28.8.09
Thăm dò tiềm thức
Thăm dò tiềm thức của Carl Gustav Jung, Vũ Đình Lưu dịch, Hoàng Đông Phương xuất bản tại Sài Gòn năm 1967.
Lời người dịch:
Carl Gustav Jung là nhà tâm phân học Thụy Sĩ có uy tín không kém gì Freud và được thế giới cho là người có công khoáng triển học thuyết của ông thầy.
Cuốn Thăm Dò Tiềm Thức (Essai d'exploration de l'inconscient) được Jung viết ra vài tháng trước khi ông từ trần. Trong cuốn sách nhỏ ấy nhà bác học tóm tắt tất cả học thuyết của ông, nó có giá trị một tờ chức thư để lại cho hậu thế.
Jung đã bỏ hẳn ngôn từ và lý luận chuyên môn, ông dùng một thể văn bình dị dễ hiểu để trình bày một học thuyết hết sức khúc mắc, bấy nay chỉ có một số chuyên gia hiểu được mà thôi. Với sự trình bày sáng sủa và giản dị của ông, đại chúng có thể biết được những nét đại cương về tâm phân học; và cũng nhờ sự hiểu biết ấy người thường sẽ có một ý niệm về bản chất thâm sâu của mình, họ có thể tự xét lại thái độ tâm tình, khả năng lý trí để nhận định lấy một đường lối phát triển nội tâm thích hợp, phong phú và có quân bình.
Tiểu sử tác giả
C. Gustav Jung đã viết rằng đời ông rất ít việc xảy ra cho cuộc sống bên ngoài. Ông thấy mình không thể nói gì về những chuyện ấy vì ông thấy chúng nghèo nàn tình tiết. Ông nói rằng ông chỉ tự hiểu ông nhờ những biến cố nội tâm đem lại cho ông chút ánh sáng. Theo ông thì đó chính là vẻ riêng biệt của đời sống ông. Những biến cố nội tâm không thuận tiện cho việc chép sử, độc giả muốn biết nên đọc thứ tự truyện của chính Jung đã viết dưới nhan đề Erinnerungen, Traume, Gedanken, đã dịch ra tiếng Anh (Memories, Dreams, Reflections, 1963).
Carl Gustav Jung sinh ngày 26 tháng 7-1875 tại Kesswil, tổng Thurgovie nước Thụy Sĩ. Tuy nhiên ông cho rằng mình không hẳn là người Thụy Sĩ vì gia đình ông mới nhập quốc tịch ấy được độ 100 năm mà thôi. Dư luận cho rằng ông là giòng giõi Goethe, nhưng trong thiên ký ức của ông, ông có thái độ ngờ vực đối với lời đồn đại ấy và ông cũng thấy hay hay. Đã từ mấy thế kỷ rồi tổ tiên của ông trong giới trí thức có tư tưởng rộng rãi phóng khoáng. Còn thân phụ ông là một nhà truyền giáo, bởi vậy đã có ảnh hưởng tinh thần đến tác phẩm của ông.
Là công dân thành phố Bâle, ông học y khoa ở đấy và chuyên về các bịnh thần kinh. Ông sang tu nghiệp ở ngoại quốc, có qua Ba-Lê, ở đây ông là học trò của Pierre Janet. Năm 1900, ông làm giảng sư ở trường đại học Zurich. Ông cùng với thầy học là Giáo Sư Bleuler huấn luyện cho các sinh viên thực tập. Như vậy, mặt tương lai rực rỡ đang chào đón ông trong ngành dạy học. Nhưng ông không theo con đường ấy, để dành hết thì giờ cho khách hàng và những công cuộc khảo sát tâm lý học, thần thoại học và ngôn ngữ học. Sau này ông lại nhận một vài hoạt động giảng sư, người ta dành cho ông nhiều chỗ ở trường Bách Khoa Zurich, phân khoa Y Khoa Bâle. Trong cuộc Đệ Nhị Thế Chiến ông giảng về tâm lý y khoa của phân khoa đó. Năm 1948 ông sáng lập viện C. Jung ở Zurich chuyên về phân tâm học theo phương pháp của ông. Một viện khác tương tự được thiết lập ở Los Angeles, Hiệp Chúng Quốc.
Trong những năm 1904-1905, ông thiết lập tại Zurich một phòng thí nghiệp tâm lý bệnh lý thực nghiệm. Tại đây ông thực hiện những cuộc khảo sát về phương pháp hội ý và hiện tượng tâm lý điện kích (psychogalvanique). Những cuộc khảo sát ấy làm ông nổi danh hoàn cầu. Trong thời gian ấy ông có thiện cảm với học thuyết của Freud, ông chỉ để ý đến những công việc khảo cứu của Freud về bệnh thác loạn thần kinh và giấc mơ. Hai người chơi thân với nhau đến nỗi Freud muốn chọn ông làm người kế nghiệp. Nhưng Jung ngờ vực thuyết của Freud về dục tình, về môn cận tâm lý học (parapsychologie) và khoa thần thoại học so sánh (mythologie comparée) cho nên hai người chia rẽ nhau.
Từ đầu thế kỷ, Jung xuất bản thêm nhiều sách, độ 30 tác phẩm và hơn trăm thiên bình luận, đề, tựa v.v... Trước khi viết một phần lớn những tác phẩm có dùng phương pháp so sánh ông đã sang Bắc Phi Châu, các nước Ả rập (1920), xứ Da Đỏ Pueblos, xứ Kenya và Uganda (1925), nước Ấn Độ (1938), nhờ vậy ông hiểu nhiều về tâm trạng người Cổ sơ và các nền văn minh khác với văn minh Âu Châu.
Ông có gia đình và sinh được 5 người con. Về già ông lui về Bollingen vùng cao nguyên hồ Zurich. Ông dựng lên một căn nhà nhỏ gọi là cái "Tháp", ông quan niệm là một cách ghi tạc vào đá quan niệm có tính cách biểu tượng của ông về người và cuộc đời.
Du khách từ khắp nơi trên hoàn cầu đến viếng thăm ông như một nhà hiền triết và ông mệnh chung tại đó tháng sáu năm 1961, hưởng thọ 86 tuổi. Trong tập Ký Ức của ông, ông ghi lại những câu: "Người ta bảo rằng tôi là hiền triết, nhưng tôi không dám nhận... Có khi tôi ngạc nhiên, có khi tôi cụt hứng, có khi tôi tự mãn, có khi tôi thất vọng chán nản, có khi tôi phấn chấn; tôi là tất cả những tâm tình ấy nhưng không thể cộng cả lại với nhau... Tôi không cho cái gì là chắc chắn cả. Lão Tử đã nói: "Ai ai cũng có điều tin chắc, chỉ có mình tôi thấy tối tăm". Lúc trở về già tôi mới thấm thía ý nghĩa câu nói ấy. Con người sinh ra trong một thế giới ác nghiệt và tàn nhẫn nhưng cũng là một thế giới đẹp đẽ thần tiên. Đời sống có ý nghĩa gì chăng hay là vô nghĩa? Cũng như tất cả các vấn đề siêu hình có lẽ cho là vô nghĩa hay có nghĩa đều đúng cả. Nhưng tôi vuốt ve hy vọng rằng cuộc đời có một ý nghĩa, đứng trước hư không người ta phải chấp nhận cuộc đời và người ta phải chiến thắng".
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment