1.9.09

Hai cuốn sách mới của Nothomb



Sau hai cuốn Sững sờ và run rẩyHồi ức kẻ sát nhân, nữ văn sĩ nổi tiếng lập dị người Bỉ Amélie Nothomb tiếp tục đến với độc giả Việt Nam qua cuốn tiểu thuyết đặc sắc khác của cô, Nhật ký Chim Én. Vẫn với lối kể chuyện lạnh lùng nhưng cực kỳ sắc sảo, những đoạn hội thoại tinh tế và đầy chất hài hước, Amélie Nothomb một lần nữa cho thấy tài năng và sự nhạy bén của cô trước một xã hội nghẹt thở, bất an. Đó là một xã hội chất chứa nhiều hiểm họa như những khối thuốc nổ hẹn giờ bởi các chiều kích ứng xử phi lý của những con người rỗng không, thiếu hụt cảm giác.

Câu chuyện được kể bởi một gã chạy việc vặt rơi vào tình trạng bị "cắt bỏ mọi cảm xúc" sau một cú sốc ái tình. Bắt đầu cuộc sống mới sau khi bị đuổi việc bằng một cái tên giả - Urbain, gã ta tìm tới những khoái cảm lệch lạc bằng việc trở thành một tay giết thuê máu lạnh. Bất kể là ai, từ trẻ con đến người lớn, từ đàn ông cho đến đàn bà; hay bất kể nghề nghiệp từ một tay trùm tư bản, tay nhà báo, công chứng viên cho đến người nữ tu dòng Carmel... gã đều thẳng tay với một niềm hưng phấn lạ kỳ. Để rồi đến một ngày, sau ánh mắt mạnh mẽ trước cái chết cùng cuốn nhật ký bí hiểm để lại của một cô gái vừa tròn mười tám tuổi mà gã gọi tên là Chim Én - nạn nhân cuối cùng của gã đã khiến cho những giác quan từ lâu bị chôn vùi bất ngờ vụt dậy. Để từ đó mùi hương cây đoạn tràn ngập tâm hồn gã, vẻ rực rỡ của những bông mẫu đơn khiến mắt gã được mở lớn, gió tháng Năm vuốt ve làm da thịt gã rộn ràng, tiếng chim hót làm trái tim gã xao xuyến...

Với Nhật ký Chim Én, nhà văn vừa mừng sinh nhật lần thứ 42 (ngày 13.8) Amélie Nothomb, người chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi nền văn hóa Nhật Bản, nơi cô chào đời, tiếp tục sự nghiệp văn chương đầy thành công của mình với những vấn đề về bản chất và sự tồn tại của con người trong mối quan hệ xã hội hiện đại, nơi chứa dựng những sự kiện khó ngờ tựa như những cái chết phi lý gây ra bởi một cơn đột quỵ. Con người hiện đại chìm trong một thế giới mà những mối dây liên kết giữa người với người dần bị nới lỏng, thay vào đó là những tương tác trong không gian ảo nơi con người bị tước bỏ tất cả những “cảm giác người” để tìm tới những hành trình giết chóc tựa như trong các trò chơi. Amélie Nothomb thông qua việc đặt con người trong những khía cạnh tàn bạo nhất, đã lại thành công trong việc hướng độc giả tới "cái nhìn hết sức độc đáo về xã hội thời nay" (evene.fr).

Cùng phát hành với cuốn Nhật ký Chim Én là cuốn Axit Sunfuric cũng của Amélie Nothomb. Được đánh giá là một tác phẩm tuyệt vời "vì nó khiến độc giả phải dừng lại và ngẫm xem ngày nay, trong quan hệ giữa người với người, liệu người này còn thực sự đóng vai trò quan trọng với người khác và liệu chúng ta có thể giúp một người xấu trở nên tốt đẹp hay không” (e-litterature.net), Axit Sunfuric kể về một chương trình truyền hình thực tế mới có tên Trại tập trung, ở đó, khán giả của sẽ được xem cảnh tra tấn các nạn nhân đầy cam chịu. Chỉ có một nạn nhân chống cự và thái độ ấy đưa cô cùng các bạn đồng hành cũng như khán giả đi từ cú sốc này đến cú sốc khác…

Con gái của đại sứ và nhà văn Bỉ Patrick Nothomb, Amélie Nothomb sinh tại thành phố Kobe của Nhật, ngày 13.8.1967. Cô chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Nhật. Rời Nhật, Amélie tiếp tục theo cha qua Trung Quốc, Mỹ rồi các nước Đông Nam Á. Năm 17 tuổi, Amélie trở về Bỉ và bắt đầu khám phá nền văn hóa, lối sống phương Tây. Năm 1992, đã có trong tay khoảng 20 bản thảo, Amélie Nothomb quyết định gầy dựng tên tuổi và xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình, Hygiène de l'assassin (Hồi ức kẻ sát nhân). Cuốn tiểu thuyết này đánh dấu thành công đầu tiên của cô. Từ đó đến nay, đều đặn mỗi năm cô xuất bản một cuốn.

Sững sờ và run rẩy (1999) đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp của nữ nhà văn trẻ. Cuốn sách đã bán được 500.000 bản, thành công lớn nhất cho đến nay của tác giả, ngoài ra, nó còn nhận Giải thưởng Lớn của Viện Hàn lâm Pháp cho thể loại tiểu thuyết và được chuyển thể thành phim (2003).

"Phương pháp luận" của Descarters


Nguyên tác "Discours de la méthode" của René Descarters. Bản Việt ngữ do Trần Thái Đỉnh phiên dịch, nhập đề và chú giải. Nam Chi Tùng Thư xuất bản lần thứ nhất năm 1973.