22.3.11

Giáo sư Trần Văn Giàu, nghe Thầy kể chuyện


Mới mua cuốn này trưa qua, đọc qua thích nhất đoạn GS Giàu kể chuyện học bên Nga hồi 1933. Chỉ một đoạn hồi ức ngắn cũng thấy được cách dạy học hiệu quả của những ông thầy của GS. Họ dạy chủ nghĩa xã hội trực tiếp trên văn bản gốc, để người học tự đọc sách kinh điển rồi thảo luận 2, 3 buổi đầu rồi mới kết lại bằng một bài giảng. Cách dạy đó mới có thể tạo nên những con người biết phê phán, biết phản hồi vấn đề, những con người chính trị... Còn cách dạy triết Marx ở ĐH bây giờ chỉ có thể tạo ra những lớp người ngoan ngoãn chấp hành theo một khuôn khổ đã định...

---

Phát hành sách tự kể của GS Trần Văn Giàu

Nhân lễ cúng kỵ 100 ngày mất của giáo sư Trần Văn Giàu (24-3-2011), NXB Tổng Hợp TP.HCM vừa ấn hành tập sách Nghe thầy kể chuyện của giáo sư Nguyễn Phan Quang.

Quyển sách mỏng, chỉ 87 trang, nhưng là một tài liệu quan trọng, bởi đây chính là những gì do giáo sư Trần Văn Giàu tự kể về cuộc đời mình và giáo sư Nguyễn Phan Quang trực tiếp ghi âm lại.

Thời điểm ghi âm vào khoảng giữa năm 1995, lúc này giáo sư Trần Văn Giàu hãy còn rất minh mẫn. Vì là câu chuyện kể cho GS Nguyễn Phan Quang, cũng là một học trò thân thiết, nên nội dung có nhiều đoạn gần như tâm sự.

Ở đó, giáo sư Trần Văn Giàu đã kể về buổi đầu nhận thức về vai trò của người thanh niên trí thức theo tư tưởng của Nguyễn An Ninh thế nào, nguyên do ông đi du học Pháp với ý định “không phải làm quan mà làm trạng sư và nhà báo”. Rồi câu chuyện về việc ông đã bị “tiêm nhiễm” chủ nghĩa cộng sản từ bên Pháp như thế nào, ông tham gia cách mạng ra sao... Cả những vấn đề liên quan đến sử học và nghiên cứu lịch sử dân tộc, các vấn đề về tư tưởng... cũng được giáo sư Trần Văn Giàu trực tiếp thuật lại qua những cuộc ghi âm này.

Tập sách còn có một phụ lục quan trọng, đó là bản khai của giáo sư Trần Văn Giàu tại nha mật thám Nam Kỳ (tháng 5-1935). Bản khai này ký tên Hồ Nam (một trong các bí danh của giáo sư Trần Văn Giàu) được viết sau khi bị bắt 25 ngày, do giáo sư Nguyễn Phan Quang sưu tầm được, qua đó có thể nhận thấy khí tiết của nhà cách mạng Trần Văn Giàu và lời lẽ cũng như cách ứng xử của ông với kẻ thù.

Lam Điền
(Báo Tuổi Trẻ, 23.3.2011)

No comments:

Post a Comment