25.2.11

GS-NGND Nguyễn Tài Cẩn tạ thế


Gia đình cho biết, vào lúc 19 giờ 10 phút (giờ Hà Nội) ngày 25 tháng 2 năm 2011, Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Tài Cẩn đã từ trần tại nhà riêng ở Maxcơva sau một thời gian lâm bệnh, được gia đình và bác sĩ tận tình chăm sóc, cứu chữa.

GS Nguyễn Tài Cẩn sinh ngày 2-5-1926 tại làng Thượng Thọ (nay thuộc xã Thanh Văn), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An trong một gia đình Nho học có truyền thống yêu nước. Thời niên thiếu, GS theo học Quốc học Vinh và Quốc học Huế.

Sau Cách mạng tháng Tám, GS tham gia công tác kháng chiến tại Nghệ An, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1949. Năm 1949, GS bắt đầu dạy học. Năm 1952, GS được bổ nhiệm Trợ lí đại học lớp đại học đầu tiên ở Liên khu Bốn. Năm 1953 - 1954 là Trưởng phòng chuyên môn Khu giáo dục Liên khu Bốn. Trong những năm 1955 - 1960, GS được Bộ Giáo dục VN cử làm chuyên gia Việt ngữ học đầu tiên tai Liên Xô (làm việc tại Đại học tổng hơp Leningrad). Năm 1960, GS bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ ngữ văn đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô về ngành Ngôn ngữ học với đề tài “Từ loại danh từ tiếng Việt”.

Từ năm 1961-1971, GS làm Chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ học tại khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1980, được phong hàm Giáo sư. Trong các năm 1982, 1988-1990 là giáo sư thỉnh giảng tai Đại học Paris 7 (Pháp) và 1991 tại Đại học Cornell (Hoa kì).

Năm 2000, GS được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về cụm 3 công trình

Ngữ pháp tiếng Việt - Từ ghép, đoản ngữ.
Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt.
Nguồn gốc và quá trình cách đọc Hán - Việt.

Năm 2008, GS được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Cuộc đời GS.NGND. Nguyễn Tài Cẩn là tấm gương sáng của một trí thức yêu nước và cách mạng, là mẫu hình một con người lao động trí tuệ cật lực và không biết mệt mỏi. Sự nghiệp đào tạo của GS để lại nhiều nhân tài cho đất nước trong lĩnh vực Ngôn ngữ học. Những tác phẩm khoa học của GS đưa đến những tri thức khoa học cơ bản cho xã hội và gợi mở nhiều hướng tiếp cận cho các thế hệ hôm nay.
Cho tới tận cuối cuộc đời, từ nước Nga xa xôi, những bài viết của GS vẫn đều đặn gửi về cho các tạp chí khoa học trong nước. Khoa Ngôn ngữ, khoa Văn Học, trường Đại học Tổng hợp trước đây và trường Đại học Khoa hoc Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội hôm nay mãi mãi là mái nhà thân thương thứ hai của Giáo sư.


Khoa Văn học - trường ĐH KHXH-NV HN

12.2.11

Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến từ trần


Nhà nghiên cứu, dịch giả Hoàng Ngọc Hiến đã từ trần hồi 23 giờ 30 đêm 24/1/2011 tại Hà Nội, hưởng thọ 81 tuổi.

GS. Hoàng Ngọc Hiến sinh ngày 21 tháng 7 năm 1930 (năm Canh Ngọ) tại Nam Định, Quê gốc: làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Sau năm 1945, ông cùng gia đình đi tản cư kháng chiến, học trường trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng. Từ 1950 – 1957, ông dạy văn tại trường cấp III Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh).

Từ 1957 – 1959, ông là trợ lý khoa Văn Đại học Tổng hợp và Đại học Sư Phạm (lúc này hai trường chưa tách). 1959 – 1964, ông làm nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công Tiến sĩ Văn học chuyên ngành lý luận, phê bình tại Đại học Lomonoxop, Liên Xô.

Ông đã từng dạy ở các trường Đại học Sư phạm Vinh, Đại học Văn hóa. Năm 1974, ông khởi xướng việc thành lập và là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du. Từ 1974 – 1991, ông đảm trách vai trò Chủ nhiệm Khoa Sáng tác Văn học của trường này.

Ông là đồng chủ bút với Huỳnh Sanh Thông, Trương Vũ ra tạp chí Vietnam Review (phát hành ở Mỹ trong 2 năm 1996, 1997). Ông cũng từng là cố vấn khoa học của Consult Invest Group.

Năm 2005, ông cùng với nhiều nhà nghiên cứu khác sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Minh triết Việt và là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của trung tâm này. Ông qua đời khi đang chủ trì đề tài khoa học: Minh triết trong tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam.

Tác phẩm đã xuất bản của GS. Hoàng Ngọc Hiến:

- “Ngọn gió thổi những chiếc lá bay qua đại dương”, Tập ký
- Maiacôpxki. Con người, cuộc đời và thơ (Khảo cứu. Tuyển dịch.1976)
- Maiacôpxki. Hài kịch. (dịch, 1984)
- Văn học Xô Viết đương đại (khảo cứu, 1987)
- Văn học - học văn (tiểu luận và phê bình, 1992)
- Văn học và học văn (tiểu luận và phê bình, 1997)
- Văn học gần và xa (tiểu luận, 2003, NXB Giáo dục)
- Triết lí văn hóa và triết luận văn chương (Khảo cứu, 2006)
- Những ngả đường vào văn học (2006)
- Văn hóa và văn minh - Văn hóa chân lý và văn hóa dịch lý (2007, NXB Đà Nẵng)
- Hoàng Ngọc Hiến. Tuyển tập chọn lọc (2008)
- Xác lập cơ sở cho đạo đức, Bàn về tính hiệu quả (dịch từ sách của Francois Jullien)
- Minh triết phương Đông và triết học phương Tây (Tuyển tập những công trình của nhà triết học đương đại Pháp F.Jullien, NXB Đà Nẵng, 2004)


Theo Nxb Tri Thức

11.2.11

Sách học lịch sử



Thêm hai cuốn tra cứu sơ khởi cho việc học sử Việt

10.2.11

Những bức thư đầm ấm


Quách Tấn - Nguyễn Hiến Lê: Những bức thư đầm ấm, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2010.

Cuốn này coi "cọp" ở nhà sách Hà Nội bữa giờ được vài chục trang, càng đọc càng thấy thích, có lúc quên cả giờ vào làm. Câu chữ nhẹ nhàng mà nồng ấm của đôi bạn văn thơ Quách Tấn - Nguyễn Hiến Lê, đúng như tựa đề của sách. Sống ở trên đời có sự hữu ý và kính trọng tài năng của nhau như thế thật hiếm có. Ngoài ra, qua những bức thư của Quách Tấn và Nguyễn Hiến Lê gửi cho nhau, ta cũng có thể hiểu thêm về bối cảnh đời sống học thuật miền Nam trong những năm ấy...

9.2.11

Thế thứ các triều vua Việt Nam - Nguyễn Khắc Thuần


Một cuốn tra cứu sơ khởi cho việc học sử Việt thật bổ ích, tiện lợi.

Lời nói đầu:

Năm Nhâm Thân, niên hiệu Thiệu Long thứ 15 (1272), quan giữ chức Quốc sử viện giám tu, tước Nhân Uyên Hầu là bảng nhãn Lê Văn Hưu (1230-1322), đã hoàn tất bộ chính sử đầu tiên của nước nhà là Đại Việt sử kí gồm tất cả 30 quyển. Sách dâng lên, vua Trần Thánh Tông (1258-1278) xuống chiếu đặc biệt khen ngơi. Đại Việt sử kí nay đã thất truyền, nhưng ở thời Lê Sơ, sách vẫn còn và được Ngô Sĩ Liên cùng các sử gia xuất chúng đương thời đánh giá rất cao. Bởi được sự trân trọng và đánh giá cao như vậy, Đại Việt sử kí đã hóa thân, trở thành một bộ phận của Đại Việt sử kí toàn thư.