26.7.09

Bộ sách Sông Kiên

Hitler - ảnh chụp năm 1938 của LIFE

1. Hitler - Tội phạm chiến tranh
2. Cuộc săn tìm vũ khí bí mật của Hitler
3. Cuộc truy nã tên đồ tể Do Thái Adoflf Eichmann
4. Bộ mặt thật nhà độc tài Phát xít Mussolini
5. Những trận đánh lịch sử của Hitler
6. Hitler và trận đánh Normandie
7. Hitler và lò thiêu sống dân Do Thái
8. 10 ngày cuối cùng của Hitlet
9. Hitler - Cuộc mưu sát các lãnh tụ đồng minh
10. Máu đẫm bức tường Bá Linh

---

11. Hồi ký của người nữ binh Do Thái
12. Hitler và những sứ mạng bí mật của Skorzeny
13. Hitler - Người phát động thế chiến thứ hai
14. Hitler và các danh tướng Đức quốc xã
15. Hồi ký của Hitler
16. Hitler và trại tận diệt phụ nữ và trẻ con Do Thái
17. Hitler đền tội (Vụ án quốc tế Nuremberg)
18. Hitler và các vũ khí bí mật
19. Hitler và tên ác quỷ SS Himmler
20. Cuộc mưu sát Hitler
21. Hitler trả thù (Cuộc thảm sát làng Lidice)
22. Hitler - Tổng tư lệnh tối cao
23. Hitler trước Hitler
...

Những tựa trên đây có thể có một số là trùng nhau...

25.7.09

Việt Nam trong quá khứ: Tư liệu nước ngoài



Bộ sách do NXB Thế giới thực hiện gồm 9 cuốn. Hiện không biết đã ra được mấy cuốn rồi. Đáng tiếc những cuốn không có lại rất hay.

Những cuốn đã có:

1. Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở viễn Đông - G.Coedès
2. Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài - Jean Baptiste Tavernier (có hai cuốn năm 2005 và 2007)
3. Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688 - William Dampier (có hai cuốn năm 2006 và 2007)
4. Những người châu Âu ở nước An Nam - Charles B.Maybon
5. Chân Lạp phong thổ ký - Chu Đạt Quan
6. Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 - 1793) - J.Barrow

Thiếu:

7. Sự phát triển của chính quyền Lê ở Việt Nam thế kỷ XV - John Kremers Whitmore
8. Vương quốc Chiêm Thành - G.Maspéro
9. Nước Phù Nam - Paul Pelliot

23.7.09

Moon Palace - tác phẩm không có hồi kết



Thật đúng như chủ ý của những người thực hiện cuốn Moon Palace của nhà văn Mỹ lừng danh Paul Auster khi lấy đoạn cuối cùng để đưa ra như là điểm nhấn tại bìa sau cuốn sách. Đoạn văn đầy sức rung cảm, lay động tận sâu thẳm tâm hồn về nỗi cô đơn của con người, về sự nhỏ bé của con người trong cái vũ trụ bao la, trong những mối quan hệ gắn liền với sự tồn tại của con người.

"Tôi đứng một lúc lâu trên bờ biển, đợi đến lúc những mảnh vụn cuối cùng của ánh nắng tan biến. Đằng sau tôi, thành phố vẫn tiếp tục đời sống của nó, tạo ra những tiếng ồn quen thuộc của nước Mỹ cuối thế kỷ. Khi nhìn theo viền uống cong của bờ biển, tôi thấy đèn điện ngôi nhà được bật lên, từng cái từng cái một. Rồi trăng lên từ phía sau dãy đồi. Đó là một mặt trăng tròn vành vạnh, tròn và vàng như một viên đá bốc cháy. Tôi nhìn đăm đăm cảnh tượng nó trôi lên nền trời đêm, không rời mắt cho đến khi nó tìm được chỗ của mình trong bóng tối".

Kết thúc việc đọc cuốn Moon Palace này trong một khoảng thời gian khá ý nghĩa, 40 năm trước, nhân loại chứng kiến những bước đi nhỏ của con người nhưng là những bước đi vĩ đại, như nhà du hành Neil Armstrong nói khi đặt chân lên mặt trăng vào ngày 21.7.1969 từ tàu Apollo 11. Và mặt trăng cũng là cảm hứng siêu hình cho Auster trong tiểu thuyết của ông. Bối cảnh câu chuyện cũng ít nhiều liên quan đến sự kiện này khi Auster trong những đoạn khởi đầu có đề cập đến việc nước Mỹ chào đón những người đầu tiên bước chân trên mặt trăng.

Thêm một đoạn gợi nhiều cảm xúc, "Không hẳn là tôi bị choáng váng trước cảnh quan địa lý, mà sự hùng vĩ và trống rỗng của vùng đất (ở đây là Utah) bắt đầu có tác động đến cảm giác về thời gian của tôi. Hiện tại như thể trở nên phi hậu quả. Phút và giờ trở nên quá bé nhỏ để có thể đo đếm được tại nơi đây, và khi mở to mắt ra nhìn những gì có ở xung quanh, bạn sẽ buộc phải suy nghĩ theo đơn vị hàng thế kỷ, hiểu ra rằng một nghìn năm cũng không dài hơn một tích tắc đồng hồ. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy trái đất là một hành tinh xoay tít qua bầu trời. Nó không hề lớn, tôi phát hiện ra, nó rất nhỏ - gần như là tí hon. Trong số tất cả mọi thứ của vũ trụ, không gì nhỏ hơn trái đất".

Cảm xúc như đã từng trải qua khi đọc cuốn Nguồn gốc - nỗi hoài niệm về những thuở ban đầu của Trịnh Xuân Thuận, hay các tác phẩm tuyệt vời của Jared Diamond. Con người nhỏ bé, bao trùm lên nó là nỗi cô đơn. Những được mất, vui buồn trong sự tồn tại của con người sẽ chẳng còn là gì nữa khi con người đối diện với chính mình, với những khối rỗng không phi lý. Với Auster chàng trai hai mươi mấy tuổi Marco Stanley Fogg của Moon Palace hay ông già August Brill của Người trong bóng tối cùng mang trong lòng nỗi hoài niệm thiên thu của con người. Auster đặt họ trong những câu chuyện thường nhật, trong mối quan hệ xã hội và gia đình rất bình thường, nhưng qua những câu chuyện bình thường đó, những giá trị về tình thương, tình yêu lại được tôn vinh. Đọc các tác phẩm của Auster, điều dễ dàng nhận ra là những mối quan hệ gia đình rất được ông đặc biệt xem trọng. Các nhân vật được đặt trong các mối dây thân thiết để lần lượt khi có một sự mất mát nào xảy ra, đó sẽ là những nỗi đau đớn to lớn...

Còn hai cuốn Trần trụi với văn chươngNhạc đời may rủi đã được dịch sang tiếng Việt (hình như do Trịnh Lữ dịch) còn lần lữa chưa đọc, chắc ngày mai sẽ tranh thủ...

Moon Palace: xuất bản lần đầu năm 1989. Bản tiếng Việt của Cao Việt Dũng, NXB Văn học ấn hành năm 2009.

14.7.09

Sử liệu Phù Nam


Sử liệu Phù Nam của Lê Hương, xuất bản năm 1974 bởi nhà Nguyên Nhiều. Theo lời nói đầu thì tác giả Lê Hương biên soạn tập sử liệu này, cố nhiên không phải là một quyển sử, với mục đích ước mong chứng minh sự hiện diện riêng biệt của Phù Nam, một cường quốc xuất hiện trong lịch sử Đông Nam Á giống như La Mã trong lịch sử Âu Châu.

Ngoài cuốn này, Lê Hương còn có: Quả đấm thôi sơn (1952), Tự học chữ Miên (1963), Truyện cổ quốc tế (1969), Người Việt gốc Miên (1969), Truyện vui quốc tế (1969), Truyện cổ Cao Miên I và II (1969), Angkor (Đế Thiên Đế Thích) (1970), Truyện tích Việt Nam (1970), Chợ trời biên giới (1970), Sử Cao Miên (1970), Truyện cổ Ấn Độ (1971), Truyện thỏ khắp thế giới (1971), Việt Kiều ở Cao Miên (1971), Người hùng (1973), Chân Lạp phong thổ ký...

11.7.09

Sắp có cuốn "1Q84" của Murakami


Theo tin từ Nhã Nam thì cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Nhật Bản Murakami Haruki là 1Q84 đã được công ty này mua bản quyền thành công. Cuốn sách sẽ được chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Nhật và dự định xuất bản trong năm 2010.

1Q84 đánh dấu sự trở lại của Murakami sau bảy năm tạm ngừng viết tiểu thuyết. Đó cũng là cuốn sách dày nhất trong số các tác phẩm đã được xuất bản của ông (NXB Shinchosha phải chia tác phẩm thành 2 tập, nhưng phát hành cùng lúc). Ra mắt tại Nhật Bản ngày 29.5 vừa qua, đến nay 1Q84 đã bán được hơn 1 triệu bản.

Nhiều nhà phê bình cho rằng tác phẩm này có thể xem như sự tích hợp tất cả những cuốn tiểu thuyết Murakami đã viết trước đây. Báo Japan Times khẳng định cuốn sách hoàn toàn xứng đáng với sự trông đợi của người đọc, bởi lẽ “cuốn tiểu thuyết hòa trộn trong bạo lực, đam mê và hài hước có thể coi như một tác phẩm bắt buộc phải đọc với những ai muốn thấu hiểu sâu sắc văn hóa Nhật Bản đương đại”.

Murakami, 60 tuổi, được coi là một trong những nhà văn đương đại xuất sắc nhất của Nhật Bản. Ông thực sự trở thành một thần tượng của giới trẻ Nhật Bản kể từ sau tiểu thuyết Rừng Na Uy. Thời gian qua, những tác phẩm lớn làm nên tên tuổi của nhà văn đều đã được Nhã Nam mua bản quyền và chuyển ngữ: Rừng Na Uy, Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển, Ngầm

9.7.09

Mưa nguồn


Mưa nguồn - tập thơ đầu tiên của Bùi Giáng, xuất bản năm 1962, đến nay bản in này (Sài Gòn Trang Phượng Việt Nam) khá hiếm.

Trích một số bài thơ của Bùi Giáng trong tập Mưa nguồn:


Xuân Thu Trang Phượng


Mùa Xuân hẹn Thu về em trở lại
Ta nhìn nhau trong bóng nước mơ màng
Nước chảy mãi bởi vì xuân trở lại
Với giòng trong em hẹn ở bên đường

Em sẽ khóc khi nhìn trong khóe mắt
Thấy một mình người đi lại lang thang
Còn ghì giữ ân tình trong cỏ nhặt
Múa vi vu vì hẹn với truông ngàn

Ta sẽ đợi nghe đời em kể lại
Thuở xưa kia... bờ nước ấy xưa kia
Ta sẽ đợi nghe đời em nói mãi
Bên đời ai vạn đợi đã chia lìa

Mùa Xuân hẹn Thu về em trở lại
Bên đời đi còn giữ mãi hay không
Giòng bất tuyệt xanh ngần xuân thơ dại
Sầu hoang vu vĩnh hạ vọng non hồng


Mai sau em về


Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
Ta đi còn gửi đôi giòng
Lá rơi có dội vào trong sương mù?

Những thương nhớ lạnh bao giờ
Đường thu chia ngả chân trời rộng thênh
Đây phồn hoa của thị thành
Đây hồn thủy thảo khóc tình ngửa ngang
Càn khôn xưa của riêng chàng
Xưa đài vũ trụ thiếp mang riêng mình
Bây giờ đón bước em xinh
Sầu đau nhan sắc bất bình ra sao


Giã từ Đà Lạt

Nói nữa sao em? Với lời lỡ dở
Đường lây lất chiều bay sương lổ đổ
Đứng bên trời em ở lại hôm qua

Ngàn thông ơi ở đó đón bóng tà
Và giữ lại chuyện đời ta đi mất
Bước khúc khuỷu truông ngàn khe khóc lóc
Dặm mơ màng tăm tắp mấy mù khơi

Lùi bay đi để ở lại bên người
Tơ vấn vít gió mùa mời mọc én
Tay lẩy bẩy níu gì xuân bay biến
Ô thiều quang? làn nước cũ trôi mau

Em đi lên vói bắt mấy hương màu
Miền đất Thượng có mấy bờ hoa mọc
Xa biệt lắm mưa nguồn trên mái tóc
Đã mấy lần thổi lạc lệ lưa thưa

Buổi sớm hôm buồn tinh tú ai ngừa
bàn chân bước với tay buông kể lể

Trời với đất để lòng em lạnh thế
Hoahươngơi còn diễm lệ bao giờ
Những ân tình đầu liễu rũ lơ thơ
Còn hay mất trong trăng mờ khuya khoắt

Người xuống núi mang về đâu có chắc
Những dịp về còn nữa ở mai sau?

Dặm hồng vàng ai đứng lại nhìn nhau

7.7.09

"Kim Các Tự" của Yukio Mishima


Kim Các Tự (Kinkakuji) của nhà văn Nhật Bản Yukio Mishima (14.1.1925 - 25.11.1970) do Đỗ Khánh Hoan và Nguyễn Tường Minh dịch, xuất bản bởi An Tiêm (Sài Gòn) năm 1970. Mua hôm qua với giá 65 nghìn. Ở nhà đã có cuốn này rồi nhưng mất bìa trong khi cuốn vừa mua còn khá nguyên vẹn tuy đã sút chỉ, phải mất thời gian ngồi may lại.

Trích giới thiệu sách: Kim Các Tự, xuất bản năm 1959 đến nay (thời điểm năm 1970) đã tái bản trên 10 lần có hàng triệu độc giả, đã tạo uy danh cho tác giả không những trong văn giới Nhật Bản mà còn cả Âu châu và Bắc Mỹ nữa.

Hiển nhiên, ở đây, Mishima đã dùng phân tâm học để xây dựng nhân vật dựa vào một thắng tích lịch sử để hình thành tác phẩm mà chủ đề cơ bản là sự say mê cái đẹp đến cuồng loạn chỉ muốn phá hủy, tiêu diệt, lấy xã hội Nhật Bản - tiêu biểu là thành phố Kyoto - hồi cuối đệ nhị thế chiến làm bối cảnh trong đó mọi thành phần, mọi giai cấp, mọi khuôn mặt của dân tộc Phù Tang khi hùng hổ gây chiến cũng như lúc nhục nhã đầu hàng, một khuôn mặt tím bầm, tan nát vì chiến tranh xuất hiện lúc tỏ lúc mờ, khi ẩn khi hiện trong bầu không khí hiện thực pha mùi châm biếm.

Nhờ thế, Kim Các Tự vừa có giá trị cục bộ vừa có ý vị nhân bản đã thỏa mãn, lôi cuốn độc giả cả ở trong lẫn ngoài nước.

Dù khó tính, thiên vị hoặc có thành kiến, độc giả cũng như phê bình gia Âu Á, Đông Tây rồi ra cũng phải thừa nhận tiểu thuyết này là một đại danh tác có cả chiều sâu lẫn chiều rộng, nhờ biết kết hợp phân tâm học với Thiền lý mà chỉ một ngòi bút, một tâm hồn từng được nuôi dưỡng lâu đời trong nguồn tư tưởng Phật giáo, dù là "Phật giáo của giới Tân Tăng Nhật Bản", mới có thể thực hiện nổi.

>> Yukio Mishima trên Wikipedia

Con người phản kháng


Mình đã có cuốn này rồi, nhưng cuốn đó cũ quá do bị thấm nước và mất bìa bao, hôm qua mua cuốn này với giá: cuốn cũ+80 nghìn... hơi cao nhưng với sách quý như vầy thi so ra cũng là rẻ...

6.7.09

Lăng Già Đại thừa kinh


Mua cách đây mấy ngày, chỉ có 15 nghìn. Đối với triết gia như Daisetz Teitaro Suzuki thì cuốn sách này khỏi cần bàn về giá trị mà mua có bao nhiêu đó tiền thì cực rẻ... Lăng Già Đại thừa kinh do tỳ-kheo Thích Chơn Thiện và cư sĩ Trần Tuấn Mẫn dịch, NXB TP.HCM ấn hành năm 1998.

Cuốn sách này còn có phần Dẫn nhập của Daisetz Teitaro Suzuki rất công phu tới 70 trang, mà theo ông thì nó cũng được xem là một lời dẫn nhập cho Phật giáo Đại thừa nói chung...

1.7.09

Kỹ thuật của người An Nam


Cuối cùng thì đến hôm nay 1.7, mới mua được cuốn sách quý này (500 nghìn, giảm được 100 nghìn so với giá bìa). Mấy bữa trước định mua rồi nhưng loạt sách đó không được đẹp lắm do hộp bị móp, gáy sách bị rách chút ít... mà mình thì lại thích những cuốn thật hoàn hảo.
Vậy là đợi đến hôm nay mới thấy sách về nhiều, tha hồ lựa một bộ không tì vết...

Bữa trước có coi sơ qua rồi, thật là hay nhưng in ấn không được đẹp lắm, hình ảnh hơi mờ mà cuốn này lại cần đặc biệt chú trọng đến hình ảnh (sách ảnh mà!)... tiếc chút ít...