26.4.11

Vật lý hiện đại: Những vấn đề thời sự từ Bigbounce đến vũ trụ toàn ảnh

Đôi dòng về tác giả:

GS. Cao Chi là cộng tác viên khoa học Việt Nam tại Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Doubna (1963-1968), chuyên viên cao cấp Viện Khoa học Kỹ thuật Hạt nhân, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (1968-1995). Tác giả nhiều công trình khoa học về đối xứng, hấp dẫn, ứng dụng hình học vào lý thuyết trường, nhiều bài viết về năng lượng hạt nhân và phổ biến khoa học đăng tải trên các tạp chí, các tổng quan trên hai tập kỉ yếu do NXB Tri ấn hành, như: Max Planck - Người khai sáng thuyết lượng tử: Kỷ yếu mừng sinh nhật thứ 150 (1858 - 2008) (2009); 150 năm thuyết tiến hoá & Charles Darwin - Kỷ yếu 2009, Tập 2 (01/2010). Đồng dịch giả (cùng với Phạm Văn Thiều) cuốn Lược sử thời gian của Stephen Hawking. Chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước KC 09-17: Nghiên cứu chiến lược phát triển Khoa học Kỹ thuật hạt nhân và Năng lượng hạt nhân nhằm Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân vào các ngành kinh tế và khả năng đưa điện nguyên tử vào Việt Nam.

Về tác phẩm:

Vật lý hiện đại: Những vấn đề thời sự từ Bigbounce đến vũ trụ toàn ảnh là một phác thảo tổng quan những kiến thức cơ bản nhất của vật lý hiện đại mà hiện đang có ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực khoa học và triết học. Đề cập tới những lĩnh vực quan trọng nhất và thời sự nhất của vật lý hiện đại, tác giả của cuốn sách này hi vọng có thể giúp ích cho các bạn đọc không chỉ các bạn học tập và công tác trong ngành vật lý mà còn cho nhiều bạn đọc ở nhiều ngành khác (sinh học, triết học, nghệ thuật) dễ dàng tiếp cận với các vấn đề khác của vật lý hiện đại.

Sách gồm 4 phần với 9 chương, trong mỗi chương có nhiều mục §, mỗi mục được trình bày theo thể thức để có thể đọc được gần như độc lập với nhau. Ngoài bốn phần trên, cuối sách có phần phụ lục. Tài liệu tham khảo được in kèm sau mỗi mục giúp dễ dàng cho việc tham chiếu. Các từ mới và từ viết tắt đươc giải thích ngay trong mục hoặc trong phần chú thích sau mỗi mục. Cuối sách có bảng tra cứu giúp tìm vị trí (ở trang nào) của các từ. Sách được minh họa bằng nhiều hình (khoảng 200 hình) nhằm làm cho việc đọc trở nên thú vị và dễ hiểu.

Hai cuốn triết (tiếng Pháp)




2 cuốn triết của triết gia P.Foulquié. "Psychologie" (366 trang); "Logique - Morale" (446 trang). Xuất bản năm 1956-1957.

20.4.11

Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa - Yoshiharu Tsuboi


YOSHIHARU TSUBOÏ sinh năm 1948, nguyên là giảng viên Luật khoa tại Đại học Tokyo. Ông bắt đầu nghiên cứu về Việt Nam từ năm 1973, cuốn Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa được trích từ luận án tiến sĩ đệ tam cấp bảo vệ năm 1982 tại Đại học Paris. Hiện ông là Giáo sư Lịch sử chính trị và xã hội Đông Nam Á, Đại học Waseda, Tokyo.

Ra mắt tập thơ Hoàng Cầm



Hoàng Cầm

Sinh ngày 22.2.1922 tại Việt Yên, Bắc Giang
Mất ngày 6.5.2010
Quê gốc: Thuận Thành, Bắc Ninh
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2007

Trưởng thành trong những chặng đường đầy sóng gió của dân tộc, rồi đúng giữa độ chín của tài năng, lại trở thành một nhân vật trung tâm chịu nhiều đày ải trong cái án văn chương lớn bậc nhất nhì thế kỷ 20, và chính từ tận cùng đau khổ bật vút lên sáng tác quan trọng nhất trong văn nghiệp: Về Kinh Bắc - ông là chàng thi sĩ tài hoa đa tình của đất Quan họ, người chọn cho mình cái tên thơ đắng lạnh của một vị thuốc tính hàn, sẫm vàng như hổ phách: Hoàng Cầm.

Mấy chục năm lận đận vì thơ, đến cuối đời mới được nhìn lại, được công nhận, gia tài thơ của Hoàng Cầm có lẽ là thứ tròn đầy duy nhất trong đời ông. Ngoài hơn trăm bài thơ lẻ mà phần lớn là những khúc thơ tình phảng phất quan họ, còn có trường ca Tiếng hát Quan họ sáng tác năm 1956, được coi như tiền đề của Về Kinh Bắc ra đời mấy năm sau đó, có truyện thơ Men đá vàng dành “dâng linh hồn con gái Bùi Hoàng Yến”… Và không thể không kể đến thể loại mà chính ông khẳng định đã làm nên tên tuổi, dấu ấn riêng của Hoàng Cầm thời kỳ đầu: kịch thơ, trong đó nổi bật nhất, với những câu thơ vượt thời gian, là Kiều Loan.

Một điều đáng tiếc, cho đến ngày bất chợt về cõi ở tuổi ngót chín mươi, Hoàng Cầm vẫn chỉ xuất hiện trước người yêu thơ với những tập thơ nhỏ, riêng lẻ. Chưa từng có một ấn bản dày dặn nào quy tụ các tác phẩm nổi bật để phác họa nên bức chân dung toàn diện của nhà thơ.

Nhân ngày giỗ đầu của thi sĩ đất Kinh Bắc, Nhã Nam và Nxb Hội Nhà văn giới thiệu tuyển tập thơ Hoàng Cầm với những sáng tác quan trọng nhất, là cột mốc, là cốt yếu trong đời sáng tác của ông, cùng các thủ bút, di cảo - như một tri ân đến vong linh người đã sống trọn vẹn với Thơ và Tình, cũng là người đã làm nên một phần lịch sử thơ Việt Nam.

(Thông cáo báo chí của Nhã Nam)

18.4.11

Người "lội bộ" suốt 5 thế kỷ

Bên cạnh công việc làm báo, nhà văn Hồ Trung Tú còn say sưa các đề tài về văn hóa, lịch sử. Tìm hiểu những bản sắc văn hóa Quảng Nam qua góc nhìn “phân kỳ lịch sử” là đề tài đã thu hút trí lực của anh trong nhiều năm.

Cuốn sách Có 500 năm như thế dày 260 trang của Hồ Trung Tú do NXB Thời Đại và Công ty Phương Nam ấn hành. Bằng cái nhìn "phân kỳ lịch sử", tác giả đã phân tích bản sắc văn hóa của vùng đất Quảng Nam (và Đàng Trong) theo cách rất riêng. Nhiều đồng nghiệp của anh như Tạ Duy Anh và Inrasara đã nhận xét đây là một công trình "điều tra đầy mạo hiểm" hoặc "vừa dũng cảm vừa khoa học"... để lý giải lịch sử với một tình yêu lớn lao của tác giả cùng di sản dân tộc...

Bìa sách là họa phẩm Một nhóm người xứ Đàng Trong năm 1792-1793 khá đặc sắc của học giả người Anh John Barrow. Đây là một dẫn chứng quý giá về sự chung đụng của người Đại Việt và Chămpa kéo dài trong nhiều thế kỷ qua nhưng ít có những nghiên cứu thấu đáo. Chừng đó cũng đủ thấy ý đồ của tác giả muốn minh chứng rằng trong gốc gác, giọng nói, các di sản văn hóa và tính cách của người Quảng, người Đàng Trong có một phần của người Chămpa mà nhiều năm qua anh đã cố công tìm hiểu qua nhiều tài liệu nghiên cứu, nhiều gia phả và các điền dã.

Tại sao nhiều gia phả tộc họ được ghi tiền hiền của họ vào Nam theo chân cuộc Nam tiến của Lê Thánh Tông, mà con cháu đến nay chỉ mới 17-18 đời? Mất đi cả vài trăm năm nếu tính từ năm 1471! Đặt ra câu hỏi đó sau những cuộc điền dã và đối chiếu sử liệu, Hồ Trung Tú đã tìm được câu trả lời: Tiền hiền các tộc họ đó vào sớm hơn nhưng đã lưu lại ở đâu đó, có thể là những vùng đất đai không màu mỡ, giao thông khó khăn vì những nơi trù phú vẫn còn các làng người Chăm đang sinh sống. Sau đó một thời gian dài, các tộc họ trên mới dần đến định cư ở làng Chăm, lấy vợ Chăm cho đến ngày nay. Đây là một vấn đề khá độc đáo trong lịch sử mà tác giả đã mạnh dạn nêu ra với nhiều chứng lý, kể cả tư liệu của chính tộc họ mình...

Các hình ảnh như ông Ba Bị, cái quần "trật bù lương", chiếc khăn quấn đầu của những nông dân nghèo ở Quảng Nam nay không còn nữa, nhiều làn điệu dân ca hay cách phát âm riêng biệt của những vùng đất, cách tính các đời, thế hệ của mỗi tộc họ người Việt, lý do vì sao nhiều người mẹ ở lớp tiền hiền, hậu hiền không thấy có tên trong nhiều gia phả, sự hình thành giọng nói của từng vùng... đã được tác giả nghiên cứu, ghi nhận, đối chiếu và soi rọi qua lăng kính riêng để chứng minh cho luận điểm của mình. Bàng bạc trong nhiều chương sách, ta lại thấy Hồ Trung Tú nêu ra những câu, những cụm từ đại loại như: Phải chăng?; Chưa có bằng chứng khảo cổ; Khó mà có thể khẳng định được điều gì; Cũng là nghi án của lịch sử; Giả định rằng; Suy ra... với một thái độ khá thận trọng trước những tồn nghi chưa có giải đáp trước đó. Có thể nhiều bạn đọc sẽ cho rằng tác giả chủ quan trước những vấn đề lịch sử, khoa học. Nhưng theo tôi, đó cũng là một đức tính cần thiết của một người nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội, nhân văn ở xứ ta, bởi lẽ cứ liệu, các điều tra cơ bản trong những lĩnh vực này thường rất hiếm vì nhiều nguyên nhân. Hồ Trung Tú cũng thừa nhận khó khăn này ngay trong lời mở đầu cuốn sách và mong rằng sự mạnh dạn của anh sẽ "đẩy cuộc nghiên cứu sau này thoát khỏi cuộc xuất phát...".

Có cảm giác rằng cuốn sách sẽ đón nhận nhiều ý kiến tranh biện thú vị. Nhưng nếu không có sự "mạo hiểm" và "dũng cảm", liệu có được sự tiến bộ? Hỏi cũng đồng thời đã trả lời. Và Hồ Trung Tú đã làm được việc có ý nghĩa, như người một mình tự “lội bộ” trong chiều dài suốt 500 năm lịch sử để tìm giải đáp cho những vấn đề mà lâu nay anh đăm đắm trong lòng.

Trương Điện Thắng (Báo Thanh Niên, 17.4.2011)

15.4.11

Blog của ntd

Cái blog của bác ntd này làm công phu và nhiều thông tin giá trị nè. Bác này mới thật đáng nể về sự am tường sách xưa VN ở Sài thành.

Ra mắt bộ sách Lịch sử Nam Bộ kháng chiến

Sau gần 10 năm nghiên cứu, biên soạn và biên tập, bộ sách Lịch sử Nam Bộ kháng chiến - do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo và nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng làm chủ biên - đã chính thức được xuất bản.

Sáng 31-3-2011, hội đồng chỉ đạo biên soạn, ban biên soạn và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật đã tổ chức lễ tổng kết và công bố bộ sách tại Hội trường Thống Nhất TP.HCM. Bộ sách gồm bốn cuốn, trong đó có hai tập chính sử: Lịch sử Nam Bộ kháng chiến (1945-1954) Lịch sử Nam Bộ kháng chiến (1954-1975); một tập Biên niên sự kiện lịch sử Nam Bộ kháng chiến 1945-1975 và một tập Những vấn đề chính yếu trong lịch sử Nam Bộ kháng chiến. (Ảnh: cpv.org.vn)

Sách cụ Vương

Sách của Vương Hồng Sển bây giờ tìm khó quá. Nếu muốn có ngay thì giá trên dưới 1 triệu đồng/một cuốn trong bộ Hiếu cổ đặc san. Nhớ ngày trước, cách nay cũng khoảng 2 năm, qua bên tiệm sách cũ Nam (đường Bạch Mã) thì giá tầm 200, 300 ngàn/cuốn. Lúc ấy đã thấy đắt, nhưng cũng định bụng vài tuần có tiền thì mua cho trọn bộ.

Thế nhưng khoảng hai tháng sau ghé lại thì giá đã vọt lên trên nửa triệu. Lão Nam kêu sách cụ Vương bây giờ các lái sách gom ra Bắc hết rồi, ngoài ấy người ta đua nhau chơi đồ cổ và các cuốn của "Đại giáo chủ" họ Vương, với phong cách "lạ" từ miền Nam, có thể nói là sách gối đầu.

Cách đây cũng trên một năm, tình cờ vớ được hai cuốn trong bộ Hiếu cổ của tiệm sách cũ thân quen với giá không thể rẻ hơn, khi đến cơ quan thì cả ngày hôm đó lòng như mở hội. Quên cả làm việc, cứ giở ra giở lại săm soi. Từ ngày giá cứ lên vùn vụt, thì chỉ còn có thể mong cho cảnh "táp được ruồi" đó tái diễn mà thôi, hehe.

"Hơn nửa đời hư" của Vương Hồng Sển



Dưới đây là trích mấy đoạn đầu trong cuốn "Hơn nửa đời hư" của Vương Hồng Sển.

Thay lời tựa Tôi từ nhỏ đã có tánh ham mê đọc sách. Tôi cho sách là bạn cố tri trung thành, nên khi đọc và lúc cao hứng, tôi thường ghi lại bên lề trang sách những cảm tưởng nhứt thời, không khác được tỉ tê tâm sự với một bạn cố giao bằng xương bằng thịt. Vì vậy cuốn sách hóa ra của riêng, y như vợ nhà, và nếu thuở nay không đời nào ai cho mượn vợ, thì xin các bạn hiểu giùm vì sao tôi ít cho mượn sách. Sau này vì thời thế, tôi có cho mượn nhiều, đó là sự cùng chẳng đã, và những sách cho mượn là những cuốn có dư, dẫu mất cũng không tiếc. Tánh tôi rất khó, nên tôi lập tâm không bao giờ mượn sách của ai, vì tôi cho rằng đọc sách phải thư thả, sách mượn đọc hối hả để mau trả thì mất vui mất thú. Khi tôi lựa chọn được một cuốn sách hay, thì tôi chẳng nệ hà mắc giá, thế nào tôi cũng mua cho được, và tôi cưng cuốn sách còn hơn bà xã nội gia. Cách tôi đọc thì chậm rãi, tôi không tiếc thì giờ bỏ ra cho sách, khi khác tôi đọc ngấu nghiến còn hơn bồ câu ra ràn nuốt mồi không kịp đút, nói tục mà nghe, y như chó gặm xương, như mèo mới sanh được mẹ nhường mồi dạy ăn, vừa ngừ nghè sợ mất mồi vừa gầm gừ tiếng rên nho nhỏ vì khoái trá và vì sợ miếng ngon chóng hết hoặc anh chị nào đồng lứa sắp giựt phỏng trong mồm. Cũng vì những tật ham đọc sách hay, đọc quên ăn quên ngủ, thậm chí có khi quên cả phận sự buồng the, cho nên chỉ tồn đã hai phen bị giựt vợ, bị cắm sừng mà không tởn.

Từ năm Bính Tuất (1947), tôi chạy lên Sài Gòn nương náu thì tuổi đã xấp xỉ năm mươi, khi ấy tôi mới bắt đầu viết lách. Sự thật tôi viết, không có ý phô trương sở trường, mà đúng ra viết để kiếm thêm miếng cà và trôi miếng cơm, viết cho vơi bớt cơn buồn, nhứt là viết để bù đắp đồng lương công nhựt quá ít oi. Ngay nay, tôi xin kể những gì đã viết gọi đánh dấu bước đường đã trải:

- Sài Gòn năm xưa, Bản kỳ nhứt in năm 1960 (226 tr.) và tái bản năm 1969 (328 tr.);

- Thú chơi sách, in năm 1960 (167 tr.);

- Hồi ký năm mươi năm mê hát, in năm 1968, 254 trang;

- Chuyện cười cổ nhân, in năm 1971 (253 tr.), - Còn cuốn nhì, vẫn chưa xuất bản được;

- Một bộ Hiếu cổ đặc san gồm chín cuốn khảo về đồ men lam Huế, nhưng chỉ xuất bản cho đến nay được sáu cuốn đầu là:

- Cuốn 1: Phong lưu cũ mới, xuất bản năm 1970, 298 tr.;

- Cuốn 2: Thú xem truyện Tàu, in năm 1970, 327 tr.;

- Cuốn 3: Thú chơi cổ ngoạn, in năm 1971, 337 tr.;

- Cuốn 4: Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa, in năm 1972, 461 tr.;

- Cuốn 5: Cảnh Đức Trấn đào lục, in năm 1972, 368 tr.;

- Cuốn 6: Cuốn sổ tay của người chơi cổ ngoạn, in năm 1972, 365 tr.

Xuất bản đang ngon lành, bỗng có sự trục trặc, lúc đầu do ông ra tiền biến chứng, không khứng ra nữa tuy sách đã viết xong và sau đó ba tập sau rốt, tôi giao cho Trung tâm học liệu Bộ Quốc gia Giáo dục cũ lo việc in thành sách, thì đùng một cái, sách và hình ảnh đều thất lạc và ba cuốn ấy tôi xin kể là:

- Cuốn 7: Khảo về đồ sứ từ Hậu Lê đến sơ Nguyễn - 281 tr. đánh máy, 56 ảnh;

- Cuốn 8: Những đồ sứ do đi sứ mang về - 300 tr. đánh máy, 52 ảnh;

- Cuốn 9: NHỮNG ĐỒ SỨ KHÁC: Quốc dụng, ngự dụng, quan dụng, dân dụng, đồ ngang, đồ phố, đồ đàn v.v... - 311 tr. đánh máy, 214 ảnh.

Những ba tập 7, 8, 9 này, gọi chung là "Khảo về đồ sứ men lam Huế", vì nay chưa xuất bản được, nên bộ Hiếu cổ đặc san của tôi, xin kể tỷ như còn chỉ tồn bốn cuốn là những: Cuốn 3 "Thú chơi cổ ngoạn", cuốn 4 "Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa", cuốn 5 "Cảnh Đức Trấn đào lục", và cuốn 6 "Cuốn sổ tay của người chơi cổ ngoạn" là tàm tạm cũng xem chơi được buổi thừa nhàn gọi để hiểu sơ lược về đồ xưa đồ cổ ta và Tàu.

Ảnh: sachxua.net