15.4.11

"Hơn nửa đời hư" của Vương Hồng Sển



Dưới đây là trích mấy đoạn đầu trong cuốn "Hơn nửa đời hư" của Vương Hồng Sển.

Thay lời tựa Tôi từ nhỏ đã có tánh ham mê đọc sách. Tôi cho sách là bạn cố tri trung thành, nên khi đọc và lúc cao hứng, tôi thường ghi lại bên lề trang sách những cảm tưởng nhứt thời, không khác được tỉ tê tâm sự với một bạn cố giao bằng xương bằng thịt. Vì vậy cuốn sách hóa ra của riêng, y như vợ nhà, và nếu thuở nay không đời nào ai cho mượn vợ, thì xin các bạn hiểu giùm vì sao tôi ít cho mượn sách. Sau này vì thời thế, tôi có cho mượn nhiều, đó là sự cùng chẳng đã, và những sách cho mượn là những cuốn có dư, dẫu mất cũng không tiếc. Tánh tôi rất khó, nên tôi lập tâm không bao giờ mượn sách của ai, vì tôi cho rằng đọc sách phải thư thả, sách mượn đọc hối hả để mau trả thì mất vui mất thú. Khi tôi lựa chọn được một cuốn sách hay, thì tôi chẳng nệ hà mắc giá, thế nào tôi cũng mua cho được, và tôi cưng cuốn sách còn hơn bà xã nội gia. Cách tôi đọc thì chậm rãi, tôi không tiếc thì giờ bỏ ra cho sách, khi khác tôi đọc ngấu nghiến còn hơn bồ câu ra ràn nuốt mồi không kịp đút, nói tục mà nghe, y như chó gặm xương, như mèo mới sanh được mẹ nhường mồi dạy ăn, vừa ngừ nghè sợ mất mồi vừa gầm gừ tiếng rên nho nhỏ vì khoái trá và vì sợ miếng ngon chóng hết hoặc anh chị nào đồng lứa sắp giựt phỏng trong mồm. Cũng vì những tật ham đọc sách hay, đọc quên ăn quên ngủ, thậm chí có khi quên cả phận sự buồng the, cho nên chỉ tồn đã hai phen bị giựt vợ, bị cắm sừng mà không tởn.

Từ năm Bính Tuất (1947), tôi chạy lên Sài Gòn nương náu thì tuổi đã xấp xỉ năm mươi, khi ấy tôi mới bắt đầu viết lách. Sự thật tôi viết, không có ý phô trương sở trường, mà đúng ra viết để kiếm thêm miếng cà và trôi miếng cơm, viết cho vơi bớt cơn buồn, nhứt là viết để bù đắp đồng lương công nhựt quá ít oi. Ngay nay, tôi xin kể những gì đã viết gọi đánh dấu bước đường đã trải:

- Sài Gòn năm xưa, Bản kỳ nhứt in năm 1960 (226 tr.) và tái bản năm 1969 (328 tr.);

- Thú chơi sách, in năm 1960 (167 tr.);

- Hồi ký năm mươi năm mê hát, in năm 1968, 254 trang;

- Chuyện cười cổ nhân, in năm 1971 (253 tr.), - Còn cuốn nhì, vẫn chưa xuất bản được;

- Một bộ Hiếu cổ đặc san gồm chín cuốn khảo về đồ men lam Huế, nhưng chỉ xuất bản cho đến nay được sáu cuốn đầu là:

- Cuốn 1: Phong lưu cũ mới, xuất bản năm 1970, 298 tr.;

- Cuốn 2: Thú xem truyện Tàu, in năm 1970, 327 tr.;

- Cuốn 3: Thú chơi cổ ngoạn, in năm 1971, 337 tr.;

- Cuốn 4: Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa, in năm 1972, 461 tr.;

- Cuốn 5: Cảnh Đức Trấn đào lục, in năm 1972, 368 tr.;

- Cuốn 6: Cuốn sổ tay của người chơi cổ ngoạn, in năm 1972, 365 tr.

Xuất bản đang ngon lành, bỗng có sự trục trặc, lúc đầu do ông ra tiền biến chứng, không khứng ra nữa tuy sách đã viết xong và sau đó ba tập sau rốt, tôi giao cho Trung tâm học liệu Bộ Quốc gia Giáo dục cũ lo việc in thành sách, thì đùng một cái, sách và hình ảnh đều thất lạc và ba cuốn ấy tôi xin kể là:

- Cuốn 7: Khảo về đồ sứ từ Hậu Lê đến sơ Nguyễn - 281 tr. đánh máy, 56 ảnh;

- Cuốn 8: Những đồ sứ do đi sứ mang về - 300 tr. đánh máy, 52 ảnh;

- Cuốn 9: NHỮNG ĐỒ SỨ KHÁC: Quốc dụng, ngự dụng, quan dụng, dân dụng, đồ ngang, đồ phố, đồ đàn v.v... - 311 tr. đánh máy, 214 ảnh.

Những ba tập 7, 8, 9 này, gọi chung là "Khảo về đồ sứ men lam Huế", vì nay chưa xuất bản được, nên bộ Hiếu cổ đặc san của tôi, xin kể tỷ như còn chỉ tồn bốn cuốn là những: Cuốn 3 "Thú chơi cổ ngoạn", cuốn 4 "Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa", cuốn 5 "Cảnh Đức Trấn đào lục", và cuốn 6 "Cuốn sổ tay của người chơi cổ ngoạn" là tàm tạm cũng xem chơi được buổi thừa nhàn gọi để hiểu sơ lược về đồ xưa đồ cổ ta và Tàu.

Ảnh: sachxua.net

No comments:

Post a Comment