28.6.09

"Ngầm" của Haruki Murakami


Hôm nay (29.6), cuốn Ngầm của Haruki Murakami đã chính thức được phát hành. NXB Văn hóa Sài Gòn và Nhã Nam liên kết xuất bản. Chắc tại Sài Gòn chưa có sách, phải mấy ngày sau khi phát hành tại Hà Nội thì sách mới được đưa vào trong Nam. Cuốn Ngầm này do dịch giả Trần Đĩnh chuyển ngữ.

Ngày 20.3.1995, các tuyến xe điện ngầm quan trọng ở Tokyo đồng loạt bị giáo phái Aum rải hơi độc sarin - 12 người chết, hơn 5.000 người phải chịu các di chứng về thể chất và tinh thần, toàn nước Nhật bàng hoàng chấn động.

Murakami Haruki, nhà văn đương đại xuất sắc của thế hệ trưởng thành sau Thế chiến II, đã rời nước Mỹ trở về quê hương, ghi chép lại thảm họa trong nỗi đau máu thịt sống động của từng nhân chứng. Không né tránh bất cứ câu hỏi nào về quyền lực và số phận dân tộc, Murakami muốn truy tìm căn nguyên thảm họa chính trong lòng nước Nhật, chứ không quy kết hời hợt về phía “kẻ thủ ác”.

Cuốn ký sự - phỏng vấn có tên Ngầm của Murakami được mô tả là một tác phẩm báo chí đẫm chất văn chương, khẳng định tài năng của ông - vốn gần như không cần tranh cãi trong lĩnh vực tiểu thuyết - ở thể loại phi hư cấu.

Loạt phỏng vấn với 60 nạn nhân và tám thành viên giáo phái Aum, không chỉ đem lại cái nhìn khách quan và khá toàn diện về vụ tấn công mà còn phản tỉnh về một nước Nhật “ngủ yên” trong vật chất và mê mụ, không còn khả năng phản xạ tức thì trước cơn nguy biến; nỗi cô độc, trạng thái kiệt lực trong một xã hội duy lý đã đẩy những người bình thường thành đồng lõa với “kẻ thủ ác”... Tuy nhiên, tinh thần hy sinh cao quý của mỗi công dân bình thường, như người gác đường ray, đêm nào đi làm cũng dặn vợ “có thể đêm nay anh không về”, lại khiến chúng ta cảm động vô cùng về chính nước Nhật đó.

27.6.09

Ác mộng đại khủng hoảng 1929


Sách kinh tế: Những âm mưu từ đảo Jekyll

Ác mộng đại khủng hoảng 1929 (The Great Crash of 1929) của John Kenneth Galbraith xuất bản lần đầu năm 1955, cách nay hơn 50 năm và được dịch sang tiếng Việt bởi hai dịch gia Thanh Tâm, Hà Trang do NXB Tri thức và Alphabooks liên kết ấn hành. TS Vũ Hoàng Linh viết lời giới thiệu.

John Kenneth Galbraith (1908-2006) là một trong những nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ông là người theo trường phái Keynes nhiệt thành, ủng hộ sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế, từng làm việc trên nhiều cương vị khác nhau trong chính quyền của bốn đời tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ: Roosevelt, Truman, Kennedy và Johnson. Ông đã giảng dạy tại ĐH Harvard trong nhiều năm và từng làm Chủ tịch Hiệp hội kinh tế Hoa Kỳ. Trong cuộc đời gần 100 năm của mình, ông viết gần 50 cuốn sách và hơn 1.000 bài báo về nhiều chủ đề nhưng chủ yếu là kinh tế. Nhiều cuốn sách cùa ông bán rất chạy và có ảnh hưởng sâu sắc tới tư duy kinh tế của một tầng lớp trí thức Mỹ trong nhiều thập kỷ, nhất là trong giai đoạn 1950-1970.

25.6.09

Thêm một tác phẩm của Ryu Murakami


Ryu Murakami tiếp tục có mặt tại Việt Nam với cuốn Thử vai, nếu không lầm thì đây là cuốn thứ tư của ông được dịch sang tiếng Việt, sau các cuốn Màu xanh trong suốt, Xuyên thấu69.

Cuốn Thử vai (NXB Hội nhà văn) vừa ra mắt cũng là cuốn đầu tiên do Nhã Nam làm về tác gia đương đại nổi tiếng bậc nhất Nhật Bản này. Các cuốn trước đều của Bách Việt do NXB Văn học ấn hành.

Cuốn Thử vai do Trần Thanh Bình dịch, Xuyên thấu do Lê Thị Hồng Nhung dịch, Màu xanh trong suốt do Trần Phương Thúy dịch (hai cuốn này ra vào cuối năm 2008), cuốn 69 do Hoàng Long dịch (ra vào đầu năm 2009).

Đôi nét về Ryu Murakami: Tên đầy đủ là Ryunosuke Murakami, sinh năm 1952 ở Sasebo, Nagasaki. Không chỉ biết đến với tư cách nhà văn, ông cũng là nhà làm phim danh tiếng . Ở Nhật Bản, các tác phẩm của Ryu Murakami có tầm ảnh hưởng lớn đến mức năm 1997, tạp chí Times nhận định rằng ông là: "Một trong 11 người sẽ cách mạng hóa Nhật Bản".

Tác phẩm đầu tay "KagirinakuTomei Ni Chikai Buru" xuất bản lần đầu tiên năm 1976 đoạt ngay giải Gunzo dành cho tác giả mới xuất sắc, và một năm sau đó là giải văn học cao quý Akutagawa. Ngòi bút đầy tỉnh táo của Ryu Murakami xoáy vào những mặt gai góc của xã hội Nhật Bản, từ lối sống buông thả, trụy lạc của giới trẻ đến những ám ảnh khủng khiếp do trống rỗng, thiếu niềm tin vào cuộc sống... Tuy đó là những cảnh tỉnh gây sốc nặng nề nhưng cũng là liều thuốc cần thiết cho xã hội Nhật Bản nói riêng và xã hội hiện đại nói chung. Các tác phẩm về sau của ông liên tục được dư luận chú ý, được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau.




24.6.09

Bút pháp của ham muốn


Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy tiếp tục dùng "con mắt" phân tâm học để cố gắng tìm hiểu những hiện tượng văn học của Việt Nam từ Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Gia Thiều cho đến Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hoàng Cầm...

Tập sách 280 trang gồm các phần: Đi tìm thực chất thơ Hồ Xuân Hương/Hồ Xuân Hương cọ tình vào đá/Nguyễn Gia Thiệu đối thoại với bóng/Bà Huyện Thanh Quan đi dọc những đèo ngang/Đi tìm ẩn ngữ thơ Hoàng Cầm/Chế Lan Viên tháp Chàm bốn mặt/Đáp lời con quái Sphinx hay ngọn nguồn sáng tạo thơ Xuân Diệu.

Ngoài ra tập sách còn có bài giới thiệu của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử: Đỗ Lai Thúy và bút pháp của ham muốn

23.6.09

Descartes - Nhìn từ phương Đông


Một cuốn sách của Nguyên Sa, mới mua hôm qua (60 nghìn cộng với một tập tạp chí sexy), xuất bản từ tháng 10.1969 của Trình Bầy...

Sách triết học:

>> "Triết học nhập môn" của Karl Jaspers

22.6.09

Cầu Mirabeau


Tự nhiên nhớ lại một bài thơ đã đọc ngày xưa, Cầu Mirabeau của Guillaume Apollinaire sao mà nhẹ nhàng, bàng bạc của nỗi khắc khoải bởi những cuộc tình đi qua. Chợt nhớ lời ca của Trịnh Công Sơn, "Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Ôi những dòng sông nhỏ - Lời hẹn thề là những cơn mưa...". Lại nhớ một lời ca của Trịnh,"Bốn mùa như gió, bốn mùa như mây. Những dòng sông nối đôi tay liền với biển khơi...".
Cầu Mirabeau
Dưới cầu Mirabeau trôi dòng Seine
Và tình ta nữa
Chẳng biết anh còn nên nhớ
Niềm vui lại đến sau nỗi ưu phiền

Đêm cứ về giờ cứ điểm
Tháng ngày đi anh vẫn còn đây

Tay trong tay mình cứ đối mặt nhau
Cánh tay mình làm cầu
Dưới cầu qua qua mãi
Làn nước chán chường vì ánh mắt thiên thu

Đêm cứ về giờ cứ điểm
Tháng ngày đi anh vẫn còn đây

Tình yêu ra đi như nước kia tuôn chảy
Tình yêu ra đi
Cuộc đời sao mà chậm rì
Hy vọng sao mà dữ dội

Đêm cứ về giờ cứ điểm
Tháng ngày đi anh vẫn còn đây

Ngày qua rồi lại tuần qua
Mà quá khứ
Và những cuộc tình không trở lại
Dưới cầu Mirabeau trôi mãi dòng Seine

Đêm cứ về giờ cứ điểm
Tháng ngày đi anh vẫn còn đây.
(Bản dịch của Hoàng Hưng, trong Thơ của Guillaume Apollinaire)
Mi uống rượu này cháy bỏng như đời mi
Đời mi mi uống như rượu tì tì...
(Apollinaire)

Cầu Mirabeau

Phan Cẩm Thịnh dịch

Dưới cầu Mirabeau êm đềm trôi dòng Seine
Trôi cả tình yêu của anh và em
Không biết anh có còn nên nhớ
Niềm vui sẽ đến theo sau nỗi ưu phiền.

Giờ cứ điểm, đêm cứ đến gần
Tháng ngày trôi, đây vẫn còn anh.

Mặt đối mặt và tay trong tay nhau
Vòng tay ta như cầu
Dưới cầu dòng nước chảy
Ánh mắt rã rời vì li biệt dài lâu.

Giờ cứ điểm, đêm cứ đến gần
Tháng ngày trôi, đây vẫn còn anh.

Tình ra đi như dòng nước trôi nhanh
Tình yêu của em và anh
Cuộc đời ơi, sao mà chậm rãi
Hy vọng sao mà dữ dội cuồng điên.

Giờ cứ điểm, đêm cứ đến gần
Tháng ngày trôi, đây vẫn còn anh.

Vẫn trôi đều ngày tuần, tháng năm
Quá khứ và tình yêu quay trở lại không còn
Chỉ một điều không bao giờ thay đổi
Dưới cầu Mirabeau êm đềm trôi dòng Seine.

Giờ cứ điểm, đêm cứ đến gần
Tháng ngày trôi, đây vẫn còn anh.

(Lấy từ Wikipedia)

21.6.09

Murakami chuẩn bị "trở lại"

Bìa 2 cuốn sách của Murakami (bản tiếng Anh) chuẩn bị ra mắt

Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam vừa cho biết đơn vị này vừa mua bản quyền hai tác phẩm của nhà văn Nhật Bản nổi tiếng thế giới Haruki Murakami là UndergroundWhat I Talk About When I Talk About Running. Hiện hai cuốn sách này đang trong quá trình dịch thuật và sẽ sớm ra mắt trong năm nay.

Như vậy, sau Người tình Sputnik - tác phẩm đầu tiên của ông đề cập đến vấn đề đồng tính nữ xuất bản hồi đầu tháng 7 năm ngoái, tác giả của Rừng Na Uy Murakami đang chuẩn bị "trở lại" với độc giả Việt Nam. Tuy nhiên, nếu những cuốn sách được dịch trước đây của Murakami thuộc về thể loại truyện ngắn hay tiểu thuyết như Sau cơn động đất, Đom đóm, Rừng Na Uy, Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển... thì ở hai tác phẩm mới này, độc giả Việt Nam sẽ được thấy tài năng văn chương của ông qua các thể loại báo chí, tự truyện...

Ngoài những trang viết tạo nên tên tuổi của một nhà văn đương đại hàng đầu Nhật Bản, Murakami còn có một niềm say mê khác là chạy marathon. What I Talk About When I Talk About Running (tạm dịch Tôi nói gì khi tôi bàn về việc chạy bộ) được Murakami viết vào khoảng năm 2005 - 2006, xuất bản tại Nhật Bản vào năm 2007 với tít phụ "Một hồi ký" là một cuộc khám phá những mối kết nối giữa chạy và viết. Ông cho biết: "Không chỉ chuyện chạy, cuốn sách cũng là về một cách sống. Nó không phải là sách hướng dẫn. Cách tôi chạy là cách tôi xưa nay vẫn sống, nên cuốn sách là về những mối kết nối giữa sống, chạy và viết. Thái độ sống của tôi...".

Trong khi đó, cuốn Underground (tạm dịch Ngầm, xuất bản tại Nhật năm 1997 - 1998) được mô tả là một tác phẩm báo chí đẫm chất văn chương, khẳng định cho tài năng của Murakami - vốn hầu như không cần tranh cãi trong lĩnh vực tiểu thuyết - ở thể loại phi hư cấu (non-fiction). Underground viết về thủ đô Tokyo của Nhật Bản tháng 3.1995 bị chấn động bởi một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học nhằm vào thường dân - các hành khách của hệ thống tàu điện ngầm Tokyo của một tổ chức tự xưng là giáo phái Aum. Vụ đầu độc này đã làm 12 người chết, hàng ngàn người bị thương...

Trong loạt phỏng vấn với 60 nạn nhân và 8 thành viên của giáo phái Aum, Murakami đã đem lại cái nhìn khách quan và khá toàn diện về vụ tấn công, đồng thời cắt nghĩa sự kiện kinh hoàng đó bằng cách nhìn sâu hơn vào những bất ổn của hệ thống xã hội đang được duy trì trong thời hiện đại, bất ổn đằng sau bề ngoài bình lặng của mỗi cá nhân, và con đường dẫn đến tội ác...

Đánh giá về tác phẩm này, The Independent viết: “Xuất sắc. Tác phẩm của Murakami chủ yếu được cấu thành từ lời kể của các nạn nhân. Trong khi nhắc lại cái ngày định mệnh ấy, họ đã đưa nguời đọc đến một góc lạ thường trong cuộc sống của những người dân Tokyo. Kết quả tổng hợp không chỉ là một tác phẩm ấn tượng của nền văn học nhân chứng, mà còn là dư âm độc đáo của những tâm hồn Nhật Bản bình thường”.

Paris dấu yêu


Tối qua đi nhậu về, vợ hơi khó chịu. Nhưng nghĩ lại cũng nhờ đi nhậu mà mình ghé qua chỗ sách cũ đúng lúc có được cuốn sách ảnh về Paris. Nếu không đi vào lúc đó, dễ gì có được cuốn sách hấp dẫn này chỉ với giá 20 nghìn đồng...

Thật tuyệt khi thêm một lần nữa được nhìn những khung cảnh của một đô thành cổ kính mà lòng bao mong ước được đến thăm... kìa tháp Eiffel, kìa Khải hoàn môn, còn có Notre-Dame từng sống với mình qua tiểu thuyết của Hugo. Và còn có bảo tàng Louvre mà mới đây được tái hiện ở Mật mã Da Vinci...

Chẳng những vậy, trong cuốn này còn có các bức tranh của những họa sĩ lừng danh như Delacroix, Leonardo da Vinci, Rubens, Goya; các họa sĩ trường phái ấn tượng...


19.6.09

"Triết học nhập môn" của Karl Jaspers


"Theo nguyên ngữ Hy lạp danh từ "philosophos" (triết gia) được đặt ra để đối lập với danh từ "sophos" (bác học) nghĩa là triết gia yêu mến hiểu biết, trái lại bác học sở hữu kiến thức. Nghĩa ấy ngày nay vẫn còn, nghĩa là bản chất triết lý là truy tầm chân lý, chứ không phải chiếm đoạt chân lý. Ngay cả những trường hợp triết lý biến thành giáo điều, thành kiến thức công thức, chung cục hoàn bị, có thể truyền bá bằng giáo khoa được. Vì triết lý là một cuộc hành trình. Nên với triết lý, tra vấn thắc mắc thường quan trọng hơn giải đáp. Hơn nữa mỗi giải đáp còn đẻ ra nhiều thắc mắc mới"

17.6.09

Những âm mưu từ đảo Jekyll

Nhận diện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ
G. Edward Griffin



Mới mua trưa nay (17.6), giá bìa 130.000đ (giảm còn 98.000đ). Sách do Công ty cổ phần Tinh Văn (Tinh Văn MEDIA) liên kết NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản quý II-2009. Người dịch: Nhật An, Minh Hà, Ngọc Thúy. Hiệu đính: TS Đinh Thế Hiển.

Edward Griffin muốn nói gì trong cuốn sách dày đến 772 trang này? Theo đề từ thì Griffin cho rằng tổ chức này nên được bãi bỏ vì nó không đủ khả năng hoàn thành những mục tiêu tự đề ra; là tổ chức lũng đoạn hoạt động chống lại lợi ích của dân chúng; là công cụ cho vay lãi nặng quan trọng nhất; tạo ra khoản thuế không công bằng nhất của chúng ta; cổ vũ chiến tranh; làm mất ổn định nền kinh tế; là công cụ của chế độ chuyên quyền.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, việc các định chế tài chính của Mỹ ngụp lặn, loay hoay xoay sở thoát ra khỏi những khó khăn kể từ khi bong bóng đầu tư bất động sản tại nước này vỡ vụn lại một lần nữa cho thấy sự bất lực của các tổ chức này. Trong đó vai trò của Fed (Federal Reserve System) được xem là cánh chim đầu đàn ngành tài chính Mỹ lại cho thấy nước Mỹ không mong chờ gì nhiều ở những quyết định thay đổi của tổ chức này...

Vì vậy để hiểu kỹ càng hơn vai trò của Fed trong nền kinh tế Mỹ hiện nay, việc lật lại cội nguồn của nó cho đến nay là công việc mà Griffin hướng tới trong tác phẩm của ông...

>> G. Edward Griffin trên Wikipedia

16.6.09

Đợi một cuốn sách quý

Dựng cây nêu ngày Tết


Mấy bữa nay cứ chờ đợi hoài, số là cuốn Kỹ thuật của người An Nam của Henri Oger đã được in lại vừa phát hành. Tuy nhiên ở miền Nam chỉ có được một vài bộ. Theo một người bạn làm ở Nhã Nam (công ty tham gia xuất bản cuốn này) thì trong một vài tuần tới, bộ sách này (gồm 3 tập, giá 600.000 đồng) sẽ được bán rộng rãi hơn. Vậy thì đợi tiếp thôi...

Còn cuốn Ký họa VN đầu thế kỷ 20 của ông Nguyễn Mạnh Hùng (NXB Trẻ) thì hiện nay khá hiếm, hình ảnh in đẹp, hôm qua tiệm sách cũ "hét" đến 350.000 đồng. Đến khi sách tái bản của Henri Oger phát hành rộng thì cuốn này chắc sẽ hạ thôi...

Về Nhà nghiên cứu Henri Oger và tác phẩm Kỹ thuật của người An Nam:

Tác giả Henri Oger, người Pháp, đậu Tú tài năm 1905 khi vừa tròn 20 tuổi. Sau đó, ông theo học tại các trường L’Ecole Coloniale, L’Ecole Pratique des Hautes études, rồi làm quản lý viên trong Cơ quan Hành chính Dân sự của chính quyền Đông Dương.

Năm 1908-1909, ông sang Việt Nam, tham gia nghiên cứu những thao tác và nghề thủ công của người Việt Nam để xây dựng, thống kê các thuật ngữ kỹ thuật, sau đó nghiên cứu sâu về gia đình người Việt. Cuộc sống với những nét văn hóa nơi đây đã có sức lôi cuốn đặc biệt với Henri.

Dự án quan trọng nhất mà ông có dịp tham gia là dự án Nghiên cứu thực địa về nền Văn minh Vật chất của người Việt Nam và các khía cạnh về xã hội học, một lĩnh vực khi đó có rất ít người “nhúng tay” vào.

Trong hai năm 1908-1909, Henri đã cùng một họa sĩ người Việt đi khắp các phố phường Hà Nội và vùng ngoại ô để thống kê và tìm hiểu rõ sự đa dạng của các ngành công thương nghiệp, phác họa lại những hình ảnh phản ánh đời sống của người dân từ sản xuất, buôn bán đến vui chơi, tập tục…

Henri làm việc với thái độ nghiêm túc, cẩn thận, đảm bảo tính trung thực, chính xác. Sau khi phác họa tranh xong, Henri mời người dân kiểm tra lại trước khi chuyển đến cho những người thợ khắc gỗ ở Hà Nội thực hiện.

Bằng tất cả niềm yêu thích, hứng thú với công việc, chàng trai người Pháp không ngại khó, cuối cùng đã cho ra đời quyển sách “Kỹ thuật của người An Nam”. Tác phẩm được xuất bản thành hai phần:

- Phần đầu là các bức tranh với nội dung rất phong phú, thẫm đậm chất dân gian như những bức ký họa: “Trị mụt mắt”, “Đánh vợ”, “Đám rước”, “Dựng nêu đón Tết”, “Thiến trâu”, “Chọi gà”, “Dạy con”, “Thầy đồ”, “Cất vó”, “Cắt cỏ tranh”,… tất cả đều được đánh số thứ tự rõ ràng trên tranh.

- Phần hai là tài liệu do Henri Oger quan sát, ghi chép lại, được chia thành bốn chương: những kỹ thuật khai thác nguyên vật liệu từ thiên nhiên; chế biến, gia công; sử dụng nguyên vật liệu đã được gia công, chế biến và đời sống cá nhân và tập thể của người Việt Nam.

Do thiên về tính kỹ thuật và không chú ý đến việc phổ biến, từ khi xuất bản, tác phẩm của Henri Oger không được mấy người biết đến và bị lãng quên. Mãi đến năm 1978, công trình này mới được nhắc tới tại một cuộc triển lãm ở Pháp với tên gọi “Những họa sĩ nông dân của Việt Nam”.

Ngày nay, tác phẩm của ông đã được nhìn nhận, trả lại đúng vị trí của nó. Cùng với thời gian, ông đã làm được việc ý nghĩa là lưu giữ lại những dấu ấn đời sống, kỹ thuật của người Việt Nam.

Tác phẩm được các chuyên gia của Viện Viễn Đông Bác Cổ đánh giá là công trình đầu tiên về nhân học kỹ thuật ở miền Bắc Việt Nam và thực sự trở thành mối quan tâm của giới khoa học hay những ai muốn nghiên cứu hay khám phá đời sống của người Việt Nam xưa.

Hiện chỉ còn 3 nơi giữ được bản gốc của tác phẩm, đó là: một bản ở thư viện Khoa học Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh; một bản ở Pháp và một bản ở Tổng Lãnh sứ quán Hà Lan.

Năm 2007, Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) tại Hà Nội hợp tác với thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh tái bản toàn bộ tác phẩm ra ba thứ tiếng, dưới dạng sách và ấn phẩm điện tử, được dịch ra chữ quốc ngữ những chú thích viết bằng chữ Hán Nôm, với mong muốn mang đến một cuộc sống mới cho công trình tư liệu gốc trước đây.

(TTXVN)

Hai cuốn sách gần 80 tuổi

Hai tiểu thuyết của nhà văn Bửu Đình xuất bản từ năm 1932...