23.7.09

Moon Palace - tác phẩm không có hồi kết



Thật đúng như chủ ý của những người thực hiện cuốn Moon Palace của nhà văn Mỹ lừng danh Paul Auster khi lấy đoạn cuối cùng để đưa ra như là điểm nhấn tại bìa sau cuốn sách. Đoạn văn đầy sức rung cảm, lay động tận sâu thẳm tâm hồn về nỗi cô đơn của con người, về sự nhỏ bé của con người trong cái vũ trụ bao la, trong những mối quan hệ gắn liền với sự tồn tại của con người.

"Tôi đứng một lúc lâu trên bờ biển, đợi đến lúc những mảnh vụn cuối cùng của ánh nắng tan biến. Đằng sau tôi, thành phố vẫn tiếp tục đời sống của nó, tạo ra những tiếng ồn quen thuộc của nước Mỹ cuối thế kỷ. Khi nhìn theo viền uống cong của bờ biển, tôi thấy đèn điện ngôi nhà được bật lên, từng cái từng cái một. Rồi trăng lên từ phía sau dãy đồi. Đó là một mặt trăng tròn vành vạnh, tròn và vàng như một viên đá bốc cháy. Tôi nhìn đăm đăm cảnh tượng nó trôi lên nền trời đêm, không rời mắt cho đến khi nó tìm được chỗ của mình trong bóng tối".

Kết thúc việc đọc cuốn Moon Palace này trong một khoảng thời gian khá ý nghĩa, 40 năm trước, nhân loại chứng kiến những bước đi nhỏ của con người nhưng là những bước đi vĩ đại, như nhà du hành Neil Armstrong nói khi đặt chân lên mặt trăng vào ngày 21.7.1969 từ tàu Apollo 11. Và mặt trăng cũng là cảm hứng siêu hình cho Auster trong tiểu thuyết của ông. Bối cảnh câu chuyện cũng ít nhiều liên quan đến sự kiện này khi Auster trong những đoạn khởi đầu có đề cập đến việc nước Mỹ chào đón những người đầu tiên bước chân trên mặt trăng.

Thêm một đoạn gợi nhiều cảm xúc, "Không hẳn là tôi bị choáng váng trước cảnh quan địa lý, mà sự hùng vĩ và trống rỗng của vùng đất (ở đây là Utah) bắt đầu có tác động đến cảm giác về thời gian của tôi. Hiện tại như thể trở nên phi hậu quả. Phút và giờ trở nên quá bé nhỏ để có thể đo đếm được tại nơi đây, và khi mở to mắt ra nhìn những gì có ở xung quanh, bạn sẽ buộc phải suy nghĩ theo đơn vị hàng thế kỷ, hiểu ra rằng một nghìn năm cũng không dài hơn một tích tắc đồng hồ. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy trái đất là một hành tinh xoay tít qua bầu trời. Nó không hề lớn, tôi phát hiện ra, nó rất nhỏ - gần như là tí hon. Trong số tất cả mọi thứ của vũ trụ, không gì nhỏ hơn trái đất".

Cảm xúc như đã từng trải qua khi đọc cuốn Nguồn gốc - nỗi hoài niệm về những thuở ban đầu của Trịnh Xuân Thuận, hay các tác phẩm tuyệt vời của Jared Diamond. Con người nhỏ bé, bao trùm lên nó là nỗi cô đơn. Những được mất, vui buồn trong sự tồn tại của con người sẽ chẳng còn là gì nữa khi con người đối diện với chính mình, với những khối rỗng không phi lý. Với Auster chàng trai hai mươi mấy tuổi Marco Stanley Fogg của Moon Palace hay ông già August Brill của Người trong bóng tối cùng mang trong lòng nỗi hoài niệm thiên thu của con người. Auster đặt họ trong những câu chuyện thường nhật, trong mối quan hệ xã hội và gia đình rất bình thường, nhưng qua những câu chuyện bình thường đó, những giá trị về tình thương, tình yêu lại được tôn vinh. Đọc các tác phẩm của Auster, điều dễ dàng nhận ra là những mối quan hệ gia đình rất được ông đặc biệt xem trọng. Các nhân vật được đặt trong các mối dây thân thiết để lần lượt khi có một sự mất mát nào xảy ra, đó sẽ là những nỗi đau đớn to lớn...

Còn hai cuốn Trần trụi với văn chươngNhạc đời may rủi đã được dịch sang tiếng Việt (hình như do Trịnh Lữ dịch) còn lần lữa chưa đọc, chắc ngày mai sẽ tranh thủ...

Moon Palace: xuất bản lần đầu năm 1989. Bản tiếng Việt của Cao Việt Dũng, NXB Văn học ấn hành năm 2009.

No comments:

Post a Comment