12.12.11

Truman Capote - Máu lạnh



Tháng 12.2011, Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn tiểu thuyết lừng danh nhất của Truman Capote – Máu lạnh, được viết trong suốt bốn năm với sự cộng tác chặt chẽ của Harper Lee, tác giả Giết con chim nhại. Được giới phê bình đánh giá là cuốn tiểu thuyết phi hư cấu xuất sắc nhất, "một cuộc cách mạng văn chương" của Mỹ, tác phẩm này đã đưa tên tuổi ông trở thành một trong những tác gia văn chương đương đại lớn nhất nước Mỹ.

A. VỀ TÁC GIẢ TRUMAN CAPOTE

Truman Capote (tên thật Truman Streckfus Persons) là nhà văn Mỹ lừng danh, tác giả của nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim được coi là kinh điển. Ông sinh ngày 30.09.1924 tại New Orleans. Ông đã trải qua thời thơ ấu không lấy gì làm êm thắm, cha mẹ ly dị, cha ngồi tù, ông phải sống xa mẹ một thời gian dài và chuyển nơi ở nhiều lần.

Ông phát hiện ra thiên tư của mình vào năm 11 tuổi và sớm thành danh ngay đầu tuổi đôi mươi với nhiều truyện ngắn được đăng trên tạp chí Harper’s Bazaar. Đã có ít nhất 20 bộ phim và kịch truyền hình được dựng dựa trên tiểu thuyết, truyện ngắn và kịch bản của ông.

Capote hai lần giành được giải O. Henry Memorial Short Story và là thành viên của Viện Văn chương Nghệ thuật Quốc gia Hoa Kỳ (National Institute of Arts and Letters). Ông mất ngày 25/08/1984 sau nhiều năm nghiện rượu và ma túy, chỉ ít ngày trước sinh nhật lần thứ sáu mươi.

Truman Capote còn là một người đồng tính công khai. Một trong những người tình đầu tiên của ông là Giáo sư văn học Đại học Smith Newton - Arvin.

B. VỀ TÁC PHẨM “MÁU LẠNH”

Máu lạnh (In cold blood) là tiểu thuyết lừng danh nhất của Truman Capote. Kiệt tác này tường thuật một sự kiện có thật: vụ ám sát tàn bạo cả bốn người trong một gia đình trại chủ ở Kansas.

Năm 1959, nhà văn Mỹ Truman Capote tình cờ đọc được thông tin về một vụ thảm sát bốn mạng người ở mặt sau của tờ báo New York Times. Ấn tượng mạnh với câu chuyện rùng rợn này, ông quyết định đi sâu vào tìm hiểu vụ việc. Trong suốt bốn năm, với sự cộng tác chặt chẽ của nhà văn Harper Lee, tác giả Giết con chim nhại, Truman Capote đã tiến hành thu thập các tư liệu, tìm hiểu tâm lý của nạn nhân và động cơ của tên giết người. Cuối cùng, năm 1964 ông cho ra đời Máu lạnh, cuốn tiểu thuyết dựa trên câu chuyện năm nào.

Chính xác là vào ngày 14 tháng Mười một năm 1959, hai gã Richard Eugene Hickock và Perry Edward Smith đã đột nhập vào nhà một trại chủ ở Holcomb, tiểu bang Kansas và ra tay sát hại cả bốn người trong gia đình, gồm đôi vợ chồng với hai đứa con nhỏ. Nạn nhân không phải ai xa lạ mà chính là gia đình Clutter, “một trong những chủ trại được kính trọng khắp xa gần và được biết tiếng nhất ở vùng này”.

Làng Holcomb là một vùng hẻo lánh nhưng sung túc, giàu tài nguyên khí đốt. Suốt bảy năm qua không hề có hạn hán, người dân luôn an cư lạc nghiệp. Chính vì vậy, vụ án đã trở thành cú sốc lớn đối với mọi người và tạo nên một làn sóng mạnh mẽ trong dư luận xã hội. Cả thành phố vô cùng phẫn nộ bởi hành động vô nhân tính ấy.

Ngay lập tức, Cục Điều tra Bang Kansas vào cuộc. Tuy nhiên, các viên chức điều tra thừa nhận họ không tìm ra được động cơ của vụ án. Họ thậm chí không xác định được có bao nhiêu tên sát nhân tham gia bởi lẽ chúng không để lại một dấu vết, không một nhân chứng nào trông thấy. Vụ án được xếp là tàn ác nhất trong lịch sử Kansas.

Người đọc không chỉ bị lôi cuốn bởi một câu chuyện hấp dẫn, chặt chẽ từ đầu đến cuối mà còn bởi những đoạn tường thuật, miêu tả đầy chi tiết, sống động. Bằng bút lực phi thường, Truman Capote đã lật ngược thời gian, đưa người đọc trở về giai đoạn trước khi xảy ra vụ án mạng thảm khốc. Tác giả dựng lại khung cảnh gia đình Clutter khi còn sống một cách hết sức tỉ mỉ. Ở đó, người đọc có thể thấy rõ tính cách cũng như tâm lý, tình cảm của từng nhân vật.

Song song đó là hình ảnh hai tên sát nhân trẻ tuổi cùng mối quan hệ phức tạp của chúng. “Bốn phát súng nổ, tóm lại đã kết liễu sáu mạng người” - Truman Capote nhận định ngay khi bắt đầu tác phẩm. Bởi lẽ vụ thảm sát không chỉ cướp đi bốn mạng người nhà Clutter, mà còn đặt đấu chấm hết cho cuộc đời của Hickock và Smith, hai tên thú tính. Chẳng bao lâu sau, nhà chức trách tóm được bọn sát nhân. Với chứng cớ rành rành, hai kẻ gây ra tội ác cuối cùng phải lãnh án tử hình.

Thế nhưng, Capote không trực tiếp lên án tội ác mà trái lại đưa ra nhiều dữ kiện, tình tiết để độc giả được hiểu rõ hơn về những kẻ tử tội. Một mặt, ông thể hiện rõ ràng rằng tội ác này không thể khoan thứ. Mặt khác, ông cũng cho người đọc thấy được mặt kia của hai tên sát nhân, về hoàn cảnh gia đình, lý do gì dẫn chúng đến con đường tội ác. Ông chuyển tiếp các chi tiết và sự kiện một cách linh hoạt, khiến cho người đọc dù biết trước thủ phạm ngay từ đầu vẫn dõi theo mạch truyện đến cuối.

Với Máu lạnh, Truman Capote không chỉ thể hiện vai trò của một nhà văn, nhà báo, mà còn trở thành một điều tra viên xuất sắc. Điểm hấp dẫn của Máu lạnh là tác giả không hề hư cấu hay thêm bớt mà tuyệt đối trung thành với sự thật. Ông chỉ viết dựa trên các bản báo cáo của cơ quan điều tra và những lần chính ông trực tiếp phỏng vấn gia đình, bạn bè của các nạn nhân, cũng như hai tên tội phạm.

Bằng cách “xử lý một sự kiện có thật bằng những kỹ thuật của văn chương hư cấu”, nhà văn muốn tạo ra một thể dung hợp mới, một thứ nằm giữa “chuyện thật trăm phần trăm” và tác phẩm nghệ thuật. Do đó, ông tự xem tác phẩm của mình thuộc loại phi hư cấu, trong đó, "mỗi từ đều là sự thật". Được vinh danh là tác phẩm tiêu biểu và xuất sắc khó lòng vượt qua của cái gọi là “báo chí kiểu mới”, Máu lạnh đồng thời cũng chính là thành tựu lớn nhất, đỉnh cao sự nghiệp của Capote dù không phải tác phẩm cuối cùng của ông.

Tác phẩm đã được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên vào năm 1967. Riêng câu chuyện về hành trình viết tiểu thuyết của Capote đã được Hollywood dựng thành hai bộ phim, trong đó có Capote, bộ phim giành được giải Oscar năm 2005.

Thông cáo báo chí của Nhã Nam