một suối nguồn suy tư lý tính...

Italo Calvino (1923-1985) là một trong những nhà văn lớn nhất thế kỷ XX của Ý. Phần lớn tác phẩm của ông là kiệt tác, trong đó có bộ ba tiểu thuyết kỳ ảo về thời quá khứ với tên gọi chung Tổ tiên của chúng ta gồm: Tử tước bị chẻ đôi người (1952), Nam tước trên cây (1957), và Hiệp sĩ không hiện hữu (1959). Ngoài ra ông còn có Cosmicomics (1965), Những thành phố vô hình (1972), Nếu một đêm đông người lữ khách (1979)...

9.8.09

Trong những cánh rừng vĩnh cửu


Nhà văn Fred Vargas - người được mệnh danh là "nữ hoàng truyện trinh thám Pháp" vừa đến với độc giả VN qua tác phẩm nổi tiếng nhất của bà, Trong những cánh rừng vĩnh cửu.

Ở cuốn tiểu thuyết thứ 11 này của mình, Fred Vargas tiếp tục trở lại với anh chàng cảnh sát trưởng quen thuộc Jean-Baptiste Adamsberg cùng Đội Hình sự Paris trong một vụ án nghẹt thở và đầy ám ảnh cùng với lối kể chuyện đã tạo nên một phong cách đặc trưng. Thong dong, chậm rãi trong từng câu chữ, gây kích thích tột độ nhưng không kém phần hài hước, thơ mộng, nhà văn của những chi tiết rời rạc dần dần dẫn dụ người đọc qua hết những bức tường này đến những bức tường khác của các sự kiện để hướng đến một sự thật ngỡ ngàng nhưng đầy logic được bà bày ra ngay từ những trang sách đầu tiên.

Cảnh sát trưởng Adamsberg của Trong những cánh rừng vĩnh cửu phải đối diện với một Cái Bóng siêu thực cùng mớ hỗn độn bắt đầu từ vụ án mạng tại một cổng Giáo đường khi hai người đàn ông to cao một da đen, một da trắng cùng bị sát hại bởi nhát chém chí tử vào cổ được cho là bởi một người phụ nữ nhỏ con. Bắt đầu từ đó, Fred Vargas lần lượt đưa ra những nút thắt để Adamsberg đối mặt và chàng cảnh sát thơ mộng và nhạy cảm này phải từng bước vượt qua để phá vỡ bức tường tội ác có lúc tưởng chừng như không thể.

Không thiếu những chi tiết kinh dị với các hình ảnh về việc giết chết rồi sau đó lật mồ hai cô trinh nữ để lấy mớ tóc của họ, việc sát hại các con hươu để lấy chiếc xương kỳ lạ nằm trong tim chúng..., con đường tìm kiếm hung thủ vụ án như không có điểm dừng trong việc lôi kéo, đuổi bắt nhau của những người trong cuộc. Ngay từ đầu, Adamsberg cùng các cộng sự của anh đã bị kẻ giết người không ngờ tới đặt vào hành trình tội ác của nó để cả hai bên vờn nhau trong những khám phá giật mình.

Cuốn tiểu thuyết còn là sự đối đầu của các mối hận thù xa xưa với một cái được hóa giải trong tình bạn còn một cái là việc đi đến tận cùng tội ác. Nếu như Adamsberg cùng người cộng sự mới đến Veyrenc tìm về quá khứ để giải tỏa những mâu thuẫn trong họ thì giữa Adamsberg và kẻ giết người, đó là việc tiến tới khẳng định sự chiến thắng. Và cũng chính trong nụ cười thỏa mãn ngỡ mình đã thành công, kẻ sát nhân phân ly (tức là một người có hai mặt cuộc sống đối lập nhau, một mặt bình thường còn mặt kia liên tục thực hiện các vụ giết người để thỏa mãn lòng ham muốn thống trị. Hai mặt ngăn cách bởi bức tường tội ác) không ngờ đã để cho đối thủ của mình có được tín hiệu kết thúc vụ án.

Với Trong những cánh rừng vĩnh cửu, "một lần nữa, Fred Vargas đã thành công cùng nghệ thuật chơi chữ để tạo ra một vũ trụ vô song ghi tạc những khoảnh khắc nên thơ và những cảnh tượng gần như siêu thực" (www.evene.fr); đồng thời bà cũng đã lại thành công trong việc xây dựng nên một nhân vật trinh thám Adamsberg lừng danh không phải là những "siêu nhân" thường thấy trong các tác phẩm trinh thám khác mà là một con người gần gũi với cuộc đời, mang hơi thở của cuộc sống với những yêu ghét giận hờn...

Sinh năm 1957 tại Paris với mẹ là nhà hóa học và bố là một học giả uyên bác, Fred Vargas (tên thật là Frédérique Audoin-Rouzeau) ngay từ nhỏ đã được thừa hưởng cả hai tố chất trí tuệ này. Les jeux de l'amour et de la mort (tạm dịch Trò chơi ái tình và chết chóc), "cú thử sức liều lĩnh" đầu tiên của Fred Vargas ở lĩnh vực viết tiểu thuyết, ngay lập tức trở nên nổi tiếng và giành được giải thưởng Tiểu thuyết Trinh thám tại Liên hoan Cognac vào năm 1986. Cuốn tiểu thuyết thứ hai, L'homme aux cercles bleus (tạm dịch Người đàn ông với những chiếc vòng xanh) tiếp tục tôn vinh sự nghiệp tiểu thuyết gia trinh thám của bà và đây cũng là lúc anh chàng cảnh sát trưởng trứ danh Jean-Baptiste Adamsberg xuất hiện.

Các tác phẩm của Fred nhận được vô số giải thưởng, trong đó phải kể đến giải Mystère de la critique cho Debout les morts (tạm dịch Người chết sống dậy) vào năm 1995, giải Tiểu thuyết Trinh thám tại Liên hoan Cognac cho L'homme à l'envers (tạm dịch Mặt trái người đàn ông) vào năm 1999, giải thưởng danh giá Prix des Librairies cho Pars vite et reviens tard (tạm dịch Khởi hành nhanh và trở về chậm) vào năm 2002 và giải Trophée 813 cho tiểu thuyết trinh thám bằng tiếng Pháp xuất sắc nhất cho Dans les bois éternels (Trong những cánh rừng vĩnh cửu) vào năm 2006.

Trong những cánh rừng vĩnh cửu, tiểu thuyết trinh thám của Fred Vargas, do Lê Quang Toản dịch, NXB Văn hóa Sài Gòn và Nhã Nam liên kết xuất bản và phát hành.

26.7.09

Bộ sách Sông Kiên

Hitler - ảnh chụp năm 1938 của LIFE

1. Hitler - Tội phạm chiến tranh
2. Cuộc săn tìm vũ khí bí mật của Hitler
3. Cuộc truy nã tên đồ tể Do Thái Adoflf Eichmann
4. Bộ mặt thật nhà độc tài Phát xít Mussolini
5. Những trận đánh lịch sử của Hitler
6. Hitler và trận đánh Normandie
7. Hitler và lò thiêu sống dân Do Thái
8. 10 ngày cuối cùng của Hitlet
9. Hitler - Cuộc mưu sát các lãnh tụ đồng minh
10. Máu đẫm bức tường Bá Linh

---

11. Hồi ký của người nữ binh Do Thái
12. Hitler và những sứ mạng bí mật của Skorzeny
13. Hitler - Người phát động thế chiến thứ hai
14. Hitler và các danh tướng Đức quốc xã
15. Hồi ký của Hitler
16. Hitler và trại tận diệt phụ nữ và trẻ con Do Thái
17. Hitler đền tội (Vụ án quốc tế Nuremberg)
18. Hitler và các vũ khí bí mật
19. Hitler và tên ác quỷ SS Himmler
20. Cuộc mưu sát Hitler
21. Hitler trả thù (Cuộc thảm sát làng Lidice)
22. Hitler - Tổng tư lệnh tối cao
23. Hitler trước Hitler
...

Những tựa trên đây có thể có một số là trùng nhau...

25.7.09

Việt Nam trong quá khứ: Tư liệu nước ngoài



Bộ sách do NXB Thế giới thực hiện gồm 9 cuốn. Hiện không biết đã ra được mấy cuốn rồi. Đáng tiếc những cuốn không có lại rất hay.

Những cuốn đã có:

1. Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở viễn Đông - G.Coedès
2. Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài - Jean Baptiste Tavernier (có hai cuốn năm 2005 và 2007)
3. Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688 - William Dampier (có hai cuốn năm 2006 và 2007)
4. Những người châu Âu ở nước An Nam - Charles B.Maybon
5. Chân Lạp phong thổ ký - Chu Đạt Quan
6. Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 - 1793) - J.Barrow

Thiếu:

7. Sự phát triển của chính quyền Lê ở Việt Nam thế kỷ XV - John Kremers Whitmore
8. Vương quốc Chiêm Thành - G.Maspéro
9. Nước Phù Nam - Paul Pelliot

23.7.09

Moon Palace - tác phẩm không có hồi kết



Thật đúng như chủ ý của những người thực hiện cuốn Moon Palace của nhà văn Mỹ lừng danh Paul Auster khi lấy đoạn cuối cùng để đưa ra như là điểm nhấn tại bìa sau cuốn sách. Đoạn văn đầy sức rung cảm, lay động tận sâu thẳm tâm hồn về nỗi cô đơn của con người, về sự nhỏ bé của con người trong cái vũ trụ bao la, trong những mối quan hệ gắn liền với sự tồn tại của con người.

"Tôi đứng một lúc lâu trên bờ biển, đợi đến lúc những mảnh vụn cuối cùng của ánh nắng tan biến. Đằng sau tôi, thành phố vẫn tiếp tục đời sống của nó, tạo ra những tiếng ồn quen thuộc của nước Mỹ cuối thế kỷ. Khi nhìn theo viền uống cong của bờ biển, tôi thấy đèn điện ngôi nhà được bật lên, từng cái từng cái một. Rồi trăng lên từ phía sau dãy đồi. Đó là một mặt trăng tròn vành vạnh, tròn và vàng như một viên đá bốc cháy. Tôi nhìn đăm đăm cảnh tượng nó trôi lên nền trời đêm, không rời mắt cho đến khi nó tìm được chỗ của mình trong bóng tối".

Kết thúc việc đọc cuốn Moon Palace này trong một khoảng thời gian khá ý nghĩa, 40 năm trước, nhân loại chứng kiến những bước đi nhỏ của con người nhưng là những bước đi vĩ đại, như nhà du hành Neil Armstrong nói khi đặt chân lên mặt trăng vào ngày 21.7.1969 từ tàu Apollo 11. Và mặt trăng cũng là cảm hứng siêu hình cho Auster trong tiểu thuyết của ông. Bối cảnh câu chuyện cũng ít nhiều liên quan đến sự kiện này khi Auster trong những đoạn khởi đầu có đề cập đến việc nước Mỹ chào đón những người đầu tiên bước chân trên mặt trăng.

Thêm một đoạn gợi nhiều cảm xúc, "Không hẳn là tôi bị choáng váng trước cảnh quan địa lý, mà sự hùng vĩ và trống rỗng của vùng đất (ở đây là Utah) bắt đầu có tác động đến cảm giác về thời gian của tôi. Hiện tại như thể trở nên phi hậu quả. Phút và giờ trở nên quá bé nhỏ để có thể đo đếm được tại nơi đây, và khi mở to mắt ra nhìn những gì có ở xung quanh, bạn sẽ buộc phải suy nghĩ theo đơn vị hàng thế kỷ, hiểu ra rằng một nghìn năm cũng không dài hơn một tích tắc đồng hồ. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy trái đất là một hành tinh xoay tít qua bầu trời. Nó không hề lớn, tôi phát hiện ra, nó rất nhỏ - gần như là tí hon. Trong số tất cả mọi thứ của vũ trụ, không gì nhỏ hơn trái đất".

Cảm xúc như đã từng trải qua khi đọc cuốn Nguồn gốc - nỗi hoài niệm về những thuở ban đầu của Trịnh Xuân Thuận, hay các tác phẩm tuyệt vời của Jared Diamond. Con người nhỏ bé, bao trùm lên nó là nỗi cô đơn. Những được mất, vui buồn trong sự tồn tại của con người sẽ chẳng còn là gì nữa khi con người đối diện với chính mình, với những khối rỗng không phi lý. Với Auster chàng trai hai mươi mấy tuổi Marco Stanley Fogg của Moon Palace hay ông già August Brill của Người trong bóng tối cùng mang trong lòng nỗi hoài niệm thiên thu của con người. Auster đặt họ trong những câu chuyện thường nhật, trong mối quan hệ xã hội và gia đình rất bình thường, nhưng qua những câu chuyện bình thường đó, những giá trị về tình thương, tình yêu lại được tôn vinh. Đọc các tác phẩm của Auster, điều dễ dàng nhận ra là những mối quan hệ gia đình rất được ông đặc biệt xem trọng. Các nhân vật được đặt trong các mối dây thân thiết để lần lượt khi có một sự mất mát nào xảy ra, đó sẽ là những nỗi đau đớn to lớn...

Còn hai cuốn Trần trụi với văn chươngNhạc đời may rủi đã được dịch sang tiếng Việt (hình như do Trịnh Lữ dịch) còn lần lữa chưa đọc, chắc ngày mai sẽ tranh thủ...

Moon Palace: xuất bản lần đầu năm 1989. Bản tiếng Việt của Cao Việt Dũng, NXB Văn học ấn hành năm 2009.

14.7.09

Sử liệu Phù Nam


Sử liệu Phù Nam của Lê Hương, xuất bản năm 1974 bởi nhà Nguyên Nhiều. Theo lời nói đầu thì tác giả Lê Hương biên soạn tập sử liệu này, cố nhiên không phải là một quyển sử, với mục đích ước mong chứng minh sự hiện diện riêng biệt của Phù Nam, một cường quốc xuất hiện trong lịch sử Đông Nam Á giống như La Mã trong lịch sử Âu Châu.

Ngoài cuốn này, Lê Hương còn có: Quả đấm thôi sơn (1952), Tự học chữ Miên (1963), Truyện cổ quốc tế (1969), Người Việt gốc Miên (1969), Truyện vui quốc tế (1969), Truyện cổ Cao Miên I và II (1969), Angkor (Đế Thiên Đế Thích) (1970), Truyện tích Việt Nam (1970), Chợ trời biên giới (1970), Sử Cao Miên (1970), Truyện cổ Ấn Độ (1971), Truyện thỏ khắp thế giới (1971), Việt Kiều ở Cao Miên (1971), Người hùng (1973), Chân Lạp phong thổ ký...

11.7.09

Sắp có cuốn "1Q84" của Murakami


Theo tin từ Nhã Nam thì cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Nhật Bản Murakami Haruki là 1Q84 đã được công ty này mua bản quyền thành công. Cuốn sách sẽ được chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Nhật và dự định xuất bản trong năm 2010.

1Q84 đánh dấu sự trở lại của Murakami sau bảy năm tạm ngừng viết tiểu thuyết. Đó cũng là cuốn sách dày nhất trong số các tác phẩm đã được xuất bản của ông (NXB Shinchosha phải chia tác phẩm thành 2 tập, nhưng phát hành cùng lúc). Ra mắt tại Nhật Bản ngày 29.5 vừa qua, đến nay 1Q84 đã bán được hơn 1 triệu bản.

Nhiều nhà phê bình cho rằng tác phẩm này có thể xem như sự tích hợp tất cả những cuốn tiểu thuyết Murakami đã viết trước đây. Báo Japan Times khẳng định cuốn sách hoàn toàn xứng đáng với sự trông đợi của người đọc, bởi lẽ “cuốn tiểu thuyết hòa trộn trong bạo lực, đam mê và hài hước có thể coi như một tác phẩm bắt buộc phải đọc với những ai muốn thấu hiểu sâu sắc văn hóa Nhật Bản đương đại”.

Murakami, 60 tuổi, được coi là một trong những nhà văn đương đại xuất sắc nhất của Nhật Bản. Ông thực sự trở thành một thần tượng của giới trẻ Nhật Bản kể từ sau tiểu thuyết Rừng Na Uy. Thời gian qua, những tác phẩm lớn làm nên tên tuổi của nhà văn đều đã được Nhã Nam mua bản quyền và chuyển ngữ: Rừng Na Uy, Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển, Ngầm

9.7.09

Mưa nguồn


Mưa nguồn - tập thơ đầu tiên của Bùi Giáng, xuất bản năm 1962, đến nay bản in này (Sài Gòn Trang Phượng Việt Nam) khá hiếm.

Trích một số bài thơ của Bùi Giáng trong tập Mưa nguồn:


Xuân Thu Trang Phượng


Mùa Xuân hẹn Thu về em trở lại
Ta nhìn nhau trong bóng nước mơ màng
Nước chảy mãi bởi vì xuân trở lại
Với giòng trong em hẹn ở bên đường

Em sẽ khóc khi nhìn trong khóe mắt
Thấy một mình người đi lại lang thang
Còn ghì giữ ân tình trong cỏ nhặt
Múa vi vu vì hẹn với truông ngàn

Ta sẽ đợi nghe đời em kể lại
Thuở xưa kia... bờ nước ấy xưa kia
Ta sẽ đợi nghe đời em nói mãi
Bên đời ai vạn đợi đã chia lìa

Mùa Xuân hẹn Thu về em trở lại
Bên đời đi còn giữ mãi hay không
Giòng bất tuyệt xanh ngần xuân thơ dại
Sầu hoang vu vĩnh hạ vọng non hồng


Mai sau em về


Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
Ta đi còn gửi đôi giòng
Lá rơi có dội vào trong sương mù?

Những thương nhớ lạnh bao giờ
Đường thu chia ngả chân trời rộng thênh
Đây phồn hoa của thị thành
Đây hồn thủy thảo khóc tình ngửa ngang
Càn khôn xưa của riêng chàng
Xưa đài vũ trụ thiếp mang riêng mình
Bây giờ đón bước em xinh
Sầu đau nhan sắc bất bình ra sao


Giã từ Đà Lạt

Nói nữa sao em? Với lời lỡ dở
Đường lây lất chiều bay sương lổ đổ
Đứng bên trời em ở lại hôm qua

Ngàn thông ơi ở đó đón bóng tà
Và giữ lại chuyện đời ta đi mất
Bước khúc khuỷu truông ngàn khe khóc lóc
Dặm mơ màng tăm tắp mấy mù khơi

Lùi bay đi để ở lại bên người
Tơ vấn vít gió mùa mời mọc én
Tay lẩy bẩy níu gì xuân bay biến
Ô thiều quang? làn nước cũ trôi mau

Em đi lên vói bắt mấy hương màu
Miền đất Thượng có mấy bờ hoa mọc
Xa biệt lắm mưa nguồn trên mái tóc
Đã mấy lần thổi lạc lệ lưa thưa

Buổi sớm hôm buồn tinh tú ai ngừa
bàn chân bước với tay buông kể lể

Trời với đất để lòng em lạnh thế
Hoahươngơi còn diễm lệ bao giờ
Những ân tình đầu liễu rũ lơ thơ
Còn hay mất trong trăng mờ khuya khoắt

Người xuống núi mang về đâu có chắc
Những dịp về còn nữa ở mai sau?

Dặm hồng vàng ai đứng lại nhìn nhau

7.7.09

"Kim Các Tự" của Yukio Mishima


Kim Các Tự (Kinkakuji) của nhà văn Nhật Bản Yukio Mishima (14.1.1925 - 25.11.1970) do Đỗ Khánh Hoan và Nguyễn Tường Minh dịch, xuất bản bởi An Tiêm (Sài Gòn) năm 1970. Mua hôm qua với giá 65 nghìn. Ở nhà đã có cuốn này rồi nhưng mất bìa trong khi cuốn vừa mua còn khá nguyên vẹn tuy đã sút chỉ, phải mất thời gian ngồi may lại.

Trích giới thiệu sách: Kim Các Tự, xuất bản năm 1959 đến nay (thời điểm năm 1970) đã tái bản trên 10 lần có hàng triệu độc giả, đã tạo uy danh cho tác giả không những trong văn giới Nhật Bản mà còn cả Âu châu và Bắc Mỹ nữa.

Hiển nhiên, ở đây, Mishima đã dùng phân tâm học để xây dựng nhân vật dựa vào một thắng tích lịch sử để hình thành tác phẩm mà chủ đề cơ bản là sự say mê cái đẹp đến cuồng loạn chỉ muốn phá hủy, tiêu diệt, lấy xã hội Nhật Bản - tiêu biểu là thành phố Kyoto - hồi cuối đệ nhị thế chiến làm bối cảnh trong đó mọi thành phần, mọi giai cấp, mọi khuôn mặt của dân tộc Phù Tang khi hùng hổ gây chiến cũng như lúc nhục nhã đầu hàng, một khuôn mặt tím bầm, tan nát vì chiến tranh xuất hiện lúc tỏ lúc mờ, khi ẩn khi hiện trong bầu không khí hiện thực pha mùi châm biếm.

Nhờ thế, Kim Các Tự vừa có giá trị cục bộ vừa có ý vị nhân bản đã thỏa mãn, lôi cuốn độc giả cả ở trong lẫn ngoài nước.

Dù khó tính, thiên vị hoặc có thành kiến, độc giả cũng như phê bình gia Âu Á, Đông Tây rồi ra cũng phải thừa nhận tiểu thuyết này là một đại danh tác có cả chiều sâu lẫn chiều rộng, nhờ biết kết hợp phân tâm học với Thiền lý mà chỉ một ngòi bút, một tâm hồn từng được nuôi dưỡng lâu đời trong nguồn tư tưởng Phật giáo, dù là "Phật giáo của giới Tân Tăng Nhật Bản", mới có thể thực hiện nổi.

>> Yukio Mishima trên Wikipedia

Con người phản kháng


Mình đã có cuốn này rồi, nhưng cuốn đó cũ quá do bị thấm nước và mất bìa bao, hôm qua mua cuốn này với giá: cuốn cũ+80 nghìn... hơi cao nhưng với sách quý như vầy thi so ra cũng là rẻ...

6.7.09

Lăng Già Đại thừa kinh


Mua cách đây mấy ngày, chỉ có 15 nghìn. Đối với triết gia như Daisetz Teitaro Suzuki thì cuốn sách này khỏi cần bàn về giá trị mà mua có bao nhiêu đó tiền thì cực rẻ... Lăng Già Đại thừa kinh do tỳ-kheo Thích Chơn Thiện và cư sĩ Trần Tuấn Mẫn dịch, NXB TP.HCM ấn hành năm 1998.

Cuốn sách này còn có phần Dẫn nhập của Daisetz Teitaro Suzuki rất công phu tới 70 trang, mà theo ông thì nó cũng được xem là một lời dẫn nhập cho Phật giáo Đại thừa nói chung...

1.7.09

Kỹ thuật của người An Nam


Cuối cùng thì đến hôm nay 1.7, mới mua được cuốn sách quý này (500 nghìn, giảm được 100 nghìn so với giá bìa). Mấy bữa trước định mua rồi nhưng loạt sách đó không được đẹp lắm do hộp bị móp, gáy sách bị rách chút ít... mà mình thì lại thích những cuốn thật hoàn hảo.
Vậy là đợi đến hôm nay mới thấy sách về nhiều, tha hồ lựa một bộ không tì vết...

Bữa trước có coi sơ qua rồi, thật là hay nhưng in ấn không được đẹp lắm, hình ảnh hơi mờ mà cuốn này lại cần đặc biệt chú trọng đến hình ảnh (sách ảnh mà!)... tiếc chút ít...

28.6.09

"Ngầm" của Haruki Murakami


Hôm nay (29.6), cuốn Ngầm của Haruki Murakami đã chính thức được phát hành. NXB Văn hóa Sài Gòn và Nhã Nam liên kết xuất bản. Chắc tại Sài Gòn chưa có sách, phải mấy ngày sau khi phát hành tại Hà Nội thì sách mới được đưa vào trong Nam. Cuốn Ngầm này do dịch giả Trần Đĩnh chuyển ngữ.

Ngày 20.3.1995, các tuyến xe điện ngầm quan trọng ở Tokyo đồng loạt bị giáo phái Aum rải hơi độc sarin - 12 người chết, hơn 5.000 người phải chịu các di chứng về thể chất và tinh thần, toàn nước Nhật bàng hoàng chấn động.

Murakami Haruki, nhà văn đương đại xuất sắc của thế hệ trưởng thành sau Thế chiến II, đã rời nước Mỹ trở về quê hương, ghi chép lại thảm họa trong nỗi đau máu thịt sống động của từng nhân chứng. Không né tránh bất cứ câu hỏi nào về quyền lực và số phận dân tộc, Murakami muốn truy tìm căn nguyên thảm họa chính trong lòng nước Nhật, chứ không quy kết hời hợt về phía “kẻ thủ ác”.

Cuốn ký sự - phỏng vấn có tên Ngầm của Murakami được mô tả là một tác phẩm báo chí đẫm chất văn chương, khẳng định tài năng của ông - vốn gần như không cần tranh cãi trong lĩnh vực tiểu thuyết - ở thể loại phi hư cấu.

Loạt phỏng vấn với 60 nạn nhân và tám thành viên giáo phái Aum, không chỉ đem lại cái nhìn khách quan và khá toàn diện về vụ tấn công mà còn phản tỉnh về một nước Nhật “ngủ yên” trong vật chất và mê mụ, không còn khả năng phản xạ tức thì trước cơn nguy biến; nỗi cô độc, trạng thái kiệt lực trong một xã hội duy lý đã đẩy những người bình thường thành đồng lõa với “kẻ thủ ác”... Tuy nhiên, tinh thần hy sinh cao quý của mỗi công dân bình thường, như người gác đường ray, đêm nào đi làm cũng dặn vợ “có thể đêm nay anh không về”, lại khiến chúng ta cảm động vô cùng về chính nước Nhật đó.

27.6.09

Ác mộng đại khủng hoảng 1929


Sách kinh tế: Những âm mưu từ đảo Jekyll

Ác mộng đại khủng hoảng 1929 (The Great Crash of 1929) của John Kenneth Galbraith xuất bản lần đầu năm 1955, cách nay hơn 50 năm và được dịch sang tiếng Việt bởi hai dịch gia Thanh Tâm, Hà Trang do NXB Tri thức và Alphabooks liên kết ấn hành. TS Vũ Hoàng Linh viết lời giới thiệu.

John Kenneth Galbraith (1908-2006) là một trong những nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ông là người theo trường phái Keynes nhiệt thành, ủng hộ sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế, từng làm việc trên nhiều cương vị khác nhau trong chính quyền của bốn đời tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ: Roosevelt, Truman, Kennedy và Johnson. Ông đã giảng dạy tại ĐH Harvard trong nhiều năm và từng làm Chủ tịch Hiệp hội kinh tế Hoa Kỳ. Trong cuộc đời gần 100 năm của mình, ông viết gần 50 cuốn sách và hơn 1.000 bài báo về nhiều chủ đề nhưng chủ yếu là kinh tế. Nhiều cuốn sách cùa ông bán rất chạy và có ảnh hưởng sâu sắc tới tư duy kinh tế của một tầng lớp trí thức Mỹ trong nhiều thập kỷ, nhất là trong giai đoạn 1950-1970.

25.6.09

Thêm một tác phẩm của Ryu Murakami


Ryu Murakami tiếp tục có mặt tại Việt Nam với cuốn Thử vai, nếu không lầm thì đây là cuốn thứ tư của ông được dịch sang tiếng Việt, sau các cuốn Màu xanh trong suốt, Xuyên thấu69.

Cuốn Thử vai (NXB Hội nhà văn) vừa ra mắt cũng là cuốn đầu tiên do Nhã Nam làm về tác gia đương đại nổi tiếng bậc nhất Nhật Bản này. Các cuốn trước đều của Bách Việt do NXB Văn học ấn hành.

Cuốn Thử vai do Trần Thanh Bình dịch, Xuyên thấu do Lê Thị Hồng Nhung dịch, Màu xanh trong suốt do Trần Phương Thúy dịch (hai cuốn này ra vào cuối năm 2008), cuốn 69 do Hoàng Long dịch (ra vào đầu năm 2009).

Đôi nét về Ryu Murakami: Tên đầy đủ là Ryunosuke Murakami, sinh năm 1952 ở Sasebo, Nagasaki. Không chỉ biết đến với tư cách nhà văn, ông cũng là nhà làm phim danh tiếng . Ở Nhật Bản, các tác phẩm của Ryu Murakami có tầm ảnh hưởng lớn đến mức năm 1997, tạp chí Times nhận định rằng ông là: "Một trong 11 người sẽ cách mạng hóa Nhật Bản".

Tác phẩm đầu tay "KagirinakuTomei Ni Chikai Buru" xuất bản lần đầu tiên năm 1976 đoạt ngay giải Gunzo dành cho tác giả mới xuất sắc, và một năm sau đó là giải văn học cao quý Akutagawa. Ngòi bút đầy tỉnh táo của Ryu Murakami xoáy vào những mặt gai góc của xã hội Nhật Bản, từ lối sống buông thả, trụy lạc của giới trẻ đến những ám ảnh khủng khiếp do trống rỗng, thiếu niềm tin vào cuộc sống... Tuy đó là những cảnh tỉnh gây sốc nặng nề nhưng cũng là liều thuốc cần thiết cho xã hội Nhật Bản nói riêng và xã hội hiện đại nói chung. Các tác phẩm về sau của ông liên tục được dư luận chú ý, được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau.




24.6.09

Bút pháp của ham muốn


Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy tiếp tục dùng "con mắt" phân tâm học để cố gắng tìm hiểu những hiện tượng văn học của Việt Nam từ Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Gia Thiều cho đến Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hoàng Cầm...

Tập sách 280 trang gồm các phần: Đi tìm thực chất thơ Hồ Xuân Hương/Hồ Xuân Hương cọ tình vào đá/Nguyễn Gia Thiệu đối thoại với bóng/Bà Huyện Thanh Quan đi dọc những đèo ngang/Đi tìm ẩn ngữ thơ Hoàng Cầm/Chế Lan Viên tháp Chàm bốn mặt/Đáp lời con quái Sphinx hay ngọn nguồn sáng tạo thơ Xuân Diệu.

Ngoài ra tập sách còn có bài giới thiệu của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử: Đỗ Lai Thúy và bút pháp của ham muốn

23.6.09

Descartes - Nhìn từ phương Đông


Một cuốn sách của Nguyên Sa, mới mua hôm qua (60 nghìn cộng với một tập tạp chí sexy), xuất bản từ tháng 10.1969 của Trình Bầy...

Sách triết học:

>> "Triết học nhập môn" của Karl Jaspers

22.6.09

Cầu Mirabeau


Tự nhiên nhớ lại một bài thơ đã đọc ngày xưa, Cầu Mirabeau của Guillaume Apollinaire sao mà nhẹ nhàng, bàng bạc của nỗi khắc khoải bởi những cuộc tình đi qua. Chợt nhớ lời ca của Trịnh Công Sơn, "Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Ôi những dòng sông nhỏ - Lời hẹn thề là những cơn mưa...". Lại nhớ một lời ca của Trịnh,"Bốn mùa như gió, bốn mùa như mây. Những dòng sông nối đôi tay liền với biển khơi...".
Cầu Mirabeau
Dưới cầu Mirabeau trôi dòng Seine
Và tình ta nữa
Chẳng biết anh còn nên nhớ
Niềm vui lại đến sau nỗi ưu phiền

Đêm cứ về giờ cứ điểm
Tháng ngày đi anh vẫn còn đây

Tay trong tay mình cứ đối mặt nhau
Cánh tay mình làm cầu
Dưới cầu qua qua mãi
Làn nước chán chường vì ánh mắt thiên thu

Đêm cứ về giờ cứ điểm
Tháng ngày đi anh vẫn còn đây

Tình yêu ra đi như nước kia tuôn chảy
Tình yêu ra đi
Cuộc đời sao mà chậm rì
Hy vọng sao mà dữ dội

Đêm cứ về giờ cứ điểm
Tháng ngày đi anh vẫn còn đây

Ngày qua rồi lại tuần qua
Mà quá khứ
Và những cuộc tình không trở lại
Dưới cầu Mirabeau trôi mãi dòng Seine

Đêm cứ về giờ cứ điểm
Tháng ngày đi anh vẫn còn đây.
(Bản dịch của Hoàng Hưng, trong Thơ của Guillaume Apollinaire)
Mi uống rượu này cháy bỏng như đời mi
Đời mi mi uống như rượu tì tì...
(Apollinaire)

Cầu Mirabeau

Phan Cẩm Thịnh dịch

Dưới cầu Mirabeau êm đềm trôi dòng Seine
Trôi cả tình yêu của anh và em
Không biết anh có còn nên nhớ
Niềm vui sẽ đến theo sau nỗi ưu phiền.

Giờ cứ điểm, đêm cứ đến gần
Tháng ngày trôi, đây vẫn còn anh.

Mặt đối mặt và tay trong tay nhau
Vòng tay ta như cầu
Dưới cầu dòng nước chảy
Ánh mắt rã rời vì li biệt dài lâu.

Giờ cứ điểm, đêm cứ đến gần
Tháng ngày trôi, đây vẫn còn anh.

Tình ra đi như dòng nước trôi nhanh
Tình yêu của em và anh
Cuộc đời ơi, sao mà chậm rãi
Hy vọng sao mà dữ dội cuồng điên.

Giờ cứ điểm, đêm cứ đến gần
Tháng ngày trôi, đây vẫn còn anh.

Vẫn trôi đều ngày tuần, tháng năm
Quá khứ và tình yêu quay trở lại không còn
Chỉ một điều không bao giờ thay đổi
Dưới cầu Mirabeau êm đềm trôi dòng Seine.

Giờ cứ điểm, đêm cứ đến gần
Tháng ngày trôi, đây vẫn còn anh.

(Lấy từ Wikipedia)

21.6.09

Murakami chuẩn bị "trở lại"

Bìa 2 cuốn sách của Murakami (bản tiếng Anh) chuẩn bị ra mắt

Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam vừa cho biết đơn vị này vừa mua bản quyền hai tác phẩm của nhà văn Nhật Bản nổi tiếng thế giới Haruki Murakami là UndergroundWhat I Talk About When I Talk About Running. Hiện hai cuốn sách này đang trong quá trình dịch thuật và sẽ sớm ra mắt trong năm nay.

Như vậy, sau Người tình Sputnik - tác phẩm đầu tiên của ông đề cập đến vấn đề đồng tính nữ xuất bản hồi đầu tháng 7 năm ngoái, tác giả của Rừng Na Uy Murakami đang chuẩn bị "trở lại" với độc giả Việt Nam. Tuy nhiên, nếu những cuốn sách được dịch trước đây của Murakami thuộc về thể loại truyện ngắn hay tiểu thuyết như Sau cơn động đất, Đom đóm, Rừng Na Uy, Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển... thì ở hai tác phẩm mới này, độc giả Việt Nam sẽ được thấy tài năng văn chương của ông qua các thể loại báo chí, tự truyện...

Ngoài những trang viết tạo nên tên tuổi của một nhà văn đương đại hàng đầu Nhật Bản, Murakami còn có một niềm say mê khác là chạy marathon. What I Talk About When I Talk About Running (tạm dịch Tôi nói gì khi tôi bàn về việc chạy bộ) được Murakami viết vào khoảng năm 2005 - 2006, xuất bản tại Nhật Bản vào năm 2007 với tít phụ "Một hồi ký" là một cuộc khám phá những mối kết nối giữa chạy và viết. Ông cho biết: "Không chỉ chuyện chạy, cuốn sách cũng là về một cách sống. Nó không phải là sách hướng dẫn. Cách tôi chạy là cách tôi xưa nay vẫn sống, nên cuốn sách là về những mối kết nối giữa sống, chạy và viết. Thái độ sống của tôi...".

Trong khi đó, cuốn Underground (tạm dịch Ngầm, xuất bản tại Nhật năm 1997 - 1998) được mô tả là một tác phẩm báo chí đẫm chất văn chương, khẳng định cho tài năng của Murakami - vốn hầu như không cần tranh cãi trong lĩnh vực tiểu thuyết - ở thể loại phi hư cấu (non-fiction). Underground viết về thủ đô Tokyo của Nhật Bản tháng 3.1995 bị chấn động bởi một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học nhằm vào thường dân - các hành khách của hệ thống tàu điện ngầm Tokyo của một tổ chức tự xưng là giáo phái Aum. Vụ đầu độc này đã làm 12 người chết, hàng ngàn người bị thương...

Trong loạt phỏng vấn với 60 nạn nhân và 8 thành viên của giáo phái Aum, Murakami đã đem lại cái nhìn khách quan và khá toàn diện về vụ tấn công, đồng thời cắt nghĩa sự kiện kinh hoàng đó bằng cách nhìn sâu hơn vào những bất ổn của hệ thống xã hội đang được duy trì trong thời hiện đại, bất ổn đằng sau bề ngoài bình lặng của mỗi cá nhân, và con đường dẫn đến tội ác...

Đánh giá về tác phẩm này, The Independent viết: “Xuất sắc. Tác phẩm của Murakami chủ yếu được cấu thành từ lời kể của các nạn nhân. Trong khi nhắc lại cái ngày định mệnh ấy, họ đã đưa nguời đọc đến một góc lạ thường trong cuộc sống của những người dân Tokyo. Kết quả tổng hợp không chỉ là một tác phẩm ấn tượng của nền văn học nhân chứng, mà còn là dư âm độc đáo của những tâm hồn Nhật Bản bình thường”.

Paris dấu yêu


Tối qua đi nhậu về, vợ hơi khó chịu. Nhưng nghĩ lại cũng nhờ đi nhậu mà mình ghé qua chỗ sách cũ đúng lúc có được cuốn sách ảnh về Paris. Nếu không đi vào lúc đó, dễ gì có được cuốn sách hấp dẫn này chỉ với giá 20 nghìn đồng...

Thật tuyệt khi thêm một lần nữa được nhìn những khung cảnh của một đô thành cổ kính mà lòng bao mong ước được đến thăm... kìa tháp Eiffel, kìa Khải hoàn môn, còn có Notre-Dame từng sống với mình qua tiểu thuyết của Hugo. Và còn có bảo tàng Louvre mà mới đây được tái hiện ở Mật mã Da Vinci...

Chẳng những vậy, trong cuốn này còn có các bức tranh của những họa sĩ lừng danh như Delacroix, Leonardo da Vinci, Rubens, Goya; các họa sĩ trường phái ấn tượng...


19.6.09

"Triết học nhập môn" của Karl Jaspers


"Theo nguyên ngữ Hy lạp danh từ "philosophos" (triết gia) được đặt ra để đối lập với danh từ "sophos" (bác học) nghĩa là triết gia yêu mến hiểu biết, trái lại bác học sở hữu kiến thức. Nghĩa ấy ngày nay vẫn còn, nghĩa là bản chất triết lý là truy tầm chân lý, chứ không phải chiếm đoạt chân lý. Ngay cả những trường hợp triết lý biến thành giáo điều, thành kiến thức công thức, chung cục hoàn bị, có thể truyền bá bằng giáo khoa được. Vì triết lý là một cuộc hành trình. Nên với triết lý, tra vấn thắc mắc thường quan trọng hơn giải đáp. Hơn nữa mỗi giải đáp còn đẻ ra nhiều thắc mắc mới"

17.6.09

Những âm mưu từ đảo Jekyll

Nhận diện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ
G. Edward Griffin



Mới mua trưa nay (17.6), giá bìa 130.000đ (giảm còn 98.000đ). Sách do Công ty cổ phần Tinh Văn (Tinh Văn MEDIA) liên kết NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản quý II-2009. Người dịch: Nhật An, Minh Hà, Ngọc Thúy. Hiệu đính: TS Đinh Thế Hiển.

Edward Griffin muốn nói gì trong cuốn sách dày đến 772 trang này? Theo đề từ thì Griffin cho rằng tổ chức này nên được bãi bỏ vì nó không đủ khả năng hoàn thành những mục tiêu tự đề ra; là tổ chức lũng đoạn hoạt động chống lại lợi ích của dân chúng; là công cụ cho vay lãi nặng quan trọng nhất; tạo ra khoản thuế không công bằng nhất của chúng ta; cổ vũ chiến tranh; làm mất ổn định nền kinh tế; là công cụ của chế độ chuyên quyền.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, việc các định chế tài chính của Mỹ ngụp lặn, loay hoay xoay sở thoát ra khỏi những khó khăn kể từ khi bong bóng đầu tư bất động sản tại nước này vỡ vụn lại một lần nữa cho thấy sự bất lực của các tổ chức này. Trong đó vai trò của Fed (Federal Reserve System) được xem là cánh chim đầu đàn ngành tài chính Mỹ lại cho thấy nước Mỹ không mong chờ gì nhiều ở những quyết định thay đổi của tổ chức này...

Vì vậy để hiểu kỹ càng hơn vai trò của Fed trong nền kinh tế Mỹ hiện nay, việc lật lại cội nguồn của nó cho đến nay là công việc mà Griffin hướng tới trong tác phẩm của ông...

>> G. Edward Griffin trên Wikipedia

16.6.09

Đợi một cuốn sách quý

Dựng cây nêu ngày Tết


Mấy bữa nay cứ chờ đợi hoài, số là cuốn Kỹ thuật của người An Nam của Henri Oger đã được in lại vừa phát hành. Tuy nhiên ở miền Nam chỉ có được một vài bộ. Theo một người bạn làm ở Nhã Nam (công ty tham gia xuất bản cuốn này) thì trong một vài tuần tới, bộ sách này (gồm 3 tập, giá 600.000 đồng) sẽ được bán rộng rãi hơn. Vậy thì đợi tiếp thôi...

Còn cuốn Ký họa VN đầu thế kỷ 20 của ông Nguyễn Mạnh Hùng (NXB Trẻ) thì hiện nay khá hiếm, hình ảnh in đẹp, hôm qua tiệm sách cũ "hét" đến 350.000 đồng. Đến khi sách tái bản của Henri Oger phát hành rộng thì cuốn này chắc sẽ hạ thôi...

Về Nhà nghiên cứu Henri Oger và tác phẩm Kỹ thuật của người An Nam:

Tác giả Henri Oger, người Pháp, đậu Tú tài năm 1905 khi vừa tròn 20 tuổi. Sau đó, ông theo học tại các trường L’Ecole Coloniale, L’Ecole Pratique des Hautes études, rồi làm quản lý viên trong Cơ quan Hành chính Dân sự của chính quyền Đông Dương.

Năm 1908-1909, ông sang Việt Nam, tham gia nghiên cứu những thao tác và nghề thủ công của người Việt Nam để xây dựng, thống kê các thuật ngữ kỹ thuật, sau đó nghiên cứu sâu về gia đình người Việt. Cuộc sống với những nét văn hóa nơi đây đã có sức lôi cuốn đặc biệt với Henri.

Dự án quan trọng nhất mà ông có dịp tham gia là dự án Nghiên cứu thực địa về nền Văn minh Vật chất của người Việt Nam và các khía cạnh về xã hội học, một lĩnh vực khi đó có rất ít người “nhúng tay” vào.

Trong hai năm 1908-1909, Henri đã cùng một họa sĩ người Việt đi khắp các phố phường Hà Nội và vùng ngoại ô để thống kê và tìm hiểu rõ sự đa dạng của các ngành công thương nghiệp, phác họa lại những hình ảnh phản ánh đời sống của người dân từ sản xuất, buôn bán đến vui chơi, tập tục…

Henri làm việc với thái độ nghiêm túc, cẩn thận, đảm bảo tính trung thực, chính xác. Sau khi phác họa tranh xong, Henri mời người dân kiểm tra lại trước khi chuyển đến cho những người thợ khắc gỗ ở Hà Nội thực hiện.

Bằng tất cả niềm yêu thích, hứng thú với công việc, chàng trai người Pháp không ngại khó, cuối cùng đã cho ra đời quyển sách “Kỹ thuật của người An Nam”. Tác phẩm được xuất bản thành hai phần:

- Phần đầu là các bức tranh với nội dung rất phong phú, thẫm đậm chất dân gian như những bức ký họa: “Trị mụt mắt”, “Đánh vợ”, “Đám rước”, “Dựng nêu đón Tết”, “Thiến trâu”, “Chọi gà”, “Dạy con”, “Thầy đồ”, “Cất vó”, “Cắt cỏ tranh”,… tất cả đều được đánh số thứ tự rõ ràng trên tranh.

- Phần hai là tài liệu do Henri Oger quan sát, ghi chép lại, được chia thành bốn chương: những kỹ thuật khai thác nguyên vật liệu từ thiên nhiên; chế biến, gia công; sử dụng nguyên vật liệu đã được gia công, chế biến và đời sống cá nhân và tập thể của người Việt Nam.

Do thiên về tính kỹ thuật và không chú ý đến việc phổ biến, từ khi xuất bản, tác phẩm của Henri Oger không được mấy người biết đến và bị lãng quên. Mãi đến năm 1978, công trình này mới được nhắc tới tại một cuộc triển lãm ở Pháp với tên gọi “Những họa sĩ nông dân của Việt Nam”.

Ngày nay, tác phẩm của ông đã được nhìn nhận, trả lại đúng vị trí của nó. Cùng với thời gian, ông đã làm được việc ý nghĩa là lưu giữ lại những dấu ấn đời sống, kỹ thuật của người Việt Nam.

Tác phẩm được các chuyên gia của Viện Viễn Đông Bác Cổ đánh giá là công trình đầu tiên về nhân học kỹ thuật ở miền Bắc Việt Nam và thực sự trở thành mối quan tâm của giới khoa học hay những ai muốn nghiên cứu hay khám phá đời sống của người Việt Nam xưa.

Hiện chỉ còn 3 nơi giữ được bản gốc của tác phẩm, đó là: một bản ở thư viện Khoa học Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh; một bản ở Pháp và một bản ở Tổng Lãnh sứ quán Hà Lan.

Năm 2007, Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) tại Hà Nội hợp tác với thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh tái bản toàn bộ tác phẩm ra ba thứ tiếng, dưới dạng sách và ấn phẩm điện tử, được dịch ra chữ quốc ngữ những chú thích viết bằng chữ Hán Nôm, với mong muốn mang đến một cuộc sống mới cho công trình tư liệu gốc trước đây.

(TTXVN)

Hai cuốn sách gần 80 tuổi

Hai tiểu thuyết của nhà văn Bửu Đình xuất bản từ năm 1932...