16.6.09

Đợi một cuốn sách quý

Dựng cây nêu ngày Tết


Mấy bữa nay cứ chờ đợi hoài, số là cuốn Kỹ thuật của người An Nam của Henri Oger đã được in lại vừa phát hành. Tuy nhiên ở miền Nam chỉ có được một vài bộ. Theo một người bạn làm ở Nhã Nam (công ty tham gia xuất bản cuốn này) thì trong một vài tuần tới, bộ sách này (gồm 3 tập, giá 600.000 đồng) sẽ được bán rộng rãi hơn. Vậy thì đợi tiếp thôi...

Còn cuốn Ký họa VN đầu thế kỷ 20 của ông Nguyễn Mạnh Hùng (NXB Trẻ) thì hiện nay khá hiếm, hình ảnh in đẹp, hôm qua tiệm sách cũ "hét" đến 350.000 đồng. Đến khi sách tái bản của Henri Oger phát hành rộng thì cuốn này chắc sẽ hạ thôi...

Về Nhà nghiên cứu Henri Oger và tác phẩm Kỹ thuật của người An Nam:

Tác giả Henri Oger, người Pháp, đậu Tú tài năm 1905 khi vừa tròn 20 tuổi. Sau đó, ông theo học tại các trường L’Ecole Coloniale, L’Ecole Pratique des Hautes études, rồi làm quản lý viên trong Cơ quan Hành chính Dân sự của chính quyền Đông Dương.

Năm 1908-1909, ông sang Việt Nam, tham gia nghiên cứu những thao tác và nghề thủ công của người Việt Nam để xây dựng, thống kê các thuật ngữ kỹ thuật, sau đó nghiên cứu sâu về gia đình người Việt. Cuộc sống với những nét văn hóa nơi đây đã có sức lôi cuốn đặc biệt với Henri.

Dự án quan trọng nhất mà ông có dịp tham gia là dự án Nghiên cứu thực địa về nền Văn minh Vật chất của người Việt Nam và các khía cạnh về xã hội học, một lĩnh vực khi đó có rất ít người “nhúng tay” vào.

Trong hai năm 1908-1909, Henri đã cùng một họa sĩ người Việt đi khắp các phố phường Hà Nội và vùng ngoại ô để thống kê và tìm hiểu rõ sự đa dạng của các ngành công thương nghiệp, phác họa lại những hình ảnh phản ánh đời sống của người dân từ sản xuất, buôn bán đến vui chơi, tập tục…

Henri làm việc với thái độ nghiêm túc, cẩn thận, đảm bảo tính trung thực, chính xác. Sau khi phác họa tranh xong, Henri mời người dân kiểm tra lại trước khi chuyển đến cho những người thợ khắc gỗ ở Hà Nội thực hiện.

Bằng tất cả niềm yêu thích, hứng thú với công việc, chàng trai người Pháp không ngại khó, cuối cùng đã cho ra đời quyển sách “Kỹ thuật của người An Nam”. Tác phẩm được xuất bản thành hai phần:

- Phần đầu là các bức tranh với nội dung rất phong phú, thẫm đậm chất dân gian như những bức ký họa: “Trị mụt mắt”, “Đánh vợ”, “Đám rước”, “Dựng nêu đón Tết”, “Thiến trâu”, “Chọi gà”, “Dạy con”, “Thầy đồ”, “Cất vó”, “Cắt cỏ tranh”,… tất cả đều được đánh số thứ tự rõ ràng trên tranh.

- Phần hai là tài liệu do Henri Oger quan sát, ghi chép lại, được chia thành bốn chương: những kỹ thuật khai thác nguyên vật liệu từ thiên nhiên; chế biến, gia công; sử dụng nguyên vật liệu đã được gia công, chế biến và đời sống cá nhân và tập thể của người Việt Nam.

Do thiên về tính kỹ thuật và không chú ý đến việc phổ biến, từ khi xuất bản, tác phẩm của Henri Oger không được mấy người biết đến và bị lãng quên. Mãi đến năm 1978, công trình này mới được nhắc tới tại một cuộc triển lãm ở Pháp với tên gọi “Những họa sĩ nông dân của Việt Nam”.

Ngày nay, tác phẩm của ông đã được nhìn nhận, trả lại đúng vị trí của nó. Cùng với thời gian, ông đã làm được việc ý nghĩa là lưu giữ lại những dấu ấn đời sống, kỹ thuật của người Việt Nam.

Tác phẩm được các chuyên gia của Viện Viễn Đông Bác Cổ đánh giá là công trình đầu tiên về nhân học kỹ thuật ở miền Bắc Việt Nam và thực sự trở thành mối quan tâm của giới khoa học hay những ai muốn nghiên cứu hay khám phá đời sống của người Việt Nam xưa.

Hiện chỉ còn 3 nơi giữ được bản gốc của tác phẩm, đó là: một bản ở thư viện Khoa học Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh; một bản ở Pháp và một bản ở Tổng Lãnh sứ quán Hà Lan.

Năm 2007, Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) tại Hà Nội hợp tác với thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh tái bản toàn bộ tác phẩm ra ba thứ tiếng, dưới dạng sách và ấn phẩm điện tử, được dịch ra chữ quốc ngữ những chú thích viết bằng chữ Hán Nôm, với mong muốn mang đến một cuộc sống mới cho công trình tư liệu gốc trước đây.

(TTXVN)

No comments:

Post a Comment