11.8.09
Nam tước trên cây
Nam tước trên cây, một cuốn tiểu thuyết khác lạ trong văn chương đương đại, vuột ra khỏi mọi định nghĩa chính xác như chính tác giả của nó - nhà văn Ý Italo Calvino tự nhìn nhận, được viết những năm 1956-1957 khi ông 33 tuổi.
Lấy bối cảnh thời kỳ Khai sáng châu Âu cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX tại một xứ sở tưởng tượng có tên Bóng râm, ở đâu đó của vùng Liguria bờ biển miền tây bắc nước Ý trong ký ức thời niên thiếu của tác giả, cuốn truyện viết về cuộc đời ly kỳ của Nam tước Cosimo MưaGiông xứ Rondo khi lên 12 tuổi, phản kháng lại những đề nén của những lề thói gia đình mà đỉnh điểm là món ốc sên trên bàn ăn nhà mình, đã thoắt một cái trèo lên cây để từ đó ở lỳ cho đến hết cuộc đời, mặc cho bao phương cách đưa chàng xuống đất của cha mẹ, người thân và trước những biến động bão táp chấn động bởi cuộc Cách mạng Pháp năm 1789...
Câu chuyện được kể qua lời của Biagio - cậu em của Cosimo trong nỗi niềm tiếc nuối và khâm phục người anh trai của mình, đã dẫn dắt người đọc vượt qua bao nhiêu là cành nhánh, từ những cây ôliu khúc khuỷu, cây sồi xanh vạm vỡ để đến những cây đào với các cành lá mềm mại, rồi là những cây sung, cây mộc lan, cây minh quyết... Cứ thế, cuộc đời hơn 53 năm sống trên cây của Cosimo dần dần được tái hiện với những sự kiện lạ lùng như đối mặt với cướp biển Thổ Nhĩ Kỳ, làm bạn với tên cướp khét tiếng Gian ChùmThạchThảo, chiến đấu cho lý tưởng dân chủ, gia nhập hội Tam điểm hay đối thoại với Napoléon... và đặc biệt là mối tình say nồng thuở ấu thời với nàng Violante nhà láng giềng.
Với Cosimo, tuy luôn ở trên cây nhưng anh không bao giờ cắt đứt với cuộc sống của mọi người xung quanh. Và chính những khi treo mình dưới các tán lá xanh mướp trong ánh nắng lấp lánh, chàng Nam tước độc đáo này có được một cái nhìn tự do, khoáng đạt, khác với cái nhìn thường thấy của con người, mà đặc biệt là với những tầng lớp quý tộc mà anh từng thuộc về để hướng tấm lòng đến những người dân nghèo khổ bằng các cách thức riêng. Đó cũng là niềm khao khát của con người trong những xã hội bao vây của các bổn phận, qui ước, đúng như lời của Biagio khi nói: "Tôi ganh với Cosimo, kẻ sống những ngày, những đêm của mình, nương náu nơi bưng biền, trong chốn rừng xanh nào ai biết"…
Về tác phẩm này, Italo Calvino viết: "Một cậu bé trèo lên một ngọn cây, đu bám trên cành, chuyền từ cây này sang cây kia, quyết định không xuống nữa. Tác giả quyển truyện không làm gì khác hơn là khai triển hình ảnh giản dị này và đẩy nó đến một hệ quả tối cực: nhân vật sống cả đời trên cây, một cuộc đời không hề đơn điệu, thật vậy: sôi nổi phiêu lưu; không hề ẩn dật, song luôn duy trì một khoảng cách giữa mình và đồng loại: tối thiểu mà không thể vi phạm". Với Nam tước trên cây, nhà văn hậu hiện đại xuất sắc nước Ý thế kỷ XX Calvino tiếp tục trở lại với những chủ đề căn bản của tư tưởng thời Khai sáng trong việc khẳng định sự hiện hữu của cái tôi. Đó là những con người như chàng Nam tước Cosimo sẽ đi đến tận cùng khát vọng giải phóng trong sự gắn chặt với thiên nhiên với một suối nguồn suy tư lý tính...
Italo Calvino (1923-1985) là một trong những nhà văn lớn nhất thế kỷ XX của Ý. Phần lớn tác phẩm của ông là kiệt tác, trong đó có bộ ba tiểu thuyết kỳ ảo về thời quá khứ với tên gọi chung Tổ tiên của chúng ta gồm: Tử tước bị chẻ đôi người (1952), Nam tước trên cây (1957), và Hiệp sĩ không hiện hữu (1959). Ngoài ra ông còn có Cosmicomics (1965), Những thành phố vô hình (1972), Nếu một đêm đông người lữ khách (1979)...
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment